hieuluat

Thông tư 03/2006/TT-BTS thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Thủy sảnSố công báo:36&37 - 4/2006
    Số hiệu:03/2006/TT-BTSNgày đăng công báo:30/04/2006
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Tạ Quang Ngọc
    Ngày ban hành:12/04/2006Hết hiệu lực:16/02/2021
    Áp dụng:15/05/2006Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • THÔNG TƯ

    CỦA BỘ THỦY SẢN SỐ 03/2006/TT-BTS NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 2006 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

     

    Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thủy sản;

    Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020";

    Bộ Thủy sản hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

     

    I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    1. Mục đích

    Thông tư này hướng dẫn thống nhất trong cả nước các hoạt động thủy sản theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là quy hoạch tổng thể ngành) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

    Thông tư này làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch phát triển thủy sản theo vùng, địa phương trong cả nước cũng như các hoạt động thuộc lĩnh vực thủy sản.  

    2. Phạm vi điều chỉnh

    Thông tư này áp dụng cho việc điều chỉnh các dự án quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư, các hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh thuộc ngành thủy sản, cũng như các hoạt động khác liên quan đến phát triển thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

    3. Đối tượng áp dụng

    a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước;

    b) Các cơ quan quản lý, các viện, các trường đào tạo, các trung tâm có liên quan đến hoạt động thủy sản;

    c) Các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh thủy sản.

     

    II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN
    ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

     

    1. Về Khai thác hải sản

    a) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển căn cứ quy hoạch tổng thể ngành, thực hiện rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương về khai thác hải sản theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu khai thác ven bờ sang khai thác ra xa bờ, sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc dịch vụ du lịch, nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác ven bờ nhằm ổn định đời sống cộng đồng dân cư ven biển.

    b) Sở Thủy sản thuộc các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ đến cấp huyện, cấp xã về việc đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác và tình hình sử dụng tàu thuyền, nhằm giảm nhanh số tàu khai thác ven bờ, duy trì, củng cố tàu khai thác xa bờ. Hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo các quy định hiện hành. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xem xét thẩm định, phê duyệt các dự án đóng mới tàu khai thác theo hướng phát triển tàu có công suất máy lớn, nghề khai thác hợp lý, có trang thiết bị và công nghệ khai thác tiên tiến, bảo đảm các trang thiết bị an toàn trên biển.

    c) Các Sở Thủy sản chủ trì tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, hướng dẫn ngư dân phát triển các mô hình tổ chức khai thác trên biển theo mô hình kinh tế tập thể, tổ chức các đội tàu, đoàn tàu khai thác, dịch vụ khai thác có hiệu quả; hướng dẫn thực hiện tốt Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ và các quy định trong vùng đánh cá chung.

    d) Viện Nghiên cứu hải sản tổ chức công tác điều tra, phúc tra, nghiên cứu nguồn lợi sinh vật biển; trong đó tập trung điều tra và dự báo nguồn lợi hải sản, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ nghề khai thác đạt hiệu quả.

    đ) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển tập trung tổ chức quản lý chặt chẽ tàu cá. Phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản và các đơn vị chức năng liên quan tổ chức tốt công tác thông tin dự báo nguồn lợi hải sản, hướng dẫn cho ngư dân triển khai các nghề khai thác, mô hình khai thác đạt hiệu quả cao gắn với công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng dân cư ven biển thực hiện bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi hải sản.

    e) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch khai thác hải sản hàng năm của địa phương; phấn đấu trong cả nước đến năm 2010, số lượng tàu cá giữ ở mức 50.000 chiếc, trong đó tàu có công suất máy lớn hơn 75CV không quá 6.000 chiếc, tàu có công suất máy từ 46-75 CV không quá 14.000 chiếc, tàu có công suất máy từ 21-45CV không quá 20.000 chiếc; duy trì sản lượng khai thác trong cả nước giữ ở mức 1,5-1,8 triệu tấn, trong đó vịnh Bắc bộ khoảng 0,27 triệu tấn, vùng biển miền Trung khoảng 0,37 triệu tấn, vùng biển Đông Nam bộ khoảng 0,71 triệu tấn, vùng biển Tây Nam bộ khoảng 0,2 triệu tấn, vùng giữa biển Đông và hợp tác khai thác vùng biển quốc tế khoảng 0,25 triệu tấn.

