hieuluat

Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:69&70 - 8/2006
    Số hiệu:07/2006/TT-BLĐTBXHNgày đăng công báo:31/08/2006
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Thị Hằng
    Ngày ban hành:26/07/2006Hết hiệu lực:01/07/2013
    Áp dụng:15/09/2006Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Chính sách
  • BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
    VÀ XÃ HỘI

    ____________

    Số: 07/2006/TT-BLĐTBXH

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    __________________

    Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2006

     

     

    THÔNG TƯ

    Hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

    ________________________

     

    Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

    Sau khi thống nhất ý kiến với các cơ quan liên quan, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 37 của Nghị định như sau:

     

    Phần I. THỦ TỤC HỒ SƠ, LẬP HỒ SƠ

     

    I. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945 VÀ  NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TỪ NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945 ĐẾN TRƯỚC TỔNG KHỞI NGHĨA 19 THÁNG TÁM NĂM 1945

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (mẫu số 1-LT1 hoặc mẫu số 1-LT2) hoặc quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 (mẫu số 2-TKN1 hoặc mẫu số 2-TKN2 hoặc mẫu số 2-TKN3) của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ hoặc Ban Đảng, Đảng Đoàn, Ban Cán sự Đảng Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương.

    1.2. Quyết định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) nơi người hoạt động cách mạng cư trú (mẫu số 1-LT3 hoặc mẫu số 2-TKN4).

    1.3. Phiếu trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (mẫu số 1-LT4 hoặc mẫu số 2-TKN5).

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy, Vụ Tổ chức các Bộ, Ban, Ngành (gọi chung là cơ quan tổ chức) căn cứ hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương lập hồ sơ xem xét các trường hợp đủ điều kiện trình Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ hoặc các Ban Đảng, Đảng Đoàn, Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương xét ra quyết định công nhận và chuyển đến Sở Lao động - Thương binh Xã hội nơi người có công cư trú để đăng ký quản lý và ra quyết định trợ cấp, phụ cấp; lập phiếu trợ cấp, phụ cấp và thực hiện chế độ ưu đãi.

    II. LIỆT SĨ VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1.Giấy báo tử (mẫu số 3-LS1)

    a) Thẩm  quyền cấp giấy báo tử:

    - Người hy sinh là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp.

    - Người hy sinh là công an nhân dân, công nhân viên công an cấp tỉnh do Giám đốc Công an cấp tỉnh cấp.

    - Người hy sinh thuộc cơ quan Trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương cấp.

    - Người hy sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.

    - Người hy sinh thuộc cơ quan huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) hoặc xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) kể cả doanh nghiệp đóng trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

    - Người hy sinh thuộc Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng Công ty 91 do Tổng giám đốc Tập đoàn, Tổng giám đốc Tổng Công ty 91 cấp.

    b) Căn cứ cấp giấy báo tử: phải có một trong các giấy tờ sau:

    - Trường hợp hy sinh quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 3 của Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 (sau đây gọi chung là Nghị định)  phải có Giấy xác nhận được giao đi làm nhiệm vụ quốc tế hoặc làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giao nhiệm vụ cấp.

    - Trường hợp hy sinh quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 của Nghị định phải có Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý người hy sinh hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập. Trường hợp dũng cảm đấu tranh chống tội phạm thì kèm theo bản án hoặc kết luận của cơ quan điều tra (nếu án không xử).

    - Trường hợp hy sinh quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định phải có Giấy xác nhận hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn do Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp người hy sinh cấp:

    + Bộ đội biên phòng do Đồn trưởng biên phòng cấp.

    + Công an do Trưởng Công an cấp huyện cấp.

    + Quân nhân do Chỉ huy trưởng quân sự cấp huyện cấp.

    + Các trường hợp khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

    - Trường hợp hy sinh quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị định phải có Giấy xác nhận chết do vết thương tái phát của cơ sở y tế kèm theo hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (không áp dụng đối với thương binh B).

    Đối với thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 80% phải có Bệnh án điều trị và biên bản kiểm thảo tử vong do vết thương tái phát của Giám đốc bệnh viện cấp tỉnh trở lên kèm theo hồ sơ thương binh (không áp dụng đối với thương binh B).

    1.2. Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ (mẫu số 3-LS2) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

    1.3. Quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất (mẫu số 3-LS3) của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

    1.4. Phiếu trợ cấp tiền tuất thân nhân liệt sĩ (mẫu số 3-LS4) của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1 Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng Công ty 91 (gọi chung là cơ quan Trung ương), tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có người hy sinh có trách nhiệm:

    a) Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 1.1, 1.2 khoản 1 mục II phần I Thông tư này.

    b) Lập tờ trình (mẫu số 3-LS5) kèm theo danh sách trình Thủ tướng Chính phủ cấp “Bằng Tổ quốc ghi công”  gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

    c) Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương tiếp nhận, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển đến cơ quan Trung ương, cấp tỉnh có người hy sinh.

    d) Cơ quan có người hy sinh chuyển Bằng “Tổ quốc ghi công” kèm hồ sơ liệt sĩ đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi thân nhân liệt sĩ cư trú.

