hieuluat

Chỉ thị 30/2006/CT-TTg biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:63&64 - 8/2006
    Số hiệu:30/2006/CT-TTgNgày đăng công báo:21/08/2006
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:11/08/2006Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:11/08/2006Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

     

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 30/2006/CT-TTg NGÀY 11 THÁNG 8 NĂM 2006

    VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN,

    LÙN XOẮN LÁ TRÊN LÚA

     

     

    Hiện nay, vụ Hè Thu và vụ Thu Đông năm 2006 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa do vi rút gây ra và lây truyền bởi rầy nâu đang lây lan rất nhanh, đã có hàng chục ngàn ha lúa nhiễm bệnh, trong đó nhiều diện tích bị nhiễm bệnh nặng phải tiêu huỷ. Theo dự báo của cơ quan bảo vệ thực vật, dịch bệnh còn tiếp tục lây lan mạnh trong vụ Thu Đông 2006 do nông dân vẫn đang tiếp tục xuống giống. Đây là bệnh chưa có thuốc phòng trị, nếu không kịp thời ngăn chặn, dập tắt, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại lớn đối với sản xuất lúa, thu nhập của nông dân và lây nhiễm sang vụ tiếp theo. Để kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dÞch bệnh, bảo vệ sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm lúa của cả nước, bảo đảm an ninh lương thực, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

     

    1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo một số biện pháp cấp bách sau :

     

    a) Đối với các địa phương đã có dịch, phải công bố dịch và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá theo quy định của pháp luật về bảo vệ thực vật. Phân công lãnh đạo chuyên trách trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và huy động lực lượng để tham gia phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu sớm dập tắt dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng;

     

    b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, kịp thời thông báo dịch bệnh cho nông dân biết để chủ động phòng, trừ và báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo kịp thời phòng, chống, dập tắt dịch bệnh;

     

    c) Kiểm tra chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có biện pháp xử lý kịp thời theo pháp luật về bảo vệ thực vật và pháp luật có liên quan đối với các trường hợp kinh doanh mua bán thuốc giả, thuốc ngoài danh mục hoặc lợi dụng nâng giá thuốc;

     

    d) Chỉ đạo và hướng dẫn nông dân tổ chức phun thuốc phòng trừ và thực hiện tiêu huỷ đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khuyến cáo nông dân dừng gieo sạ lúa Thu Đông 2006 để bảo đảm an toàn cho vụ lúa Đông Xuân 2006 - 2007;

     

    đ) Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách địa phương năm 2006 để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện hỗ trợ nông dân có diện tích lúa phải tiêu huỷ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chính sách hỗ trợ;

    e) Hướng dẫn nông dân chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống lúa phù hợp có năng suất, chất lượng cao ít nhiễm rầy nâu, sâu bệnh khác. Trước mắt, vụ sản xuất Đông Xuân 2006 - 2007 phải bố trí lại thời vụ gieo sạ bảo đảm có đủ thời gian cách ly với vụ lúa đã gieo sạ trước để không còn điều kiện cho rầy nâu sinh trưởng, phát triển là nguồn lây truyền bệnh. Áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp và sử dụng có hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật.

     

    2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

     

    a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan bảo vệ thực vật các cấp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các địa phương đang bị dịch bệnh nặng;

     

    b) Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật các cấp tổ chức tốt công tác dự tính, dự báo tình hình rầy nâu, diễn biến bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa và sâu bệnh khác, thông báo kịp thời cho các cấp và nông dân biết chủ động phòng, chống và dập tắt dịch;

     

    c) Chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch của các địa phương. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương chuyển dịch cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ, áp dụng các biện pháp canh tác cải tiến và tiến bộ kỹ thuật.., nhằm hạn chế dịch bệnh phát triển. Tuyển chọn, lai tạo và nhân nhanh giống lúa kháng rầy phục vụ nhu cầu sản xuất;

     

    d) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

     

    3. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long thông tin kịp thời, chính xác tính nguy hại của loại dịch bệnh này, dự tính dự báo và diễn biến dịch bệnh để mọi người dân chủ động dập tắt dịch và thực hiện các biện pháp phòng trừ.

     

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

     

     

     

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X