    2. Về Nuôi trồng thủy sản

    a) Các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch tổng thể ngành, tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương về sản xuất giống thủy sản, quy hoạch nuôi trồng thủy sản của các địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá lớn tập trung, chú trọng quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tổ chức hướng dẫn các đơn vị thuộc địa bàn quản lý của mình thực hiện tốt quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản công nghiệp tập trung, các vùng sản xuất giống tập trung; hướng dẫn áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đa dạng đối tượng nuôi, có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thủy sản nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

    b) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển, tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn các thành phần kinh tế, các lao động đánh cá chuyển đổi nghề tham gia phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, tập trung nuôi nhuyễn thể, các đặc sản nước mặn, lợ, đặc biệt chú trọng phát triển nuôi trên biển. 

    c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh nội vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền núi trung du phía Bắc, Tây Nguyên, hướng dẫn các hộ dân cư tận dụng tiềm năng mặt nước phát triển nuôi nước ngọt, tập trung vào các đối tượng chủ lực, tạo ra sản lượng thủy sản lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cải thiện sinh kế người dân địa phương.

    d) Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh, thành phố phối hợp với Vụ Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia thuộc Bộ Thủy sản, tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tập thể, có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, mô hình quản lý dựa vào cộng đồng và đồng quản lý. Hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án và tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức xem xét, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản bảo đảm phù hợp về quy mô và địa điểm, trong đó chú ý đến mô hình tổ chức quản lý sản xuất, công nghệ sản xuất, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm.

    đ) Các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản tăng cường tổ chức nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ sản xuất giống, sản xuất thức ăn và công nghệ nuôi biển.

    e) Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh, thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch nuôi trồng thủy sản hàng năm của địa phương; phấn đấu đến năm 2010 sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước đạt 2 triệu tấn; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản từ 1,1 -1,4 triệu ha.

    3. Về chế biến và dịch vụ thương mại thủy sản

    a) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch tổng thể ngành, tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương về các cơ sở chế biến thủy sản, phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thực hiện hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tập trung vào việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, xây dựng các khu công nghiệp chế biến thủy sản công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thủy sản, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao kể cả về hình thức, kiểu dáng, đa chủng dạng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức xem xét thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở chế biến thủy sản có quy mô phù hợp gắn với việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến, có công nghệ chế biến tiên tiến, bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thủy sản và phù hợp với thị trường tiêu thụ.

    b) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến thủy sản: tập trung chế biến các sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu, tăng tỷ trọng các mặt hàng tươi sống vào xuất khẩu; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp nhằm nâng cao uy tín trên thị trường; phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng cường thực hiện xúc tiến thương mại, đào tạo cán bộ có năng lực làm công tác thương mại, tổ chức quảng bá thương hiệu, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, tăng cường thông tin thị trường, dự báo thị trường cả trong nước và ngoài nước; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo mở rộng thị trường trong nước theo hướng đa dạng sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp khẩu vị, tổ chức tốt hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trong nước gắn với dịch vụ du lịch; chú trọng mở rộng thị trường vùng núi Trung du Bắc bộ và Tây Nguyên.

    c) Cục Quản lý Chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản phối hợp với các Sở Thủy sản, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở chế biến về quản lý chất lượng an toàn, vệ sinh thủy sản, nhằm phấn đấu đến năm 2010 có 100% cơ sở chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng ngành và quốc tế. 

    d) Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc  các tỉnh, thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch chế biến xuất khẩu thủy sản hàng năm của địa phương; phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 4 tỷ USD.

    4. Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá

    a) Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc  các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch tổng thể ngành, tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương về cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, chợ cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nhằm hình thành các trung tâm nghề cá lớn, các tụ điểm nghề cá gắn với các ngư trường trọng điểm, các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, đồng thời phù hợp về quy mô từng vùng, từng địa phương. Tổ chức hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án và tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức xem xét thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, chợ cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phải phù hợp với quy hoạch về địa điểm và quy mô đầu tư.  

    b) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản của địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xem xét thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch, bảo đảm phát triển thủy sản bền vững.

    5. Về khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế

    a) Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Thủy sản tập trung nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất và kinh doanh thủy sản nhằm đạt năng suất cao, tạo sản lượng hàng hóa lớn, đa dạng cơ cấu sản phẩm, chất lượng cao, đảm bảo giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh trên các thị trường thế giới; đồng thời đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước. Nghiên cứu, tham mưu lựa chọn và đề xuất du nhập các công nghệ tiên tiến của các nước để tạo đột phá, phát triển nhanh, hiệu quả các lĩnh vực sản xuất thủy sản. Chú trọng phát triển công nghệ sinh học và sau thu hoạch, cũng như các nghiên cứu kinh tế - xã hội, dịch vụ, xây dựng mô hình sản xuất thủy sản.

