hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 06/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sử dụng mẫu hợp đồng thuê nhà trọ nào chuẩn pháp lý?

Mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2023 bao gồm những nội dung gì? Cách ghi nội dung ra sao? Có phải đặt cọc khi thuê trọ không? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2023 phổ biến hiện nay thế nào?
  • Phụ lục hợp đồng thuê phòng trọ lập thế nào?
  • Có bắt buộc đặt cọc tiền thuê nhà không?
  • Cần lưu ý gì trong hợp đồng thuê nhà trọ?

Mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2023 phổ biến hiện nay thế nào?

Câu hỏi: Vợ chồng tôi mới kết hôn, do đó chúng tôi đã thuê một căn nhà nhỏ trong khu nhà trọ ở gần Cầu Giấy, Hà Nội để tiện việc đi làm.

Cho tôi hỏi, mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2023 dùng phổ biến có những nội dung gì? Cách ghi thế nào? (H.V.H – Hà Nội).

Trước hết, hiện nay pháp luật chưa ban hành mẫu hợp đồng thuê nhà trọ, mà việc lập, ký kết hợp đồng này được thực hiện theo quy định chung của Bộ luật Dân sự 2015 về cho thuê tài sản và Luật Nhà ở 2014 về hợp đồng thuê nhà.

Theo đó, bạn có thể tham khảo, sử dụng mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở ban hành tại Phụ lục 20 của Thông tư 19/2016/TT-BXD cho trường hợp thuê nhà trọ của mình.

Dù là bản hợp đồng được định sẵn nội dung hay hợp đồng do các bên tự sọa thảo thì các điều khoản trong hợp đồng thuê nhà trọ thường bao gồm:

  • Điều khoản về thông tin các bên trong hợp đồng thuê;

  • Điều khoản về đối tượng thuê, thời hạn thuê;

  • Điều khoản về giá thuê, phương thức thanh toán, kỳ thanh toán, đặt cọc (nếu có);

  • Điều khoản về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng thuê;

  • Điều khoản về chấm dứt hợp đồng, giải quyết tranh chấp, gia hạn hợp đồng;

  • Điều khoản về hiệu lực của hợp đồng....;

Dựa trên những quy định của pháp luật và nhu cầu của các bên, Hieuluat giới thiệu hợp đồng thuê nhà trọ được dùng phổ biến hiện nay và hướng dẫn cách ghi các nội dung trong hợp đồng như sau:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ TRỌ
(Số: …./…)

Hôm nay, ngày .. tháng .. năm ..tại … Chúng tôi gồm có:

BÊN CHO THUÊ (BÊN A):

Ông/bà: … Sinh năm...

CMND/CCCD số: … Ngày cấp …/…/…Nơi cấp …

Đăng ký thường trú tại: …

Nơi ở hiện tại: ……

Điện thoại: ….

BÊN THUÊ (BÊN B):

Ông/bà: … Sinh năm...

CMND/CCCD số: … Ngày cấp …/…/…Nơi cấp …

Đăng ký thường trú tại: …

Nơi ở hiện tại: ……

Điện thoại: ….

Hai bên cùng thỏa thuận, ký hợp đồng với những nội dung sau:

ĐIỀU 1. ĐỐI TƯỢNG CỦA HỢP ĐỒNG

Bên A đồng ý cho Bên B thuê căn hộ (căn nhà) tại địa chỉ … thuộc sở hữu hợp pháp của Bên A theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số….., số vào sổ cấp GCN… do …cấp ngày ….

Bên A đồng ý cho bên B thuê và bên B đồng ý, chấp thuận thuê toàn bộ căn hộ tại địa chỉ trên.

Chi tiết căn hộ như sau:

Thửa đất:

Địa chỉ:…………..

Diện tích:…………

Mục đích sử dụng:………………

Hình thức sử dụng:…………….

Thời hạn sử dụng:……………

Nguồn gốc sử dụng:………..

Nhà ở:

Loại nhà ở:………….

Diện tích: …………..

Hình thức sở hữu:……….

Thời hạn sử dụng:…………..

