hieuluat

Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 338/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:338/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Lê Mạnh Hà
    Ngày ban hành:04/08/2017Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:04/08/2017Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:An ninh trật tự
  •  

    VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 338/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2017
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT LUẬN CA PHÓ THNG THƯNG TRC CHÍNH PH TRƯƠNG HÒA BÌNH, TRƯNG BAN CH ĐO 138/CP TI HI NGH SƠ KT CÔNG TÁC PHÒNG, CHNG TI PHM; PHÒNG, CHNG MUA BÁN NGƯI 6 THÁNG ĐU NĂM 2017 CA BAN CH ĐO 138/CP
     
     
    Ngày 26 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Cảnh sát, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an; Trưởng Ban Chỉ đạo và các Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã kết luận như sau:
    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
    1. Tình hình và kết quả đạt được
    - Trong 06 tháng qua, với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, mà nòng cốt là lực lượng Công an và sự vào cuộc tích cực của báo chí, số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến rất phức tạp, nổi lên là:
    + Các thế lực thù địch và số đối tượng cực đoan trong tôn giáo lợi dụng quyền tự do, dân chủ gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; tội phạm giết người tăng 3,98%, trong đó giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 95%; tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi đang thách thức các chuẩn mực đạo đức và gây bức xúc trong xã hội. Tội phạm có tổ chức, nhất là các băng, nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động phạm tội gia tăng; nhiều băng, nhóm lưu manh, côn đồ càn quấy sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ thanh toán, trả thù, giải quyết mâu thuẫn, nhiều trường hợp hung thủ vào tận bệnh viện để truy sát nạn nhân, gây bất an trong xã hội. Tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tăng 21,2%; đang diễn ra tình trạng giao dịch, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ công khai trên các trang mạng xã hội.
    Tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất, mức độ ngày càng manh động, thậm chí tấn công cả trụ sở Công an, chính quyền, hủy hoại tài sản, gây rối an ninh, trật tự.
    + Tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước. Tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, đã phát hiện nhiều nhóm đối tượng thuê đường truyền tốc độ cao để điều hành các trang Web tổ chức đánh bạc với số tiền lớn. Hoạt động bán hàng đa cấp trên mạng Internet vi phạm pháp luật vẫn diễn ra với những cách thức, thủ đoạn mới tinh vi.
    + Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tăng 9,8%, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến. Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép, trong đó có cát, sỏi diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, có trường hợp đối tượng vi phạm đã đe dọa lãnh đạo chính quyền địa phương, gây bức xúc dư luận. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi.
    + Tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tăng 13,81% số vụ và 13,48% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2016; tình trạng người sử dụng ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều nơi; ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào nước ta rất lớn, đã phát hiện được một số vụ sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước với số lượng rất lớn.
    - Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 138 ở các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm; đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác; đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương; các cơ quan thông tấn báo chí đã tham gia tích cực, có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm với những cách làm sáng tạo, nổi bật là:
    Đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách về đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đã gắn kết công tác phòng, chống tội phạm với thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng Bộ, ngành, địa phương. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường. Nhiều mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm tiếp tục được đổi mới với nhiều nội dung thiết thực. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương trong phòng, chống tội phạm có hiệu quả hơn. Các lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các tuyến, địa bàn và với các đối tượng trọng điểm. Hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm đạt kết quả tích cực, đã điều tra, khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận đồng tình ủng hộ. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, xử lý tội phạm. Những kết quả đó đã góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
    2. Tồn tại, hạn chế
    Công tác phòng, chống tội phạm còn nhiều tồn tại, thiếu sót, đáng chú ý là: Công tác nắm và dự báo tình hình tội phạm chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra, còn bị động trong một số vụ việc; vẫn còn tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị cơ sở chưa phát huy hết trách nhiệm trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chưa dành thời gian thích đáng cho việc đối thoại, giải quyết những yêu cầu chính đáng của người dân; có trường hợp cán bộ còn làm trái pháp luật, tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân.
    Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhất là các băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm về ma túy, buôn lậu hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp mới chỉ xử lý được các đối tượng trực tiếp thực hiện tội phạm mà chưa mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
    Hiệu quả phòng ngừa tội phạm chưa cao, ý thức cảnh giác, tự giác phòng, chống tội phạm của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa phát triển rộng rãi và thiếu chiều sâu. Công tác xã hội hóa phòng, chống tội phạm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù, nạn nhân của các vụ bị mua bán người tái hòa nhập, ổn định cuộc sống ở nhiều nơi việc thực hiện còn lúng túng, chưa hiệu quả.
    Một số Bộ, ngành còn chậm phê duyệt các Đề án của Chương trình phòng, chống tội phạm (đến nay mới phê duyệt được 8/15 đề án),
