hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 09/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sắp tới, dùng Facebook, Tiktok... phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại?

Quy định người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng điện thoại là nội dung đề xuất tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013.

Dùng mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại

Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất quy định mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Cụ thể, tại điểm e, điểm đ khoản 3 Điều 26 của dự thảo về cung cấp thông tin xuyên biên giới

Thực hiện việc lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam, bao gồm:

- Họ và tên, ngày tháng năm sinh, thư điện tử (email), số điện thoại di động tại Việt Nam;

- Thực hiện việc xác thực tài khoản người dùng dịch vụ với số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản;

- Cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng;

- Bảo đảm quyền quyết định của người dùng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được sử dụng cho mục đích quảng bá, truyền thông và cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đăng ký tài khoản mạng xã hội cung cấp thông tin xuyên biên giới.

Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 30 một trong các điều kiện về kỹ thuật đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước là:

-  Thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên, bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, số điện thoại di động tại Việt Nam; địa chỉ thư điện tử (nếu có).

- Trường hợp người dùng Internet dưới 14 tuổi và chưa có số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, số điện thoại di động tại Việt Nam, người giám hộ hợp pháp quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của người giám hộ theo quy định tại điểm này để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó;

Đồng thời, thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản;

Hiện nay, mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới hiện nay xác thực tài khoản người dùng bằng 03 hình thức là:

- Email,

- Số điện thoại di động,

- Căn cước công dân.

Phổ biến nhất là xác thực bằng email và số điện thoại di động.

Trong đó, các mạng xã hội trong nước xác thực người dùng:

- Bằng số điện thoại chiếm khoảng 30%

- Email chiếm 30%

- Chọn một trong hai hình thức email, điện thoại di động chiếm 40%.

dùng mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại để bảo vệ tài khoảnDùng mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại để bảo vệ tài khoản.

Tại Tờ trình của dự thảo, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng.

Để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng, việc bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội là cần thiết.

Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này, tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước. Quy định cũng được đánh giá là có tính khả thi vì hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng.

Đề xuất xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại cũng nhằm ngăn chặn tội phạm lừa đảo trong không gian mạng có xu hướng gia tăng.

Bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội

Các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Tiktok hiện đang có thực trạng tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín cũng như danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoạn; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Cụ thể tại Điều 38 của dự thảo quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước như:

-  Thực hiện việc quản lý và cung cấp dịch vụ mạng xã hội tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ với người dùng;

- Mô tả quy trình, cách thức phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình và công bố công khai trong Thỏa thuận cung cấp dịch vụ/Tiêu chuẩn cộng đồng cho người dùng biết để lựa chọn sử dụng dịch vụ.

- Bảo đảm quyền quyết định của người dùng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được sử dụng cho mục đích quảng bá, truyền thông và cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

- Có công cụ bằng phương tiện điện tử để tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người dùng về nội dung, bản quyền…

- Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam từ 16 tuổi trở lên tạo tài khoản đăng ký tài khoản mạng xã hội cung cấp thông tin xuyên biên giới.

Trên đây là thông tin về việc dùng mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại​. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X