hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 22/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện và thủ tục làm nhượng quyền thương hiệu [2024]

Nhượng quyền thương hiệu là chiến lược phát triển được áp dụng phổ biến và rộng rãi. Vậy điều kiện và thủ tục làm nhượng quyền thương hiệu hiện nay như thế nào? Cụ thể tham khảo bài viết sau.

Mục lục bài viết
  • Nhượng quyền thương hiệu là gì? Có mấy hình thức?
  • Điều kiện để làm nhượng quyền thương hiệu
  • Thủ tục làm nhượng quyền thương hiệu thế nào?
Câu hỏi: Tôi hiện đang kinh doanh chuỗi nhà hàng tại Hà Nội, hiện tôi muốn mở rộng kinh doanh ở Đà Nẵng và Sài Gòn thì thủ tục nhượng quyền thương hiệu thế nào?

Nhượng quyền thương hiệu là gì? Có mấy hình thức?

Căn cứ Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương hiệu được hiểu là một hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền tự mình thực hiện việc mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau:

- Việc mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ được tiến hành bằng cách tổ chức kinh doanh theo quy định của bên nhượng quyền, được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và quảng cáo của bên nhượng quyền.

- Bên nhượng quyền được quyền kiểm soát, trợ giúp việc điều hành công việc kinh doanh của bên nhận quyền.

Nhượng quyền thương hiệu là gì? Có mấy hình thức?

Nhượng quyền thương hiệu là gì? Có mấy hình thức?

Như vậy, nhượng quyền thương hiệu được hiểu là một hình thức tiếp thị, phân phối, theo đó chủ sở hữu của một hệ thống kinh doanh (tức là bên nhượng quyền) cho phép một cá nhân, tổ chức khác được quyền bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ của bên nhượng quyền bằng cách sử dụng hệ thống kinh doanh của chủ sở hữu đó.

Hiện nay có 05 hình thức thương quyền thương hiệu phổ biến, đó là:

- Nhượng quyền mô hình kinh doanh: Với hình thức này, bên nhận quyền thương hiệu được hỗ trợ trong suốt giai đoạn kinh doanh ban đầu, đồng thời cũng được hưởng lời từ kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tiếp thị của bên nhượng quyền.

- Nhượng quyền sản phẩm: Đây là hình thức lâu đời nhất, theo đó bên nhận quyền được phép kinh doanh phân phối hàng hoá của bên nhượng quyền và phải chi trả một khoản phí tương đương với số lượng hàng hóa đó hoặc không cần trả phí thay vào đó phải bán lượng hàng hóa tối thiểu.

- Nhượng quyền công việc: Là hình thức nhượng quyền tư thấp (thông thường là tại nhà), được vận hành bởi một người hoặc số lượng người hạn chế (dưới 05 người). Bên nhận quyền thương hiệu chỉ trả phí nhượng quyền và chi phí ban đầu như thiết bị, vật hiệu,...

- Nhượng quyền đầu tư: Thông thường là những dự án có quy mô lớn, bên nhận nhượng quyền cũng phải có nguồn vốn đầu tư tương ứng để đáp ứng việc nhận quyền.

- Nhượng quyền chuyển đổi: Là việc thương nhân đang hoạt động thực hiện mua quyền hoạt động dưới tên và thương hiệu của bên nhượng quyền.

Điều kiện để làm nhượng quyền thương hiệu

Căn cứ Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, quy định về điều kiện đối với bên nhượng quyền như sau:

“Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.

Như vậy, nếu thương nhận muốn làm nhượng quyền thương hiệu thì phải đáp ứng điều kiện có hệ thống kinh doanh dự định nhượng quyền đã hoạt động được tối thiểu 01 năm.

Điều kiện để làm nhượng quyền thương hiệu

Điều kiện để làm nhượng quyền thương hiệu

Ngoài ra, trước đây pháp luật có quy định yêu cầu bên nhận quyền phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng nhượng quyền. Tuy nhiên, hiện nay đã không còn quy định điều kiện đối với bên nhận quyền nữa.

Thủ tục làm nhượng quyền thương hiệu thế nào?

Theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Mục II Thông tư 09/2006/TT-BTM, hồ sơ, thủ tục làm nhượng quyền thương hiệu được thực hiện như sau:

Hồ sơ cần chuẩn bị để làm nhượng quyền thương hiệu gồm có:

- Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu theo mẫu MĐ-1 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 09/2006/TT-BTM.

- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương hiệu theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư 09/2006/TT-BTM.

- Các văn bản xác nhận tư cách pháp lý của bên nhượng quyền thương hiệu, cụ thể:

  • Bản sao từ sổ gốc/bản sao chứng thực/bản sao xuất trình kèm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với trường hợp nhượng quyền thương hiệu từ Việt Nam ra nước ngoài).

  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được xác nhận bởi cơ quan thẩm quyền nơi thương nhân này thành lập (đối với trường hợp nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài vào Việt Nam).

  • Bản sao từ sổ gốc/bản sao chứng thực/bản sao xuất trình kèm bản chính văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam/nước ngoài (đối với trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cơ quan thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ).

  • Giấy tờ chứng minh việc chấp thuận cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu (đối với trường hợp thương nhân đã đăng ký làm nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp).

Lưu ý: Các giấy tờ nêu trên thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định (theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP).

Thủ tục làm nhượng quyền thực hiện được tiến hành như sau:

- Bên nhượng quyền thương hiệu gửi hồ sơ đề nghị đăng ký nhượng quyền thương hiệu nêu trên đến Bộ Công thương.

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho bên nhượng quyền để bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ (nếu hồ sơ nộp trước đó chưa hợp lệ hoặc không đầy đủ).

- Cơ quan thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản về việc đăng ký đó trong 05 ngày là việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

- Trong trường hợp việc đăng ký nhượng quyền bị từ chối thì cơ quan thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là những thông tin về điều kiện và thủ tục làm nhượng quyền thương hiệu. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X