hieuluat

Quyết định 2185/QĐ-TTg thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:1073&1074-12/2014
    Số hiệu:2185/QĐ-TTgNgày đăng công báo:21/12/2014
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:05/12/2014Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:05/12/2014Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Tài nguyên-Môi trường
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    --------
    Số: 2185/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------
    Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2014
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG
    QUẶNG SẮT ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030
    ------------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;
    Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với các nội dung chính sau đây:
    1. Quan điểm phát triển
    - Quy hoạch quặng sắt phải phù hợp với Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có quặng sắt. Tập trung khai thác có trọng điểm tại các địa phương Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và Hà Tĩnh, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững gắn với công tác quốc phòng, an ninh, đặc biệt đối với các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia - địa phương-doanh nghiệp-người dân địa phương vùng khai thác quặng sắt.
    - Các dự án khai thác, chế biến quặng sắt phải gắn với các cơ sở luyện kim; sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường;
    - Ưu tiên các giải pháp huy động nội lực trong nước trong các khâu khai thác và chế biến sâu quặng sắt.
    2. Mục tiêu phát triển
    a) Mục tiêu tổng quát: Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến quặng sắt phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của ngành luyện kim Việt Nam.
    b) Mục tiêu cụ thể
    - Thăm dò:
    + Giai đoạn đến năm 2020: Phấn đấu hoàn thành khoảng 25 đề án thăm dò quặng sắt, đạt mục tiêu khoảng 294 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122.
    + Giai đoạn 2021-2030: Trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản sắt, phấn đấu hoàn thành 10-15 đề án thăm dò các mỏ và biểu hiện quặng sắt có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Thuận và quặng sắt laterit vùng Tây Nguyên, đạt mục tiêu khoảng 230 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122.
    - Khai thác, chế biến:
    + Giai đoạn đến năm 2020: Đưa vào khai thác và chế biến đạt công suất thiết kế 2 mỏ quặng sắt quy mô lớn là Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai); các mỏ quặng sắt quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.
    + Giai đoạn 2021-2030: Phát triển khai thác và chế biến quặng sắt trên địa bàn một số địa phương khác.
    Sản lượng khai thác và chế biến quặng sắt cụ thể như sau:
    + Giai đoạn đến năm 2015: Tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 7,2 triệu tấn (tương ứng với 13,0 triệu tấn công suất) vào năm 2015.
    + Giai đoạn 2016-2020: Tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 17,5 triệu tấn (tương ứng với 26,4 triệu tấn công suất) vào năm 2020.
    + Giai đoạn 2021-2030: Tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 25-25,5 triệu tấn (tương ứng với 36-37 triệu tấn công suất) vào năm 2025 và năm 2030.
    3. Định hướng phát triển
    a) Khai thác, chế biến quặng sắt tiết kiệm và hiệu quả với công nghệ tiên tiến, bảo đảm yêu cầu về môi trường; công suất khai thác hàng năm phải phù hợp nhu cầu nguyên liệu của ngành luyện kim trong nước. Đối với mỏ quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng lớn, điều kiện địa chất mỏ phức tạp, có thể cho phép đối tác nước ngoài có năng lực và khả năng tài chính tham gia cổ đông, hợp tác khai thác và chế biến.
    b) Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ tuyển, luyện kim nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quặng sắt Thạch Khê và quặng sắt laterit Tây Nguyên.
    4. Dự báo nhu cầu quặng sắt
    Nhu cầu quặng và tinh quặng sắt cho ngành luyện kim trong nước dự báo đến năm 2015 đạt khoảng 7,2 triệu tấn, năm 2020 đạt khoảng 18 triệu tấn, năm 2025 đạt khoảng 32 triệu tấn và năm 2030 đạt khoảng 41 triệu tấn.
    5. Quy hoạch phát triển
    a) Tài nguyên, trữ lượng quặng sắt
    - Tổng tài nguyên, trữ lượng quặng sắt đã được điều tra đánh giá và thăm dò của nước ta khoảng 1,3 tỷ tấn (không tính quặng sắt laterit Tây Nguyên).
    - Quặng sắt laterit Tây Nguyên có tiềm năng đáng kể, dự báo khoảng 1,2 tỷ tấn quặng tinh, nhưng chất lượng thấp - sắt nghèo và hàm lượng nhôm cao.
    Chi tiết tài nguyên, trữ lượng quặng sắt tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.
    b) Quy hoạch phát triển thăm dò
    - Giai đoạn đến năm 2020:
    + Hoàn thành thăm dò 6 mỏ và biểu hiện quặng sắt đã được cấp phép khai thác nhưng chưa thăm dò.
    + Hoàn thành khoảng 20 đề án thăm dò các mỏ, biểu hiện quặng sắt có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai.
    - Giai đoạn 2021 - 2030:
    + Hoàn thành thăm dò quặng sắt mỏ Núi Đồi, tỉnh Quảng Ngãi.
    + Thăm dò các mỏ và biểu hiện quặng sắt có triển vọng từ kết quả điều tra đánh giá tiềm năng quặng sắt trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hóa và Bình Thuận.
    + Trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên quặng sắt laterit Tây Nguyên; kết quả nghiên cứu công nghệ tuyển, luyện kim có hiệu quả và cơ sở luyện kim trong nước có nhu cầu, tiến hành thăm dò tiếp một số khu vực có triển vọng quặng sắt laterit Tây Nguyên.
    Danh mục các dự án thăm dò quặng sắt tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này.
    c) Quy hoạch phát triển khai thác, chế biến (tuyển quặng)
    - Giai đoạn đến năm 2020:
    Đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất 16 mỏ và đầu tư mới 35 mỏ, biểu hiện quặng sắt có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, Gia Lai. Trong đó, phấn đấu hoàn thành xây dựng và khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê đạt công suất 5 triệu tấn/năm (giai đoạn 1), khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Quý Xa đạt công suất 3 triệu tấn/năm (giai đoạn 2). Thực hiện khai thác và chế biến thử nghiệm quặng sắt laterit ở tỉnh Gia Lai.
    - Giai đoạn 2021 - 2030:
    + Đầu tư mở rộng và đầu tư mới khai thác và chế biến quặng sắt tại 9 mỏ, biểu hiện quặng có triển vọng và khu quặng sắt trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
    + Căn cứ kết quả điều tra cơ bản và thăm dò các mỏ và biểu hiện quặng sắt đánh giá có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hóa và Bình Thuận, vùng Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai); thực hiện đầu tư một số dự án khai thác và chế biến quặng sắt với quy mô công suất thích hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường khi cơ sở luyện kim trong nước cụ thể có nhu cầu.
    Danh mục các dự án khai thác và chế biến quặng sắt tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này.
    d) Quy hoạch sử dụng quặng sắt
    Để đáp ứng về nhu cầu về khối lượng, chủng loại, đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hiệu quả kinh tế - xã hội cho các cơ sở luyện kim trong nước; các dự án đầu tư khai thác, chế biến phải gắn với cơ sở sử dụng (cơ sở luyện kim) phù hợp. Địa chỉ sử dụng cụ thể do các chủ đầu tư xác định khi lập dự án đầu tư.
    Dự kiến quy hoạch sử dụng quặng sắt của các mỏ, biểu hiện quặng sắt cho các cơ sở luyện kim tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này.
    6. Vốn đầu tư
    Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt đến năm 2030 dự kiến khoảng 20.282,5 tỷ đồng, trong đó: thăm dò khoảng 692,5 tỷ đồng, khai thác và chế biến (tuyển) quặng sắt là khoảng 19.590 tỷ đồng.
    Nguồn vốn dự kiến:
    - Vốn cho công tác lập và điều chỉnh Quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào: Từ nguồn ngân sách nhà nước;
    - Vốn cho công tác thăm dò quặng sắt: Từ nguồn vốn tự thu xếp của doanh nghiệp;
    - Vốn cho khai thác, chế biến (tuyển) quặng sắt: bao gồm nguồn vốn tự thu xếp của các doanh nghiệp, vốn vay thương mại trong và ngoài nước, vốn huy động qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn hợp pháp khác.
    7. Giải pháp và cơ chế chính sách
    a) Giải pháp
    - Về quản lý tài nguyên:
    + Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các khu vực có triển vọng như vùng quặng sắt laterit Tây Nguyên, quặng sắt La E và Conzot ở tỉnh Quảng Nam, quặng sắt Sùng Đô và Gia Chẽ (Da Giẽ) ở tỉnh Yên Bái ...
    + Khẩn trương hoàn thành công tác thăm dò đối với các khu vực mỏ/điểm quặng đã cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thành công tác thăm dò, tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản.
    + Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quặng sắt phục vụ cho công tác quy hoạch, quản trị tài nguyên.
    + Đẩy mạnh việc tái cấu trúc các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sản lượng thấp, sở hữu nguồn tài nguyên hạn chế, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm khai thác, chế biến không gắn kết với các cơ sở luyện kim trong nước để hình thành các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, hiệu quả, sở hữu nhiều mỏ với trữ lượng lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước dưới các hình thức liên kết, sát nhập hoặc chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản.
    - Về khai thác, chế biến quặng sắt:
    + Khai thác và chế biến quặng sắt với công nghệ tiên tiến, đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở luyện kim trong nước.
    + Đối với hai mỏ quặng sắt quy mô lớn: Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai) cần khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các loại quặng.