    2.2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

    a) Tiếp nhận hồ sơ liệt sĩ do các cơ quan chuyển đến.

    b) Ra Quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất; lập phiếu trợ cấp tiền tuất thân nhân liệt sĩ và lưu trữ hồ sơ theo qui định.

    c) Chuyển Bằng “Tổ quốc ghi công”, Quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Nội vụ-Lao động Xã hội (sau đây gọi chung là Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội) để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức báo tử và thực hiện chế độ ưu đãi.

    III. BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

    Hồ sơ thực hiện chế độ:

    Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội căn cứ quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ra quyết định trợ cấp hàng tháng (mẫu số 3a-AH) hoặc trợ cấp một lần (mẫu số 3b-AH).

    IV. ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRONG KHÁNG CHIẾN

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Bản sao quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng hoặc Bản sao Bằng Anh hùng.

    1.2. Quyết định trợ cấp hàng tháng (mẫu số 4a-AH) hoặc trợ cấp một lần (mẫu số 4b-AH) của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người có công hoặc thân nhân (trong trường hợp được truy tặng) lập bản khai (mẫu số 4c-AH) kèm bản sao quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng hoặc bản sao Bằng Anh hùng.

    2.2. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp ưu đãi.

    V. THƯƠNG BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH (gọi chung là thương binh)

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Giấy chứng nhận bị thương (mẫu số 5-TB1):

    a) Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương:

    - Người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp.

    - Người bị thương là công an nhân dân, công nhân viên công an cấp tỉnh do Giám đốc Công an cấp tỉnh cấp.

    - Người bị thương thuộc cơ quan Trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương cấp.

    - Người bị thương thuộc cơ quan cấp  tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.

    - Người bị thương thuộc cơ quan cấp huyện (kể cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn) hoặc thuộc cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

    - Người bị thương thuộc Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng Công ty 91 do Tổng giám đốc Tập đoàn, Tổng giám đốc Tổng Công ty 91 cấp.

    b) Căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương: giấy ra viện sau khi điều trị vết thương và một trong các giấy tờ sau:

    - Trường hợp bị thương quy định tại khoản 3, khoản 6 Điều 11 của Nghị định phải có Giấy xác nhận được giao đi làm nhiệm vụ quốc tế hoặc làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương cấp.

    - Trường hợp bị thương quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 11 của Nghị định phải có Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý người bị thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập. Trường hợp dũng cảm đấu tranh chống tội phạm thì kèm theo bản án hoặc kết luận của cơ quan điều tra (nếu án không xử).

    - Trường hợp bị thương quy định tại khoản 6, Điều 11 của Nghị định phải có Giấy xác nhận hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn do Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp người bị thương cấp:

    + Bộ đội biên phòng do Đồn trưởng biên phòng cấp.

    + Công an do Trưởng Công an cấp huyện cấp.

    + Quân nhân do Chỉ huy trưởng quân sự cấp huyện cấp.

    + Các trường hợp khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

    1.2. Biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định Y khoa:

    - Người bị thương đang phục vụ trong quân đội, công an nhân dân: theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (mẫu số 5-TB2a).

    - Người bị thương không phục vụ trong quân đội, công an nhân dân: Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh (mẫu số 5-TB2b).

    1.3. Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp:

    - Thương binh: theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (mẫu số 5-TB3a, mẫu số 5-TB3c).

    - Người hưởng chính sách như thương binh: Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp (mẫu số 5-TB3b, mẫu số 5-TB3d).

    1.4. Phiếu trợ cấp thương tật:

    - Thương binh: theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (mẫu số 5-TB4a).

    - Người hưởng chính sách như thương binh: Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp (mẫu số 5-TB4b).

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người bị thương đang phục vụ trong quân đội, công an nhân dân:

    a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, giới thiệu giám định thương tật.

    b) Hội đồng giám định y khoa căn cứ vào giấy chứng nhận bị thương để giám định, xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

    c) Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an căn cứ biên bản giám định thương tật để quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật, lập phiếu trợ cấp thương tật, cấp huy hiệu thương binh, giải quyết chế độ.

    2.2. Người bị thương không phục vụ trong quân đội, công an nhân dân:

    a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, chuyển hồ sơ đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi nguời bị thương cư trú chính thức.

    b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu giám định thương tật.

    c) Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh căn cứ vào giấy chứng nhận bị thương để giám định, xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

    d) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã hội căn cứ biên bản giám định thương tật ra quyết định công nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật, lập phiếu trợ cấp thương tật, thực hiện chế độ ưu đãi.

