hieuluat
Chia sẻ email

Cơ quan quyền lực nhà nước là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước

Cơ quan quyền lực nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành hoạt động của đất nước. Vậy Cơ quan quyền lực nhà nước là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước hiện nay như thế nào?

Mục lục bài viết
  • Cơ quan quyền lực nhà nước là gì?
  • Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là gì?
  • Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của nước ta là gì?
  • Hệ thống và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước
Câu hỏi: Em đang tìm hiểu về các cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ quan quyền lực nhà nước là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước. Rất mong nhận đc tư vấn.

Cơ quan quyền lực nhà nước là gì?

Cơ quan quyền lực nhà nước là gì?

Dựa trên tinh thần Hiến pháp năm 2013, có thể thấy cơ quan quyền lực nhà nước chính là cơ quan được bầu ra trực tiếp bởi nhân dân, nhằm mục đích đại diện/thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Cơ quan quyền lực nhà nước sẽ sử dụng “quyền lực” đặc biệt này để ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội, quyết định các vấn đề quan trọng, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản đây là cơ quan nắm “quyền lực nhà nước”, được quyết định các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của đất nước.

Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là gì?

Điều 69 Hiếp pháp năm 2013 có quy định như sau:

“Điều 69.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.”.

Theo quy định này thì Quốc hội chính là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Quốc hội là cơ quan duy nhất thực hiện đầy đủ các quyền lập hiến, lập pháp, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như thực hiện quyền giảm sát tối cao với các hoạt động của Nhà nước.

Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của nước ta là gì?

Tại mỗi địa phương, hội đồng nhân dân chính là cơ quan quyền lực, là cơ quan đại diện cho ý chí, đại diện cho nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Hội đồng nhân dân của từng địa phương được Nhân dân tại địa phương bầu ra. Hội đồng nhân dân đồng thời chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên.

Theo Điều 13 Hiến pháp thì hội đồng nhân dân là cơ quan có thẩm quyền quyết định các vấn đề của địa phương mà pháp luật quy định; giám sát việc tuân theo quy định pháp luật, Hiến pháp ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Như vậy, tương ứng với từng cấp đơn vị hành chính thì sẽ có cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng gồm: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, hội đồng nhân dân cấp huyện, và cuối cùng là hội đồng nhân dân cấp xã.

Hệ thống và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước

* Hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước Việt Nam hiện hành

Căn cứ quy định Hiến pháp năm 2013 thì hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước hiện nay gồm: Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã).

Trong đó, quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta.

Hội đồng nhân dân là cơ quan được nhân dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, ý chí và quyền của nhân dân. Hội đồng nhân dân thay mặt cho người dân để nêu ý kiến, quan điểm về các vấn đề chính sách, pháp luật,... đến cấp trên, đồng thời chịu trách nhiệm trước toàn bộ nhân dân và trước cấp trên.

* Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước trong sự phát triển của đất nước

Theo Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước có quyền hạn và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Là cơ quan ban hành, sửa đổi Hiến pháp; nghiên cứu để làm luật và sửa đổi quy định của luật để phù hợp với tình hình thực tế.

- Quốc hội có quyền giám sát tối cao việc tuân theo nội dung quy định trong Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Tòa án /Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia, báo cáo của Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

- Quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách cũng như các nhiệm vụ cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta;

- Quyết định các chính sách cơ bản của quốc gia về vấn đề tài chính, tiền tệ; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các loại thuế; quyết định về vấn đề thu chi/phân bổ ngân sách nhà nước, dự toán ngân hàng nhà nước,...

- Quyết định chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo;

- Là cơ quan có quyền quy định về vấn đề tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước CHXHCNVN, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án hay Viện kiểm sát, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác mà Quốc hội thành lập;

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các vị trí sau: “Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập”; 

Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, đề nghị miễn nhiệm, đề nghị cách chức các vị trí: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ đượcQuốc hội bầu ra hoặc được Quốc hội phê chuẩn;

- Quyết định việc thành lập, bãi bỏ hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ các cơ quan khác theo pháp luật;

- Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội của các chủ thể sau: Chủ tịch nước, UB thường vụ Quốc hội, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao;

- Quyết định đại xá cho phạm nhân;

- Quy định về hàm, cấp bậc trong: Lực lượng vũ trang nhân dân, cấp ngoại giao, cấp nhà nước khác; quy định về huân huy chương và các danh hiệu vinh dự nhà nước;

- Quyết định về vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định tình trạng khẩn cấp, cùng các biện pháp đặc biệt khác để bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

- Quyết định các chính sách cơ bản về đối ngoại; các vấn đề liên quan đến gia nhập/chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế, các vấn đề quyền con người, quyền công dân,...

