hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 06/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cầm cố hộ chiếu có được không? [Quy định hiện hành]

Đối với người thường xuyên xuất, nhập cảnh sang nước ngoài như du học sinh, khách du lịch, người đi công tác nước ngoài,... Thì hộ chiếu là một trong những giấy tờ tùy thân không thể thiếu. Vậy cầm cố hộ chiếu có được không?

Mục lục bài viết
  • Loại tài sản nào có thể mang cầm cố?
  • Cầm cố hộ chiếu có được không?
  • Cầm cố hộ chiếu bị xử phạt thế nào?
Câu hỏi: Hiện nay tôi thấy có rất nhiều dịch vụ cầm đồ như cầm xe, vàng, vật phẩm có giá hoặc các loại giấy tờ như sổ đỏ, cà vẹt xe,... Vậy có được phép cầm cố hộ chiếu không?

Loại tài sản nào có thể mang cầm cố?

Loại tài sản nào có thể mang cầm cố?Loại tài sản nào có thể mang cầm cố?

Căn cứ theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Căn cứ theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng của hợp đồng cầm cố gồm các loại  tài sản: 

  • Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

  • Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Như vậy cầm cố tài sản là một hình thức một bên giao tài sản của mình cho một bên khác nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận 2 bên. Hiện nay tài sản cầm cố có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá,... hoặc các loại động sản, bất động sản. 

Tuy nhiên, pháp luật chỉ mới quy định về các loại, đối tượng được phép cầm cố mà chưa quy định cụ thể từng món đồ vật, loại giấy tờ gì. Vậy khi chọn hình thức cầm cố tài sản bạn có thể chọn một số hình thức sau:

  • Tài sản là vật: Trang sức, đá quý, đồ thủ công được điêu khắc tinh xảo,..

  • Tiền, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu,...

  • Động sản hoặc bất động sản: Nhà, xe, máy móc, thiết bị có giá trị sử dụng.

Cầm cố hộ chiếu có được không?

Cầm cố hộ chiếu có được không?Cầm cố hộ chiếu có được không?

Căn cứ Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.

2. Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.

3. Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.

4. Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.

…”

Cùng với đó, căn cứ Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:

Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:

  • Hộ chiếu ngoại giao;

  • Hộ chiếu công vụ;

  • Hộ chiếu phổ thông;

  • Giấy thông hành.

Theo đó, hành vi cầm cố hộ chiếu là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật. Hộ chiếu là một trong những giấy tờ quan trọng cho thủ tục xuất, nhập cảnh và đóng vai trò chứng minh nhân thân của người sử dụng. Vì thế, cá nhân hay tổ chức có hành vi cầm cố hộ chiếu có thể chịu mức phạt hành chính theo quy định.

Trên thực tế, sẽ không có nhiều trường hợp chính chủ thực hiện hành vi cầm cố hộ chiếu mà đa phần do người khác vô tình nhặt được hoặc đánh cắp như móc túi, cướp giật dẫn đến lẫn hộ chiếu vào sau đó trong quá trình cầm cố tài sản tiện cầm cố hộ chiếu hồng có thêm tiền bất chính.

Trường hợp nếu bạn bị mất hộ chiếu thì nên báo mất cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tìm kiếm hoặc làm lại hộ chiếu mới, tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng thông tin có trên hộ chiếu để làm những việc trái pháp luật.

Cầm cố hộ chiếu bị xử phạt thế nào?

Căn cứ khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại như sau:

“3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Tặng, cho, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;

d) Cho người khác sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

…”

Như vậy, trường hợp cá nhân thực hiện hành vi cầm cố hộ chiếu có thể bị phạt từ 3 - 5 triệu (đối với tổ chức thì mức phạt là gấp đôi). Đồng thời người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Trên đây là bài viết Cầm cố hộ chiếu có được không?

Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số  1900.6199 để được hỗ trợ

Có thể bạn quan tâm

X