hieuluat

Chỉ thị 14/2008/CT-TTg đôn đốc thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực KT-TM

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:249&250 - 5/2008
    Số hiệu:14/2008/CT-TTgNgày đăng công báo:02/05/2008
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:22/04/2008Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/04/2008Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Hành chính
  • CHỈ THỊ

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 14/2008/CT-TTg NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2008 

    VỀ CÁC BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ-THƯƠNG MẠI

     

    Từ năm 1955 đến nay, Việt Nam đã ký kết 1.082 điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại, trong đó 700 điều ước quốc tế hiện còn hiệu lực về thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, lao động, hợp tác nghề cá và phát triển thủy sản, du lịch, y tế, tài chính, tín dụng, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các điều ước quốc tế này đã góp phần tăng cường và mở rộng các quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác thương mại, thu hút vốn đầu tư, cũng như những nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.

    Bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại còn có nhiều bất cập như: một số điều ước quốc tế được ký kết nhưng các cam kết trong đó chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực thi; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành còn một số hạn chế; việc đánh giá, tổng kết các điều ước quốc tế chưa thường xuyên.

    Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, thực hiện tốt các điều ước quốc tế đã ký và đang có hiệu lực, xây dựng đồng bộ cơ chế đối ngoại và đối nội để tăng cường kiểm tra và đôn đốc thực hiện các cam kết về kinh tế, thương mại, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

                I. CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ:

    1. Tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, đặc biệt quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (sau đây được gọi là Luật Điều ước quốc tế năm 2005).

    2. Tổ chức rà soát, tổng kết và đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế có nội dung liên quan đến kinh tế, thương mại do Bộ, ngành mình đề xuất ký kết; đánh giá lại các tác động thực tế về mặt kinh tế, thương mại các điều ước quốc tế đã ký kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung các điều ước quốc tế dự định sẽ ký kết.

    3. Chủ động đàm phán với bên ký kết nước ngoài nhằm sửa đổi, bổ sung, nâng cao tính hiệu quả của các điều ước quốc tế hoặc chấm dứt các điều ước quốc tế đã được triển khai thực hiện nhưng kém hiệu quả; đồng thời đề xuất ký mới điều ước quốc tế để đáp ứng yêu cầu hợp tác với bên nước ngoài, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước; khi đàm phán ký kết các điều ước quốc tế, các Bộ, ngành chủ động đưa các nội dung liên quan đến việc rà soát, kiểm tra và đôn đốc thực hiện điều ước quốc tế, nghiên cứu đưa điều khoản về việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp giữa hai bên khi cần thiết.

    4. Chủ động đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt các điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại liên quan đến lĩnh vực do Bộ, ngành phụ trách; đề xuất những biện pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên thành viên bị vi phạm.

    5 . Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam.

    6. Đối với những điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Bộ, ngành trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 có: (a) quy định về việc mặc nhiên gia hạn hiệu lực; (b) không quy định về thời hạn hiệu lực hoặc (c) quy định có giá trị vô thời hạn thì Bộ, ngành đề xuất ký kết điều ước quốc tế có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế đó; đồng thời có trách nhiệm đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế mới nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ để thay thế trong trường hợp cần thiết.

    7. Xây dựng báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hàng năm.

                II. BỘ TƯ PHÁP:

    1. Trong quá trình thẩm định các điều ước quốc tế nói chung và điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại nói riêng, đánh giá mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam, đánh giá khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế nhằm thúc đẩy việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế.

    2. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

                III. BỘ NGOẠI GIAO:

    1. Tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nói chung và điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại nói riêng.

    2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

    3. Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu điều ước quốc tế phục vụ công tác, tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức lưu trữ, lưu chiểu, sao lục, công bố và đăng ký điều ước quốc tế.

    4. Thống kê, rà soát điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; thực hiện báo cáo Chính phủ định kỳ hàng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

    5. Chủ trì, phối hợp đề xuất xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc và triển khai thực hiện điều ước quốc tế, đề xuất những biện pháp nhằm thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết, đặc biệt nhân dịp các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại nước ngoài và của lãnh đạo cấp cao nước ngoài tại Việt Nam và tại các kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp; đề xuất thành lập các Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài trong trường hợp cần thiết; kiến nghị đưa nội dung kiểm điểm tình hình thực hiện điều ước quốc tế song phương trong các cuộc hội đàm cấp cao, cũng như tại cuộc họp của các Ủy ban Hỗn hợp.

    6. Chủ trì, phối hợp đề xuất đàm phán với bên ký kết nước ngoài nhằm sửa đổi, bổ sung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký; chấm dứt những điều ước quốc tế được triển khai thực hiện nhưng không có hiệu quả; đồng thời đề xuất ký mới các điều ước quốc tế để đáp ứng yêu cầu hợp tác với bên ký kết nước ngoài.

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này./.

     

    THỦ TƯỚNG

     Nguyễn Tấn Dũng

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Hiến pháp năm 1992
    Ban hành: 18/04/1992 Hiệu lực: 18/04/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    02
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 14/06/2005 Hiệu lực: 01/01/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X