- Quyết định trưng cầu ý dân đối với các vấn đề họp.

Riêng với Hội đồng nhân dân, tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng với HĐND các cấp như sau:

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh:

- Trong việc tổ chức và đảm bảo việc thực thi Hiến pháp và quy định pháp luật:

+ HĐND được ban hành các văn bản (nghị quyết) thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; 

+ Bãi bỏ các văn bản có nội dung trái quy định pháp luật của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh, hội đồng nhân dân huyện;

+ Quyết định các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, quốc gia, phòng chống tội phạm, chống tham nhũng; đảm bảo tài sản, tính mạng nhân dân và cơ quan nhà nước,...

- Trong việc xây dựng chính quyền:

+ Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các vị trí sau: Chủ tịch/Phó chủ tịch của Hội đồng nhân dân, Trưởng ban/ Phó Trưởng ban của HĐND, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch/Phó chủ tịch/ủy viên UBND tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

+ Quyết định thành lập, quyết định bãi bỏ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;

+ Quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, các đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp thuộc địa bàn tỉnh,...

+ Quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia  tách thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên thôn, đổi tên tổ dân phố, đường, phố, quảng trường, các công trình công cộng ở địa phương,...

- Trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên và môi trường:

+ HĐND quyết định các kế hoạch phát triển về kinh tế xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực thuộc địa bàn tỉnh;

+ Quyết định dự toán, dự thu, dự chi, phân bổ ngân sách nhà nước ở địa phương,...

+ Quyết định về phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân,...

+ Quyết định các quy hoạch xây dựng, đô thị phù hợp với chính sách phát triển của địa phương,...

- Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin và thể dục, thể thao:

+ Quyết định các biện pháp phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tại địa phương,..

+ Quyết định các chính sách, biện pháp phát triển giáo dục, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ;

+ Quyết định biện pháp để phát triển văn hóa, thể dục, thể thao du lịch,...

- Trong lĩnh vực y tế, lao động và thực hiện chính sách xã hội:

+ Quyết định các biện pháp nhằm phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quyết định giá đối với dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở nhà nước mà HĐND quản lý;

+ Quyết định các biện pháp đảm bảo, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa đình;...

- Trong công tác dân tộc và tôn giáo tại địa phương

+ HĐND quyết định biện pháp để thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất/đời sống tinh thần, nâng cao dân trí, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tăng cường đại đoàn kết ở nhân dân,..

+ Quyết định các biện pháp nhằm thực thi chính sách tôn giáo; biện pháp bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng,... trên địa bàn tỉnh.

- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội:

+ Quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ an ninh trên địa bàn tỉnh;

+ Quyết định các chủ trương, đường lối, biện pháp để phát triển các tiềm năng của địa phương;...

+ Quyết định thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, bảo đảm an toàn giao thông ở tỉnh.

- Giám sát việc người dân tại địa phương có tuân theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nghị quyết HĐNG tỉnh hay không; giám sát các hoạt động của đơn vị là: Thường trực HĐND, Ủy ban, Tòa án/Viện kiểm sát nhân dân,..., giám sát việc tuân theo các quy định pháp luật khác.

- Thực hiện các công việc, nhiệm vụ khác mà pháp luật quyết định.

Tương tự với HĐND cấp tỉnh thì HĐND ở huyện và xã cũng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tương tự đã nêu trên. Tuy nhiên, phạm vi, giới hạn công việc sẽ có sự thay đổi phù hợp với cấp hành chính.

Bài viết trên đây hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về “Cơ quan quyền lực nhà nước là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước” đến bạn đọc. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp luật khác, xin hãy liên hệ tổng đài 1900.6199 để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X