hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Cha mẹ ly hôn, ông bà có được giành quyền nuôi con không?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Con trai tôi kết hôn và sinh ra đứa cháu đích tôn của dòng họ nhưng cả hai vợ chồng đều ăn chơi lêu lổng, không lo làm ăn. Tháng sau cả hai sẽ ra tòa án đề làm thủ tục ly hôn nhưng với tình trạng này, tôi không hề yên tâm khi để đứa cháu đích tôn cho một trong hai người chăm sóc. Vậy cho tôi hỏi tôi có được giành quyền nuôi cháu đích tôn hay không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

Trong ly hôn thì việc giành quyền nuôi con là vấn đề giữa cha và mẹ. Do đó khi cha và mẹ có đủ năng lực hành vi và đủ điều kiện để nuôi con thì ông, bà không có quyền giành quyền nuôi cháu. Tuy nhiên, pháp luật vẫn dự liệu những trường hợp đặc biệt có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 , cụ thể như sau:

“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Như vậy, nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của đứa con, Tòa án tuyên có thể tuyên cha, mẹ không đủ điều kiện nuôi con thì lúc đó quyền nuôi con được chuyển về cho người thân thích - ông bà hoặc anh chị nuôi theo quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự năm số 91/2015/QH13, cụ thể như sau:

“Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”

Đối với trường hợp trên, ông/bà nội có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi “cháu đích tôn”. Tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người con mà quyết định có giao quyền nuôi con sau khi ly hôn cho ông/ bà hay không.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X