    II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
    Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, đặt ra cho chúng ta những yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi Ban Chỉ đạo 138 từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2017. Do vậy, cần phải bám sát vào chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo đã đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
    1. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 các cấp để chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
    2. Tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng phòng ngừa xã hội, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm. Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các đạo luật liên quan đến phòng, chống tội phạm vừa được Quốc hội thông qua. Các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân ngay tại cơ sở không để phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự trên địa bàn.
    3. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các sự kiện văn hóa, chính trị, ngoại giao của đất nước, đặc biệt là Hội nghị cấp cao APEC và các hoạt động liên quan. Tập trung đấu tranh triệt xóa các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động bảo kê, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, núp bóng doanh nghiệp phạm tội, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người, giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản; đối tượng truy nã, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi; các tội phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; các đường dây mua bán, vận chuyển và các tụ điểm sử dụng ma túy. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, phát hiện, củng cố tài liệu, chứng cứ xử lý nghiêm minh các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm. Các cơ quan thông tin đại chúng chủ động phát hiện, tố giác tố phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
    4. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm, Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương nào thì chính quyền nơi đó phải tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật công tác. Xác định rõ trách nhiệm và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tội phạm; xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là lực lượng nòng cốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.
    5. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính sớm bố trí kinh phí để triển khai các đề án. Những Bộ, ngành chưa phê duyệt Đề án thuộc Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 cần khẩn trương phê duyệt để triển khai thực hiện ngay trong năm 2017. Cần tăng cường phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện đề án.
    6. Ban Chỉ đạo 138/CP đã thành lập 05 đoàn kiểm tra liên ngành do các đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn về làm việc với một số địa phương trong quý IV năm nay. Các đồng chí Trưởng Đoàn sớm bố trí thời gian, có kế hoạch thực hiện cụ thể, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Ban Chỉ đạo 138 các địa phương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở. Nơi nào để tội phạm lộng hành, phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và trưởng Công an phải chịu trách nhiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng thành tích của các lực lượng và quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
    7. Một số nhiệm vụ cụ thể
    - Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, bổ sung vào chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa học đường, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, các trò chơi, dịch vụ mang tính kích động bạo lực, ảnh hưởng xấu đến đạo đức và nhân cách.
    - Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Công an xã theo hướng bố trí Công an chính quy ở Công an xã, thị trấn để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời thu thập, bảo vệ chứng cứ ngay từ đầu.
    - Các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phối hợp rà soát các vụ án đã có quyết định tạm đình chỉ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
    - Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện cơ chế xử lý tang vật thu giữ trong các vụ án và xử phạt vi phạm hành chính để tránh lãng phí về tài sản, Các Bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật mới ban hành để áp dụng đúng, thống nhất.
    - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm hoàn thành việc xây dựng Chương trình tăng cường quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, trình Thủ tướng Chính phủ.
    - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục vào cuộc quyết liệt, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm của Ban Chỉ đạo 138 các cấp.
    - Bộ Công an - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP:
    + Nghiên cứu, đề xuất xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo 138 các Bộ, ngành và địa phương.
    + Tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý; hàng tuần có báo cáo tổng hợp tình hình tội phạm xảy ra trên toàn quốc gửi các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo. Đối với những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, cần báo cáo kịp thời với Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP,
    Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan và Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP biết, phối hợp thực hiện./.
     
    Nơi nhận:
    - Thường trực Ban Bí thư (để b/c);
    - TTg, các PTTg (để báo cáo);
    - VPTBT, VPTƯĐ, VPCTN, VPQH;
    - Ban Nội chính Trung ương;
    - Ủy ban QP&AN của Quốc hội;
    - Các Bộ, ngành Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP;
    - Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP;
    - Thường trực tỉnh ủy, thành ủy và UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Tổng cục Cảnh sát và C42 (Bộ Công an);
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, V.I, QHĐP, PL, KGVX;
    - Lưu: VT, NC (3b).s.
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Lê Mạnh Hà
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 338/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủ
    Số hiệu:338/TB-VPCP
    Loại văn bản:Thông báo
    Ngày ban hành:04/08/2017
    Hiệu lực:04/08/2017
    Lĩnh vực:An ninh trật tự
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Lê Mạnh Hà
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X