    - Về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tập trung công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến quặng sắt trong điều kiện địa chất mỏ phức tạp như Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Nà Rụa (Cao Bằng), xử lý quặng nghèo và quặng laterit Tây Nguyên;
    - Về giải pháp liên kết, hợp tác phát triển liên ngành, lĩnh vực: Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp khai thác quặng sắt với các doanh nghiệp luyện kim;
    - Về cơ sở hạ tầng: Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ mạng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào tại các khu vực khai thác và chế biến quặng sắt quy mô lớn, tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Nguyên.
    b) Cơ chế chính sách
    - Về khai thác, chế biến quặng sắt: Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, liên kết đầu tư các cơ sở chế biến quặng nghèo với quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường;
    - Về tài chính: Rà soát, điều chỉnh kịp thời các loại thuế, phí, lệ phí hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có quặng sắt được khai thác;
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Bộ Công Thương
    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan thực hiện việc công bố Quy hoạch, hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch;
    - Đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, tiêu thụ quặng sắt; phối hợp với các Bộ, địa phương và Hiệp hội Thép Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng quặng sắt tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm môi trường;
    - Chỉ đạo việc thực hiện đầu tư các dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê và mỏ Quý Xa, bảo đảm tiến độ, hiệu quả;
    - Định kỳ tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch; cập nhật thông tin và đề xuất việc bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch khi cần thiết.
    2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
    - Đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất các vùng quặng sắt có triển vọng quặng laterit Tây Nguyên; xem xét bổ sung vào Quy hoạch điều tra cơ bản các khu vực quặng sắt có triển vọng khu vực La Ê và Conzot ở tỉnh Quảng Nam, Sùng Đô và Gia Chẽ (Da Giẽ) ở tỉnh Yên Bái... nhằm bổ sung nguồn quặng sắt cho Quy hoạch và dự trữ khoáng sản để chủ động cung cấp cho ngành luyện kim; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thăm dò đánh giá trữ lượng đối với các mỏ trước đây đã cấp phép nhưng chưa được thăm dò; khẩn trương rà soát, khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với khu vực quặng sắt chưa huy động vào Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra các dự án thăm dò, khai thác quặng sắt, có biện pháp xử lý đối với các dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản;
    - Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các giải pháp về môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến quặng sắt; có biện pháp xử lý đối với các dự án không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
    - Chủ trì xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về trữ lượng và tài nguyên quặng sắt và các dữ liệu khác trong quản lý hoạt động khoáng sản sắt.
    3. Bộ Khoa học và Công nghệ
    Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo, giám sát và đánh giá hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ làm giàu quặng sắt nghèo và quặng sắt laterit.
    4. Bộ Giao thông vận tải
    Chủ trì rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối và cảng biển phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt, kết hợp với các loại khoáng sản khác tại các khu vực tập trung quặng sắt ở tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Lào Cai và vùng Tây Nguyên.
    5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan vận động, kêu gọi vốn ODA, vốn khác để đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ khai thác, chế biến quặng sắt tại các khu vực tập trung quặng sắt ở tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Lào Cai và vùng Tây Nguyên.
    6. Bộ Tài chính
    Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát điều chỉnh chính sách về thuế, phí phù hợp với đặc thù trong khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt; nghiên cứu ban hành cơ chế điều tiết tài chính, đảm bảo hài hòa lợi ích của địa phương có mỏ quặng sắt và địa phương có cơ sở luyện kim.
    7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động khoáng sản sắt
    - Phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công Thương trong việc tổ chức triển khai thực hiện và quản lý Quy hoạch quặng sắt;
    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá lại các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt trên địa bàn, chỉ đạo việc tái cấu trúc các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc chế biến sâu có hiệu quả tài nguyên quặng sắt.
    - Có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản quặng sắt trên địa bàn. Ngăn chặn có hiệu quả hoạt động khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép. Xử lý triệt để các cơ sở khai thác, chế biến quặng sắt gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn đối với các hồ thải quặng đuôi.
    - Chủ trì phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư phục vụ các dự án khai thác, chế biến quặng sắt trên địa bàn;
    - Tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản liên quan đến việc triển khai Quy hoạch quặng sắt trên địa bàn.
    8. Hiệp hội Thép Việt Nam
    - Tham gia tích cực công tác phản biện xã hội liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đối với thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt cho ngành luyện kim.
    - Vận động các doanh nghiệp thành viên chủ động, tích cực thực hiện việc đổi mới công nghệ lò cao, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu quặng sắt; ủng hộ chủ trương tái cấu trúc các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.
    9. Các doanh nghiệp thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản sắt
    - Các doanh nghiệp thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản sắt triển khai thực hiện chủ trương tái cấu trúc các doanh nghiệp quy mô nhỏ, theo hướng hình thành doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, hiệu quả, sở hữu nhiều mỏ với trữ lượng lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước dưới các hình thức liên kết, sát nhập hoặc chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản.
    - Công ty cổ phần sắt Thạch Khê khẩn trương hoàn thành việc tái cơ cấu Công ty, góp đủ vốn điều lệ và huy động đủ nguồn vốn để tiếp tục triển khai công tác xây dựng cơ bản và đưa mỏ quặng sắt Thạch Khê vào khai thác và chế biến theo tiến độ đã phê duyệt, gắn việc cung cấp nguyên liệu quặng sắt với cơ sở luyện kim trong nước;
    Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 124/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục và Công báo;
    - Lưu: Văn thư, KTN (3b)
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Khoáng sản của Quốc hội, số 60/2010/QH12
    Ban hành: 17/11/2010 Hiệu lực: 01/07/2011 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Quyết định 2427/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
    Ban hành: 22/12/2011 Hiệu lực: 22/12/2011 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X