Các trang thiết bị đi kèm căn hộ cho thuê:

Bao gồm: Ban công, hệ thống điện nước đã sẵn sàng sử dụng được, các bóng đèn trong các phòng và hệ thống công tắc, các bồn rửa mặt, bồn vệ sinh đều sử dụng tốt.

ĐIỀU 2. GIÁ CHO THUÊ NHÀ Ở VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN

2.1. Giá cho thuê nhà ở là … đồng/ tháng (Bằng chữ: …)

Giá cho thuê này đã bao gồm các chi phí về quản lý, bảo trì và vận hành nhà ở.

2.2. Các chi phí sử dụng điện, nước, điện thoại và các dịch vụ khác do bên B thanh toán cho bên cung cấp điện, nước, điện thoại và các cơ quan quản lý dịch vụ.

2.3. Phương thức thanh toán: …

ĐIỀU 3. MỤC ĐÍCH CHO THUÊ, THỜI HẠN THUÊ VÀ THỜI ĐIỂM GIAO NHẬN NHÀ Ở

3.1. Mục đích cho thuê: Bằng hợp đồng này, bên A đồng ý cho bên B thuê toàn bộ căn hộ nêu trên vào mục đích để ở;

3.2. Thời hạn thuê ngôi nhà nêu trên là … năm kể từ ngày .. tháng … năm … đến ngày .. tháng … năm …;

3.3. Thời điểm giao nhận nhà ở là ngày … tháng … năm …

ĐIỀU 4. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN A

4.1. Nghĩa vụ của bên A:

a) Giao nhà ở và trang thiết bị gắn liền với nhà ở (nếu có) cho bên B theo đúng hợp đồng;

b) Phổ biến cho bên B quy định về quản lý sử dụng nhà ở;

c) Bảo đảm cho bên B sử dụng ổn định nhà trong thời hạn thuê;

d) Bảo dưỡng, sửa chữa nhà theo định kỳ hoặc theo thỏa thuận; nếu bên A không bảo dưỡng, sửa chữa nhà mà gây thiệt hại cho bên B, thì phải bồi thường;

e) Tạo điều kiện cho bên B sử dụng thuận tiện diện tích thuê;

f) Nộp các khoản thuế về nhà và đất (nếu có);

g) Hướng dẫn, đôn đốc bên B thực hiện đúng các quy định về đăng ký tạm trú.

4.2. Quyền của bên A:

a) Yêu cầu bên B trả đủ tiền thuê nhà đúng kỳ hạn như đã thỏa thuận;

b) Trường hợp chưa hết hạn hợp đồng mà bên A cải tạo nhà ở và được bên B đồng ý thì bên A được quyền điều chỉnh giá cho thuê nhà ở. Giá cho thuê nhà ở mới do các bên thoả thuận; trong trường hợp không thoả thuận được thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên B theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu bên B có trách nhiệm trong việc sửa chữa phần hư hỏng, bồi thường thiệt hại do lỗi của bên B gây ra;

d) Cải tạo, nâng cấp nhà cho thuê khi được bên B đồng ý, nhưng không được gây phiền hà cho bên B sử dụng chỗ ở;

e) Được lấy lại nhà cho thuê khi hết hạn hợp đồng thuê, nếu hợp đồng không quy định thời hạn thuê thì bên cho thuê muốn lấy lại nhà phải báo cho bên thuê biết trước 30 ngày;

f) Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà nhưng phải báo cho bên B biết trước ít nhất 15 ngày nếu không có thỏa thuận khác và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên B có một trong các hành vi sau đây:

- Không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

- Sử dụng nhà không đúng mục đích thuê như đã thỏa thuận trong hợp đồng;

- Tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;

- Bên B chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên A;

- Làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên A hoặc tổ trưởng tổ dân phố nhắc nhở mà vẫn không khắc phục;

- Thuộc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 5. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN B

5.1. Nghĩa vụ của bên B:

a) Sử dụng nhà đúng mục đích đã thỏa thuận, giữ gìn nhà ở và có trách nhiệm trong việc sửa chữa những hư hỏng do mình gây ra;

b) Trả đủ tiền thuê nhà đúng kỳ hạn đã thỏa thuận;

c) Trả tiền điện, nước, điện thoại, vệ sinh và các chi phí phát sinh khác trong thời gian thuê nhà;

d) Trả nhà cho bên A theo đúng thỏa thuận.

e) Chấp hành đầy đủ những quy định về quản lý sử dụng nhà ở;

f) Không được chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà hoặc cho người khác thuê lại trừ trường hợp được bên A đồng ý bằng văn bản;

g) Chấp hành các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trong khu vực cư trú;

h) Giao lại nhà cho bên A trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng.

