hieuluat

Công văn 14195/BTC-NSNN hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:14195/BTC-NSNNNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    Ngày ban hành:19/11/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:19/11/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Chính sách
  • BỘ TÀI CHÍNH
    --------

    Số: 14195/BTC-NSNN
    V/v hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2020

     

     

    Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

     

    Trả lời Công văn số 9428/VPCP-KTTH ngày 10/11/2020 của Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tại Văn bản số 175/TTr-TWPCTT ngày 05/11/2020), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

    Bộ Tài chính nhất trí với phạm vi hỗ trợ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề xuất gồm 09 địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Đồng thời, đối với các địa phương chưa có văn bản đề xuất, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đôn đốc, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ (nếu có) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

    Về các nội dung hỗ trợ cụ thể, Bộ Tài chính tham gia ý kiến như sau:

    1. Về hỗ trợ 9.000 tấn gạo cho 03 địa phương:

    Trên cơ sở văn bản đề xuất cụ thể của từng địa phương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.

    2. Về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở:

    Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Mục III Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, Chính phủ giao Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho từng địa phương và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện”.

    Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị 11 địa phương[1] khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại mức độ thiệt hại và nhu cầu kinh phí hỗ trợ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương có liên quan, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

    3. Về hỗ trợ kinh phí khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai:

    a) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc[2] và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình[3], Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 23/10/2020 và Quyết định số 1815/QĐ-TTg ngày 15/11/2020 tạm cấp kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho 05 địa phương miền Trung là 580 tỷ đồng (Hà Tĩnh 100 tỷ đồng, Quảng Bình 100 tỷ đồng, Quảng Trị 140 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 120 tỷ đồng, Quảng Nam 120 tỷ đồng).

    b) Về quy trình hỗ trợ:

    Theo quy định tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai: “Căn cứ vào kết quả thực hiện khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, báo cáo ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương”.

    Qua rà soát của các địa phương kèm theo Văn bản số 175/TTr-TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương mới báo cáo nhu cầu kinh phí, chưa báo cáo kết quả khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương đã có báo cáo thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp, tuy nhiên do điều kiện, bối cảnh đặc biệt nên hồ sơ đề nghị hỗ trợ chưa hoàn thành một số thủ tục theo quy định (báo cáo biên bản kiểm tra hiện trường, biên bản xác định thiệt hại và nhu cầu kinh phí khắc phục, báo cáo kết quả chi đến thời điểm hiện tại); đồng thời, do đây là trận thiên tai đặc biệt lớn nên xuất phát từ thực trạng công tác khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay (phạm vi rộng, thời gian kéo dài) và yêu cầu xử lý cấp bách nhiều hạng mục công trình, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương.

    Từ tình hình trên, để kịp thời bổ sung nguồn lực cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, phù hợp với tình hình thiệt hại và số kinh phí đã tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ:

    - Tạm cấp bổ sung thêm 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 09 địa phương (Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 50 tỷ đồng, Quảng Trị 70 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Quảng Nam 130 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng, Kon Tum 50 tỷ đồng) để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất nhằm hỗ trợ dân sinh, di dân khẩn cấp và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu.

    Như vậy, nếu tính cả số tạm cấp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg 23/10/2020 và Quyết định số 1815/QĐ-TTg ngày 15/11/2020 thì tổng số kinh phí ngân sách trung ương tạm cấp cho các địa phương miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 là 1.250 tỷ đồng (Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 150 tỷ đồng, Quảng Bình 150 tỷ đồng, Quảng Trị 210 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 170 tỷ đồng, Quảng Nam 250 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng, Kon Tum 50 tỷ đồng).

    - Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây nguyên và các văn bản pháp luật có liên quan.

    - Ủy ban nhân dân các tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum) báo cáo kết quả chi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ quy định gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương theo quy định tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

    Trên đây là ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

     

     Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Bộ trưởng (để b/c);
    - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai;
    - Bộ: NN&PTNT, LĐTB&XH;
    - Lưu: VT, NSNN (6b).

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Đỗ Hoàng Anh Tuấn

     

     


    [1] Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.

    [2] Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 19/10/2020 của Văn phòng Chính phủ.

    [3] Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 29/10/2020 của Văn phòng Chính phủ.

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Công văn 14195/BTC-NSNN hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:14195/BTC-NSNN
    Loại văn bản:Công văn
    Ngày ban hành:19/11/2020
    Hiệu lực:19/11/2020
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Chính sách
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X