hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Trạm thu phí, trạm thu giá hay trạm thu tiền?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Thông qua báo chí, tôi được biết lại sắp có trạm thu tiền trên một số tuyến đường cao tốc; trước đây tôi cũng đã từng nghe nói có trạm thu phí và trạm thu giá rồi. Vậy cho tôi hỏi sự khác nhau giữa trạm thu phí, trạm thu giá và trạm thu tiền là như thế nào ạ? Văn bản nào quy định vấn đề trên? Xin cảm ơn
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

1. Phí, giá và tiền là gì?

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 thì phí được giải thích là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí và mức thu. Mức thu phí thường là một mức tiền cố định, nếu có điều chỉnh cũng do cơ quan Nhà nước thông qua.

- Giá được điều chỉnh theo Luật giá số 11/2012/QH13 và được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo khoản 5 Điều 4 Luật Giá số 11/2012/QH13 , cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được quyền ấn định giá.

Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhà nước điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Như vậy, nếu như phí do cơ quan Nhà nước ấn định và "bất di bất dịch" thì giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự ấn định và được linh hoạt điều chỉnh trong khung giá (giá tối thiểu và giá tối đa) đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt.

Trong khi đó, tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sàng chấp nhận sử dụng) và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ. Tiền là một chuẩn mực chung để có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và dịch vụ.

2. Vậy trạm thu phí, trạm thu giá, trạm thu tiền là gì?

Hiện tại, bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế cho thông tư số 49/2016/TT-BGTVT về hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng tên "trạm thu giá" để thay cho tên gọi "trạm thu phí" để phù hợp với Luật giá và lệ phí số 97/2015/QH13. Tuy nhiên, sau khi bị nhiều ý kiến dư luận phản đối vì cụm từ "trạm thu giá" không có nghĩa, Bộ đã quyết định đổi lại thành "trạm thu phí" như cũ, và nay lại đề xuất là "trạm thu tiền".

Theo dự thảo mới, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy, tên gọi “trạm thu phí”, “trạm thu giá” hay “trạm thu tiền” chỉ là  3 tên gọi khác nhau để xác định cùng một đối tượng là vị trí, địa điểm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ của các dự án giao thông. Bản chất các trạm này vẫn là nơi thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn cho dự án nên mà không liên quan đến việc sử dụng tên nào.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X