5.2. Quyền của bên B:

a) Nhận nhà ở và trang thiết bị gắn liền (nếu có) theo đúng thoả thuận;

b) Được đổi nhà đang thuê với bên thuê khác, nếu được bên A đồng ý bằng văn bản;

c) Được cho thuê lại nhà đang thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản;

d) Được thay đổi cấu trúc ngôi nhà nếu được bên A đồng ý bằng văn bản;

e) Yêu cầu bên A sửa chữa nhà đang cho thuê trong trường hợp nhà bị hư hỏng nặng;

g) Được ưu tiên ký hợp đồng thuê tiếp, nếu đã hết hạn thuê mà nhà vẫn dùng để cho thuê;

h) Được ưu tiên mua nhà đang thuê, khi bên A thông báo về việc bán ngôi nhà;

i) Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà nhưng phải báo cho bên A biết trước ít nhất 30 ngày nếu không có thỏa thuận khác và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên A có một trong các hành vi sau đây:

- Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

- Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;

- Quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

ĐIỀU 6. QUYỀN TIẾP TỤC THUÊ NHÀ Ở

6.1. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên B được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

6.2. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên B được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

6.3. Khi bên B chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì người đang cùng sinh sống với bên B được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp thuê nhà ở công vụ hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

ĐIỀU 7. TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết; trong trường hợp không tự giải quyết được, cần phải thực hiện bằng cách hòa giải; nếu hòa giải không thành thì đưa ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 8. CÁC THỎA THUẬN KHÁC

8.1. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hợp đồng này phải lập thành văn bản mới có giá trị để thực hiện.

8.2. Việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên A thông báo cho bên B biết việc chấm dứt hợp đồng;

b) Nhà ở cho thuê không còn;

c) Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.

Bên A phải thông báo bằng văn bản cho bên B biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

d) Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn;

e) Bên B chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;

f) Chấm dứt khi một trong các bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở.

ĐIỀU 9. CAM KẾT CỦA CÁC BÊN

Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cùng cam kết sau đây:

9.1. Đã khai đúng sự thật và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin về nhân thân đã ghi trong hợp đồng này.

9.2. Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả những thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng này; nếu bên nào vi phạm mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường cho bên kia hoặc cho người thứ ba (nếu có).

Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện thấy những vấn đề cần thoả thuận thì hai bên có thể lập thêm Phụ lục hợp đồng. Nội dung Phụ lục hợp đồng có giá trị pháp lý như hợp đồng chính.

9.3. Hợp đồng này có giá trị kể từ ngày hai bên ký kết.

Hợp đồng được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ một bản và có giá trị như nhau.

      Bên thuê                                                        Bên cho thuê

  (Ký, ghi rõ họ tên)                                                  (Ký, ghi rõ họ tên)

Hướng dẫn cách ghi nội dung các điều khoản trong hợp đồng:

  • Mục thông tin các bên: Ghi thông tin theo căn cước công dân/văn bản xác nhận nơi cư trú;

  • Mục thông tin về đối tượng cho thuê: Ghi theo thông tin trên sổ đỏ của căn hộ cho thuê/nhà cho thuê;

  • Mục thông tin về giá cả, phương thức thanh toán: Ghi theo thông tin mà các bên đã thỏa thuận;

  • Mục thông tin về thời hạn thuê, mục đích thuê: Theo thỏa thuận của các bên;

