hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 18/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ai cần đi làm Căn cước công dân ngay năm 2024 để không bị phạt

Căn cước công dân là giấy tờ quan trọng thể hiện những thông tin cơ bản của công dân. Dưới đây là lưu ý những trường hợp phải đi làm căn cước công dân năm 2024.

 
Mục lục bài viết
  • Căn cước công dân là gì?
  • Lưu ý những trường hợp phải đi làm căn cước công dân năm 2024
  • Thứ nhất, công dân từ đủ 14 tuổi
  • Thứ hai, những trường hợp thuộc độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân
  • Thứ ba, công dân Việt Nam đang sử dụng CMND hết thời hạn theo quy định

Căn cước công dân là gì?

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 đã giải thích

“Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.”.
Theo quy định này thì CCCD được hiểu là một loại giấy tờ tuỳ thân quan trọng, thể hiện những thông tin cơ bản nhất của công dân để phục vụ cho việc quản lý công dân của quốc gia.

Căn cước công dân Việt Nam hiện nay được thể hiện dưới dạng thẻ cứng (có gắn chíp hoặc không gắn chíp).

Tuy nhiên nội dung thể hiện trên căn cước công dân phải đảm bảo thể hiện được các thông tin cơ bản được quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân năm 2014.

Cụ thể các thông tin cơ bản bao gồm:

“ a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

b) Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.”

Căn cước công dân là gì?Căn cước công dân là gì?

Lưu ý những trường hợp phải đi làm căn cước công dân năm 2024

Theo quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành và những văn bản hướng dẫn có liên quan thì vào năm 2024, công dân thuộc những trường hợp sau cần lưu ý đi làm thẻ công dân theo quy định:

Thứ nhất, công dân từ đủ 14 tuổi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì những công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước công dân với mã số thẻ chính là số định danh cá nhân đã được cấp trước đó.

Theo đó mà vào năm 2024, những công dân Việt Nam sinh năm 2010, khi từ đủ 14 tuổi theo giấy khai sinh cần lưu ý làm thủ tục cấp căn cước công dân để thuận tiện cho Nhà nước trong việc quản lý công dân.

Thứ hai, những trường hợp thuộc độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014 và Điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP thì công dân đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi phải thực hiện đổi thẻ căn cước công dân theo quy định.

 Hiện nay, thẻ căn cước công dân gắn chíp được Nhà nước yêu cầu sử dụng phổ biến với chíp điện tử tích hợp nhiều tính năng sử dụng. 

Những chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân không gắn chíp trước đây tuy chưa bị khai tử và vẫn còn giá trị sử dụng nhưng Nhà nước khuyến khích công dân đổi sang căn cước công dân gắn chíp và đặc biệt là những công dân thuộc các độ tuổi quy định trên phải thực hiện đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp hiện nay.

Nếu xét về độ tuổi này thì vào năm 2024, những trường hợp phải thực hiện cấp lại căn cước công dân theo quy định là những công dân sinh vào những năm sau: 1999 (đủ 25 tuổi), 1984 (đủ 40 tuổi) và 1964 (đủ 60 tuổi). 

Tuy nhiên, đối với những công dân có độ tuổi nêu trên nhưng được cấp căn cước công dân trong vòng 02 năm trước các mốc tuổi này thì công dân vẫn được tiếp tục sử dụng căn cước công dân cho đến mốc tuổi tiếp theo. 

Chẳng hạn như vào năm 2024, công dân sinh năm 1999 từ đủ 25 tuổi nhưng được cấp căn cước công dân mới vào năm 2023 thì thẻ căn cước công dân đó vẫn được tiếp tục sử dụng đến năm 2039 (khi công dân đủ 40 tuổi). 

Còn đối với công dân làm căn cước công dân đã đủ 60 tuổi thì giá trị sử dụng của thẻ là vĩnh viễn, có thể sử dụng suốt đời mà không cần đổi thẻ.

Chẳng hạn như năm 2024, công dân Việt Nam sinh năm 1964 (đủ 60 tuổi) cấp đổi căn cước công dân thì đây là lần cấp cuối cùng và thẻ căn cước công dân đó có giá trị sử dụng vĩnh viễn. 

Chỉ trừ trường hợp công dân làm mất thẻ, hỏng thẻ… thì mới phải thực hiện thủ tục xin cấp lại căn cước công dân.

Những trường hợp phải đi làm căn cước công dân năm 2024Những trường hợp phải đi làm căn cước công dân năm 2024

Thứ ba, công dân Việt Nam đang sử dụng CMND hết thời hạn theo quy định

Căn cứ theo quy định tại Mục 2 Phần II Thông tư số 04/1999/TT-BCA và theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 170/2007/NĐ-CP thì chứng minh nhân dân chỉ có thời hạn sử dụng trong vòng 15 năm kể từ ngày cấp mà không phụ thuộc vào độ tuổi phải cấp đổi nêu trên.

Theo đó, vào năm 2024 thì những công dân đang sử dụng chứng minh nhân dân được cấp từ năm 2009 cần chú ý ngày cấp để đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp theo quy định hiện nay.

Ngoài những trường hợp cần lưu ý trên thì những công dân Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân hiện hành cần phải đổi hoặc làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước công dân:

“ 1.Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;

b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.”

Nếu công dân không làm căn cước công dân theo quy định trên thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với công dân không đổi CCCD khi hết thời hạn sử dụng.

Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định nếu công dân không đổi CCCD khi hết hạn sử dụng thì sẽ bị cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với mức xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Trên đây là những lưu ý đối với những trường hợp cần phải đi làm căn cước công dân năm 2024 mà chúng tôi cung cấp đến quy bạn đọc. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X