hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Thẩm quyền cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Nếu công ty có trụ sở chính ở Hà Nội, ký hợp đồng với người lao động nước ngoài. Sau đó điều chuyển người đó về làm việc với chi nhánh ở tỉnh khác. Vậy ai là người chịu trách nhiệm làm giấy phép lao động với người nước ngoài? Trụ sở chính hay chi nhánh?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty có trụ sở chính ở Hà Nội đã ký hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài và đang có ý định chuyển nơi làm việc của người lao động này về chi nhánh ở tỉnh khác. Vì bạn chưa nói rõ là hiện tại người lao động này đã có giấy phép lao động hay chưa nên chúng tôi chia ra 2 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: người lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động

Điểm d khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 quy định về điều kiện của lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam như sau:

“Điều 169. Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

[…]

d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.”

Bên cạnh đó, mục 15 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sử đổi bổ sung Điều 22 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP cũng quy định:

““Điều 22. Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

1. Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:

a) Làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động;

[…]

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;

b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người;

c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.”

Như vậy, nếu công ty bạn đã ký hợp đồng lao động, đã sử dụng lao động nước ngoài mà chưa có giấy phép lao động hoặc chưa có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

Trường hợp thứ hai, người lao động nước ngoài đã có giấy phép lao động

Trường hợp người lao động nước ngoài đã có giấy phép lao động mà được điều chuyển công tác đến làm việc tại chi nhánh của doanh nghiệp thì phải tiến hành thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động do thay đổi nội dung nơi làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP:

Trường hợp người lao động nước ngoài đã có giấy phép lao động mà được điều chuyển công tác đến làm việc tại chi nhánh của doanh nghiệp thì phải tiến hành thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động do thay đổi nội dung nơi làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP:

“Điều 13. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động

1. Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép lao động, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 10 Nghị định này.”

Trụ sở chính hay chi nhánh phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động là người nước ngoài?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì: “1. Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Định nghĩa về người sử dụng lao động người nước ngoài được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, theo đó người sử dụng người lao động nước ngoài là “c) Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập;”

Như vậy, chi nhánh của doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động cho người lao động là người nước ngoài nói trên. Tuy nhiên, vì chi nhánh của doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân nên doanh nghiệp phải làm thủ tục ủy quyền để chi nhánh của doanh nghiệp – nơi mà người lao động người nước ngoài làm việc làm thủ tục xin giấy phép lao động cho người lao động nói trên.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X