  • Mục thông tin về quyền, nghĩa vụ các bên: Tùy theo thỏa thuận, nhu cầu các bên mà nội dung có thể thêm hoặc bớt so với nội dung mà chúng tôi đã đề cập ở trên;

  • Mục thông tin về giải quyết tranh chấp, chấm dứt hợp đồng, hiệu lực, số bản của hợp đồng: Theo thỏa thuận của các bên và có thể thêm hoặc bớt nội dung so với bản hợp đồng mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Như vậy, mẫu hợp đồng thuê nhà trọ mới nhất bao gồm những nội dung mà chúng tôi đã nêu trên. Các bên có thể tham khảo hướng dẫn cách ghi/cách soạn thảo như trên để việc giao kết hợp đồng được thực hiện đúng, chuẩn.

Mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2023 mới nhất và hướng dẫn cách ghi chi tiết

Mẫu hợp đồng thuê nhà trọ 2023 mới nhất và hướng dẫn cách ghi chi tiết

Phụ lục hợp đồng thuê phòng trọ lập thế nào?

Câu hỏi: Em thuê nhà trọ được 01 năm, nay cần làm phụ lục để gia hạn và tăng giá thuê nhà. Em muốn hỏi mẫu phụ lục hợp đồng thuê phòng trọ có mẫu thế nào?

Bên cạnh mẫu hợp đồng thuê nhà trọ thì các bên có thể tham khảo mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà trọ như chúng tôi trình bày dưới đây.

Phụ lục hợp đồng thuê nhà trọ theo quy định tại khoản 1 Điều 403 Bộ Luật Dân sự 2015 là văn bản kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng.

Theo đó, phụ lục hợp đồng là bộ phận không thể tách rời hợp đồng chính, có hiệu lực như hợp đồng chính và phải có nội dung không được trái với hợp đồng chính đã được các bên ký kết.

Hiện nay, pháp luật chưa ban hành mẫu phụ lục hợp đồng mà việc sử dụng mẫu hợp đồng được thực hiện theo quy định chung của pháp luật dân sự về hợp đồng thuê tài sản, pháp luật về nhà ở.

Thông thường, phụ lục hợp đồng thuê nhà trọ có thể có các điều khoản như:

  • Kỳ thanh toán tiền trọ;

  • Kê khai tình trạng tài sản, trang thiết bị kèm theo nhà trọ cho thuê;

  • Mô tả mặt bằng, cấu tạo nhà cho thuê;

  • Các điều khoản khác theo thỏa thuận của các bên mà mang tính chu kỳ, theo đợt, không nằm trong thỏa thuận ở hợp đồng chính;

Dựa trên quy định chung của pháp luật, HieuLuat cung cấp cho bạn đọc mẫu phụ lục hợp đồng thuê trọ được sử dụng nhiều hiện nay như sau:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

………, ngày … tháng… năm….

PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ TRỌ

Số………/……..

Căn cứ theo Hợp đồng thuê nhà số ……. đã ký ngày ……., tháng……., năm……

Căn cứ nhu cầu thực tế 2 bên……………………………………………..

Chúng tôi gồm có.

BÊN THUÊ NHÀ (Bên A):

CÔNG TY…………………………………………..

Đại diện: ………………………………………..

Chức vụ: ………………………………………..

Địa chỉ: ………………………………………..

Điện thoại: +84…………..        Fax: +84…………

Mã số thuế: ………………………………………..

Số tài khoản: ………………………………………..

BÊN CHO THUÊ NHÀ (BÊN B):

CÔNG TY…………………………………………………..

Đại diện: ………………………………………..

Chức vụ: ………………………………………..

Địa chỉ: ………………………………………..

Điện thoại: +84…………..        Fax: +84…………

Mã số thuế: ………………………………………..

Số tài khoản: ………………………………………..