    b) Trung tâm Khuyến ngư quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương mở rộng hoạt động khuyến ngư trong mọi lĩnh vực trong cả nước. Nghiên cứu, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các mô hình tốt về quản lý, sản xuất trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, tổ chức tốt việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất.

    c) Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu cho Bộ Thủy sản thực hiện mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức đa phương, song phương nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài để đầu tư phát triển các lĩnh vực thủy sản. Chủ trì hướng dẫn thực hiện các hiệp định hợp tác quốc tế về thủy sản và liên quan đến quản lý nghề cá.

    d) Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tìm kiếm đối tác nước ngoài để thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ nhằm tạo nguồn lực cho phát triển thủy sản của địa phương; đồng thời giải quyết xuất khẩu lao động nghề cá và hợp tác nghề cá trên các lĩnh vực.

    6. Phát triển nguồn nhân lực

    a) Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Thủy sản chủ trì phối hợp với các địa phương và các đơn vị trong và ngoài ngành thủy sản rà soát lại hiện trạng nguồn nhân lực, tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho toàn ngành và các phương án sắp xếp lại chức năng đào tạo của các trường và các viện trong Bộ Thủy sản.

    b) Các Viện, các trường thuộc Bộ Thủy sản chủ động có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh trong từng giai đoạn; chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn cao, thực hiện các hình thức đào tạo cho lực lượng lao động nghề cá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương nhằm đảm bảo cho mọi lao động nghề cá đều được đào tạo, đáp ứng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu thị trường xuất khẩu lao động.

    c) Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh, thành phố phối hợp cùng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Thủy sản để tổ chức củng cố, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý ngành; bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý ngành đủ điều kiện và năng lực, đảm bảo công tác quản lý ngành thủy sản từ trung ương đến cơ sở, đáp ứng quá trình phát triển ngành theo hướng từng bước tiêu chuẩn hoá cán bộ và quản lý theo tiêu chuẩn.

     

    III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    - Vụ Kế hoạch Tài chính, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thủy sản phối hợp với các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) thuộc các tỉnh, thành phố để rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản của các địa phương; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản tổ chức rà soát, điều chỉnh, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Thủy sản phê duyệt quy hoạch phát triển các lĩnh vực chuyên ngành thủy sản; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản các vùng lãnh thổ, vùng kinh tế trọng điểm và các lĩnh vực chuyên ngành thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm phù hợp quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể ngành.

    - Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Thủy sản tổ chức hướng dẫn cho các chủ đầu tư lập dự án quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng trọng điểm phát triển ngành thủy sản; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản xem xét, thẩm định và phê duyệt các dự án quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng trọng điểm của ngành, bảo đảm đúng quy hoạch tổng thể ngành về mục tiêu, quy mô, địa điểm và phù hợp với quy hoạch phát triển thủy sản của các địa phương; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể ngành trong phạm vi cả nước.

    - UBND các tỉnh, thành phố trung ương chỉ đạo Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thủy sản) phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thủy sản chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành; tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể ngành trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố. Hàng quý, hàng năm, theo định kỳ thực hiện tổng hợp, lập báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể ngành, tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng, hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản của các địa phương gửi về Bộ Thủy sản trước ngày 20 của tháng cuối quý.

    - UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh thủy sản trên địa bàn phối hợp với các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn các nội dung quy hoạch tổng thể ngành, làm căn cứ để tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất- kinh doanh theo đúng quan điểm, mục tiêu quy hoạch tổng thể ngành. Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện lập và gửi báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản về Sở Thủy sản trước ngày 15 hàng tháng theo định kỳ để tổng hợp báo cáo Bộ Thủy sản.

    - Các đơn vị, các Tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Bộ Thủy sản, theo chức năng nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động liên quan đến thủy sản phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể ngành và Thông tư này.

    - Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc hoặc phát sinh mới, các đơn vị chức năng liên quan, Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc các tỉnh, thành phố tổng hợp phản ánh kịp thời về Bộ Thủy sản để phối hợp xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

    - Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

     

    BỘ TRƯỞNG

    (Đã ký)

    Tạ Quang Ngọc

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 03/2006/TT-BTS thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Thủy sản
    Số hiệu:03/2006/TT-BTS
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:12/04/2006
    Hiệu lực:15/05/2006
    Lĩnh vực:Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:30/04/2006
    Số công báo:36&37 - 4/2006
    Người ký:Tạ Quang Ngọc
    Ngày hết hiệu lực:16/02/2021
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X