hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Hóa đơn điện tử như thế nào là hợp lệ, hợp pháp?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Theo tôi được biết, Chính phủ đã có yêu cầu bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng tôi vẫn chưa phân biệt được hóa đơn điện tử hợp lệ, hợp pháp cần các tiêu chí gì? Xin tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

1. Hóa đơn điện tử hợp lệ

Các tiêu chí để xem xét hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý được quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 32/2011/TT-BTC như sau sau:

“Điều 3. Hóa đơn điện tử

[…]

3. Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa đơn điện tử.

Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hóa đơn điện tử.

b) Thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”

Cụ thể hơn, cũng giống như hóa đơn giấy, các thông tin trên hóa đơn điện tử hợp lệ phải có các chỉ tiêu cơ bản sau:

- Thông tin hóa đơn: Mẫu số, ký hiệu hoá đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn;

- Thông tin người bán trên hoá đơn bao gồm: Tên Công ty, Địa chỉ, Mã số Thuế;

- Thông tin người mua trên hoá đơn bao gồm: Tên Công ty, Địa chỉ, Mã số Thuế

- Nội dung hàng hoá dịch vụ:

+ STT, Tên hàng hoá dịch vụ, Đơn vị tính, Số lượng, Đơn giá, Thành tiền;

+ Cộng tiền hàng, thuế suất, tiền thuế, tổng  tiền thanh toán;

+ Tiền hàng bằng chữ;

+ Người  mua hàng, người bán hàng;

+ Ký và đóng dấu của người bán hàng

Ngoài ra, hóa đơn điện tử cần có thêm các chỉ tiêu sau:

- Bản thể hiện hóa đơn điện tử;

- Hóa đơn điện tử không có liên;

- Ký hiệu số Serial;

- Chữ ký điện tử

- Hóa đơn điện tử có định dạng XML có tính chất pháp lý khi toàn vẹn không bị sửa đổi và kèm theo bản thể hiện định dạng PDF.

- Hóa đơn điện tử được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, đúng chính tả. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt;

-Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua, dấu của người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in

2. Hóa đơn điện tử hợp pháp

Theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì hóa đơn điện tử hợp pháp phải đảm bảo toàn vẹn của thông tin, đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 4; các Điều 6,7,8 của Nghị định, cụ thể như sau:

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

[…]

5. Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc sau:

a) Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế;

b) Không bắt buộc có chữ ký số;

c) Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.”

“Điều 6. Nội dung của hóa đơn điện tử

1. Hóa đơn điện tử có các nội dung sau:

a) Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn;

b) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;

c) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế);

d) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng;

đ) Tổng số tiền thanh toán;

e) Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán;

g) Chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua (nếu có);

h) Thời điểm lập hóa đơn điện tử;

i) Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

k) Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).

2. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các nội dung hóa đơn điện tử và các trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đủ những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 7. Thời điểm lập hóa đơn điện tử

1. Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

4. Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng, pháp luật quản lý thuế để hướng dẫn cụ thể thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp khác và nội dung quy định tại Điều này.

Điều 8. Định dạng hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính quy định cụ thể về định dạng chuẩn dữ liệu của hóa đơn điện tử sử dụng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”

3. Hóa đơn điện tử không hợp pháp

Hóa đơn điện tử được coi là không hợp pháp khi hóa đơn đó không đáp ứng các quy định về hóa đơn hợp pháp đã nói ở trên. Ngoài ra, hóa đơn điện tử thuộc trường hợp quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP cũng được coi là không hợp pháp, cụ thể như sau:

– Sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn điện tử khi không đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế; gửi hóa đơn điện tử khi chưa có mã của cơ quan thuế để gửi cho người mua đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; gửi hóa đơn điện tử không mã của cơ quan thuế cho người mua sau khi có thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

– Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn điện tử là việc lập khống hóa đơn điện tử; dùng hóa đơn điện tử của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; lập hóa đơn điện tử phản ánh giá trị thanh toán thấp hơn thực tế phát sinh; dùng hóa đơn điện tử quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông.

4. Cách tra cứu tính hợp pháp của hóa đơn điện tử qua mạng

Với những quy định về tính hợp pháp và không hợp pháp của Hóa đơn điện tử, Doanh nghiệp có thể tự đối chiếu và so sánh để kiểm tra xem hóa đơn điện tử đó có hợp pháp hay không.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp có thể tra cứu tính hợp pháp của hóa đơn điện tử bằng việc vào trang thông tin điện tử của Tổng Cục Thuế theo đường dẫn: http://www.tracuuhoadon.gdt.gov.vn

Xem thêm:

Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử như thế nào?;

Tra cứu thông tin và in hóa đơn điện tử như thế nào?;

Hóa đơn điện tử có cần đóng dấu và chữ ký không?

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X