hieuluat
Chia sẻ email

Công an đánh người bị xử lý như thế nào?

Đánh người là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự công cộng. Công an đánh người bị xử lý như thế nào? Việc xử lý công an có gì đặc biệt so với những người đối tượng khác? Hãy tìm hiểu vấn đến này cùng chúng tôi thông qua bài viết dưới đây. 

 
Mục lục bài viết
  • Công an đánh người bị xử lý thế nào?
  • Công an đánh người có bị ra khỏi ngành?
  • Công an đánh dân bị kiện kỷ luật ra sao?
Câu hỏi: Xin chào mọi người, tôi là Sơn đến từ Hà Nội, trong quá trình dừng xuất trình giấy tờ xe thì tôi đã bị một đồng chí công an đánh vô cớ. Tôi muốn hỏi như vậy có vi phạm pháp luật không và công an đánh người bị xử lý như thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Công an đánh người bị xử lý thế nào?

Công an đánh người bị xử lý thế nào?

Công an là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn trật tự an ninh xã hội. Vì vậy, Công an sẽ được trao một số quyền được sử dụng vũ lực trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, Nghị định 208/2013/NĐ-CP, có quy định người thi hành công vụ trong tình thế cấp bách và cần thiết được phép sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật theo quy định để ngăn chặn người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Như vậy, pháp luật có quy định cụ thể các trường hợp mà công an được phép sử dụng vũ lực, còn lại mọi trường hợp sử dụng vũ lực khác không chính đáng đều được coi là vi phạm pháp luật. Vậy việc công an đánh người vi phạm quy định gì và bị xử lý như thế nào?

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Công an nhân dân năm 2018, thì việc công an mà vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất, mức độ mà cũng sẽ bị xử lý theo quy định chung của pháp luật. Việc đánh người tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử lý ở các mức độ khác nhau như xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, trong lĩnh vực hành chính: Theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe của người khác nhưng không đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Mức phạt là từ 5 triệu đồng đến 8 triệu động, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người bị thương tích.

Thứ hai, trong lĩnh vực hình sự: nếu hành vi đánh người cấu thành nên các tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi đánh người thì thường sẽ thuộc nhóm tội danh xâm phạm về tính mạng, sức khỏe con người như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017)….

Đặc biệt đối với công an, là người được trao quyền thi hành công vụ, khi sử dụng vũ lực vượt quá mức cần thiết có thể phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt dữ tội phạm (Điều 136), hoặc Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác khi thi hành công vụ (Điều 137)….

Ngoài ra, khi công an đánh người không có lý do chính đáng có thể bị áp dụng xử lý kỷ luật đối với công chức theo quy định về xử lý luật cán bộ, công chức.

Trong nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có thể quy định về việc vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự xã hội là một trong các hành vi có thể bị xử lý kỷ luật tùy theo từng mức độ, tính chất và hậu quả. 

Công an khi có các hành vi như vi phạm nồng độ cồn hay công an đánh bạc cũng sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công an đánh người có bị ra khỏi ngành?

Công an đánh người có bị ra khỏi ngành?

Bị ra cho khỏi ngành Công an là cụm từ để chỉ việc công an vi phạm các quy định pháp luật và quy định của ngành Công an gây hậu quả rất nghiêm trọng dẫn đến bị tước danh hiệu công an nhân dân.

Hành vi đánh người không lý do chính đáng hoặc vượt quá mức theo quy định đều là bị pháp luật nghiêm cấm. Hiện nay, pháp luật chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ công an mà mới chỉ có Thông tư 02/2021/TT-BCA về xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.

Tuy nhiên, có thể áp dụng Luật cán bộ công chức để xử lý công an có hành vi vi phạm. Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể sẽ bị buộc thôi việc.

Do đó, nếu hành vi đánh người của công an ở mức độ bị kỷ luật buộc thôi việc thì đồng nghĩa sẽ bị cho ra khỏi ngành.  

Công an đánh dân bị kiện kỷ luật ra sao?

Mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe. Vì vậy, khi bị công an đánh một cách vô cớ thì người dân hoàn toàn có quyền tố cáo với cấp trên của người đó hoặc tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật. Vậy khi công an đánh dân bị kiện thì sẽ bị kỷ luật như thế nào?

Tuỳ vào tính chất và mức độ, mà hành vi đánh người mà công an có thể bị xử lý kỷ luật hay xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, khi bị công an đánh, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình người dân có thể tố cáo hành vi tại cơ quan công an các cấp nơi bản thân hoặc nơi công an có hành vi đánh người đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề “Công an đánh người bị xử lý như thế nào?” theo quy định mới nhất năm 2023. Mong rằng những thông tin trên giúp ích được cho các độc giả, góp phần phổ biến pháp luật đến rộng rãi người dân. Nếu các bạn còn vấn đề thắc mắc cần giải đáp thì có thể liên hệ tổng đài 1900.6199. 

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X