Sau khi xem xét, thỏa thuận hai bên đã đi đến thống nhất ký Phụ Lục hợp đồng số ……. về ……….. đối với Hợp đồng đã ký số ….., ngày…tháng……năm………cụ thể như sau:

Điều 1. …………………..…………………..…………………..…

Điều 2…………………..…………………..…………………..…

Điều 3…………………..…………………..…………………..…

Điều 4…………………..…………………..…………………..…

Điều 5. Điều khoản chung:

5.1 Phụ lục hợp đồng được lập thành (…) bản, có nội dung & giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ …….

5.2 Phụ lục này là 1 phần không thể tách rời của Hợp đồng thuê nhà số…và có giá trị kể từ ngày ký……..

BÊN ABÊN B

Như vậy, mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà trọ là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng thuê nhà trọ và thường có cấu thành như chúng tôi đã nêu trên.

Mẫu hợp đồng thuê nhà trọ, mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà trọ là những văn bản rất thông dụng hiện nay mà người thuê trọ cần lưu ý khi thuê nhà.


Hợp đồng thuê nhà trọ không bắt buộc phải có phụ lụcHợp đồng thuê nhà trọ không bắt buộc phải có phụ lục

Có bắt buộc đặt cọc tiền thuê nhà không?

Câu hỏi: Tôi và vợ cùng hai con mới chuyển sang ngôi nhà thuê mới để tiện học hành của hai con. Trước khi ký hợp đồng thuê nhà dài hạn, cô chủ nhà yêu cầu vợ chồng tôi phải đặt cọc 01 tháng tiền nhà, sẽ được trả lại cho tôi khi hai bên kết thúc hợp đồng thuê này.

Xin hỏi, việc đặt cọc tiền nhà này có bắt buộc không? (Nguyễn Chí Dũng – TP. Hồ Chí Minh).

Trước hết, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng thuê nhà trọ (theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015).

Đặt cọc không là điều khoản bắt buộc trong hợp đồng thuê nhà trọ mà việc đặt cọc hay không là do nhu cầu của các bên trong hợp đồng thuê nhà (theo mẫu hợp đồng thuê nhà chúng tôi đã trình bày ở trên).

Mặt khác, pháp luật về dân sự, pháp luật về nhà ở không quy định bắt buộc các bên phải thực hiện đặt cọc khi thuê nhà.

Do vậy, bên thuê nhà bắt buộc bạn phải chuyển một số tiền để đặt cọc thực hiện hợp đồng là trái quy định pháp luật hiện hành.

Như vậy, có thể thấy không có quy định nào bắt buộc hợp đồng thuê nhà phải có điều khoản về đặt cọc.

Việc đặt cọc là một trong những thỏa thuận của các bên nhằm đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng chứ không phải điều kiện bắt buộc.

Căn cứ vào những phân tích, giải đáp của chúng tôi, bạn tự mình rút ra kết luận để có quyết định xử lý cuối cùng cho trường hợp của mình.


Cần lưu ý gì trong hợp đồng thuê nhà trọ?

Câu hỏi: Gia đình tôi gồm 3 người, hai vợ chồng tôi và con gái 3 tuổi đang cần thuê một căn nhà rộng hơn so với nhà cũ tôi đang ở. Chủ nhà đang yêu cầu chúng tôi cuối tuần sang gặp để ký hợp đồng thuê nhà.

Vậy tôi cần chú ý các nội dung gì trong điều khoản hợp đồng để không bị thiệt về sau? Nhờ Vanbanluat tư vấn giúp tôi. Tôi cảm ơn. (Chu Văn Bình – Cần thơ).
Thuê nhà trọ cần phải lập thành hợp đồng bằng văn bản, trong đó mẫu hợp đồng thuê nhà trọ đã được chúng tôi cung cấp như trên.

Tại thời điểm các bên cùng ký tên vào hợp đồng thuê nhà trọ thì mọi quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên phải thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

Nếu không chú ý hoặc không đọc kỹ, bên thuê có thể phải chịu thiệt thòi về quyền lợi.

HieuLuat xin giải đáp cho bạn đọc một số những vấn đề mà người thuê trọ cần chú ý nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý trước khi ký kết hợp đồng thuê nhà trọ như sau:

Một là, hợp đồng thuê nhà cần được lập thành văn bản, điều khoản rõ ràng

Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Hợp đồng thuê nhà cần có đủ các thông tin như:

  • Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

  • Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó;

  • Giá thuê, thời hạn và phương thức thanh toán tiền;

  • Thời gian giao nhận nhà ở, thời hạn cho thuê;

  • Quyền và nghĩa vụ của các bên, cam kết của các bên;

  • Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

  • Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên.

Hai là, giá thuê nhà, phương thức thanh toán, kỳ thanh toán

Trong điều khoản về giá thuê nhà nêu trong hợp đồng, cần lưu ý thỏa thuận rõ về việc không được tăng giá trong suốt thời gian hợp đồng hoặc được tăng sau thời hạn nào, mỗi lần tăng tối đa bao nhiêu % và phải được sự đồng ý của bên thuê.

Bởi vì nếu không thỏa thuận rõ nội dung này ngay từ đầu, bên đi thuê sẽ rất bị động trong suốt quá trình thuê nhà.

Kỳ thanh toán, phương thức thanh toán cũng phải được các bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng thuê trọ để làm căn cứ thực hiện.

Ba là, đặc biệt chú ý điều khoản về tiền điện, nước, chi phí khác kèm theo tiền thuê nhà

Nếu không nắm được quy định của pháp luật về tính tiền điện nước khi thuê nhà trọ thì bên đi thuê trọ rất dễ bị thu cao hơn nhiều so với quy định.

Quy định về tiền điện khi thuê nhà trọ được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Tùy theo đối tượng thuê nhà là hộ gia đình hay không, thời hạn thuê nhà… để tính tiền điện theo các cách và các mức khác nhau.

Về tiền nước, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ áp dụng cách thu tiền nước đối với người thuê trọ khác nhau. Người thuê nhà, chủ nhà trọ có thể liên hệ trực tiếp đến công ty nước của khu vực để được hướng dẫn áp dụng cách tính tiền nước có lợi và phù hợp nhất.

Không bắt buộc phải có điều khoản đặt cọc trong hợp đồng thuê nhà trọKhông bắt buộc phải có điều khoản đặt cọc trong hợp đồng thuê nhà trọ

Bốn là, về việc đặt cọc

Riêng hợp đồng thuê nhà có điều khoản này, bên thuê nhà/thuê trọ cần lưu ý đến vấn đề sau:

  • Tiền đặt cọc là bao nhiêu, thanh toán thế nào, thanh toán bằng hình thức nào;

  • Tiền đặt cọc được khấu trừ không, khấu trừ vào khoản nào hoặc được hoàn lại cho bên thuê bằng cách nào;

  • Có điều khoản giải quyết tranh chấp về điều khoản đặt cọc trong hợp đồng thuê nhà trọ không, nếu có thì phải quy định rõ;

  • Thỏa thuận rõ các trường hợp người thuê nhà sẽ bị mất tiền cọc, chẳng hạn như người thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng sai quy định, làm hư hỏng tài sản trong nhà với giá trị bằng số tiền cọc…

  • Đồng thời cũng nên thỏa thuận việc chủ nhà cũng phải đền bù khoản tiền bằng số tiền cọc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

  • Nếu bên thuê đã thực hiện đúng, đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng thì bên cho thuê phải trả lại tiền cọc ngay khi kết thúc hợp đồng;

  • ​...;

Năm là, về việc đăng ký tạm trú khi thuê trọ

Theo quy định của Luật Cư trú 2020, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển đến, người sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó phải đăng ký tạm trú.

Trong hợp đồng thuê trọ, các bên có thể thỏa thuận việc thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, tạo điều kiện để bên thuê trọ được đăng ký tạm trú theo đúng quy định.

Hay, khi đi thuê nhà, người thuê phải lưu ý đi đăng ký tạm trú đúng hạn, người cho thuê phải đôn đốc, nhắc nhở người thuê nhà đi đăng ký tạm trú để tránh bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Như vậy, từ mẫu hợp đồng thuê nhà trọ, suy ra, trước khi ký kết, bên thuê nhà trọ cần lưu ý đến một số điều khoản như chúng tôi đã trình bày để tránh bị thiệt thòi khi thực hiện hợp đồng.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về mẫu hợp đồng thuê nhà trọ, Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X