    VI. BỆNH BINH 

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Giấy chứng nhận bệnh tật (mẫu số 6-BB1):

    a) Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bệnh tật: do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp như quy định cấp giấy chứng nhận bị thương với quân nhân, công an nhân dân tại tiết a điểm 1.1 khoản 1 mục V phần I Thông tư này.

    b) Căn cứ cấp giấy chứng nhận bệnh tật: phải có giấy ra viện sau khi điều trị và một trong các giấy tờ sau:

    - Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định: Giấy xác nhận được giao đi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương cấp.

    - Trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 của Nghị định: Giấy xác nhận hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trước khi về nghỉ hưởng chế độ bệnh binh căn cứ vào hồ sơ, lý lịch và địa bàn hoạt động cấp.

    - Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định: Trích sao lý lịch quân nhân, công an nhân dân có ghi đầy đủ quá trình công tác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trước khi về nghỉ cấp.

    - Trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định: Giấy xác nhận được giao làm nhiệm vụ quốc tế do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc tương đương cấp.

    - Trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định: Biên bản xảy ra sự việc có xác nhận của cơ quan quân sự địa phương, công an và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc.

    - Trường hợp qui định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định thì trong hồ sơ phải có thêm các giấy tờ sau:

    + Đơn trình bày của thân nhân hoặc đề nghị của chính quyền địa phương về tình trạng bệnh tật kèm bản sao bệnh án điều trị hoặc giấy xác nhận của cơ quan y tế cấp xã.

    + Quyết định xuất ngũ.

    Trường hợp không còn quyết định xuất ngũ thì phải có giấy xác nhận của cơ quan quân sự cấp huyện hoặc công an cấp huyện nơi cư trú về quá trình phục vụ trong quân đội, công an.

    + Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận cấp xã thành phần gồm đại diện: Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (mẫu số 6-BB5).

    1.2. Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa quân đội hoặc công an (mẫu số 6-BB2)

    1.3. Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp bệnh binh (mẫu số 6-BB3); Phiếu lập trợ cấp bệnh binh (mẫu số 6-BB4) do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Trường hợp qui định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 17 Nghị định, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bệnh tật và giới thiệu giám định.

    2.2. Trường hợp qui định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định, Ban Chỉ huy quân sự, công an cấp huyện tiếp nhận và chuyển đến Bộ chỉ huy quân sự, công an cấp tỉnh kiểm tra, thống nhất với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận bệnh tật và giới thiệu giám định.

    2.3. Hội đồng giám định y khoa căn cứ vào giấy chứng nhận bệnh tật để giám định, xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

    2.4. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an căn cứ biên bản giám định bệnh tật quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp,  lập phiếu trợ cấp bệnh tật.

    2.5. Chuyển hồ sơ bệnh binh đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi bệnh binh cư trú chính thức để thực hiện chế độ ưu đãi.

    VII. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học (mẫu số 7-HH1) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

    Căn cứ để cấp giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm:

    a) Bản khai cá nhân (mẫu số 7-HH2)

    b) Một trong các giấy tờ: lý lịch; quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc các giấy chứng nhận khác.

    c) Giấy chứng nhận tình trạng vô sinh của Bệnh viện cấp tỉnh trở lên hoặc giấy xác nhận có con dị dạng, dị tật của Ủy ban nhân dân cấp xã.

    d) Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã (mẫu số 7-HH3) thành phần gồm đại diện: Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên.

    Biên bản đề nghị phải có chữ ký và đóng dấu của: Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

    1.2. Biên bản của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh xác định suy giảm khả năng lao động (mẫu số 7-HH6)

    1.3. Quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

    - Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (mẫu số 7-HH4a)

    - Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (mẫu số 7-HH4b).

    1.4. Phiếu trợ cấp (mẫu số 7-HH5a và mẫu số 7- HH5b) của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người hoạt động kháng chiến hoặc thân nhân làm bản khai cá nhân kèm một trong các giấy tờ qui định tại tiết b điểm 1.1 khoản 1 mục VII phần I Thông tư này chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã:

    a) Xác nhận các yếu tố trong bản khai cá nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học hoặc thân nhân:

    - Tình trạng sức khoẻ của người tham gia kháng chiến có con đẻ bị dị dạng, dị tật trên cơ sở ý kiến của y tế cấp xã.

    - Tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến trên cơ sở ý kiến của y tế cấp xã.

    - Trường hợp không có vợ (chồng) hoặc có con trước khi tham gia kháng chiến sau khi về địa phương không sinh con được và bị suy giảm khả năng lao động.

     - Trường hợp có vợ (chồng) nhưng vô sinh trên cơ sở Giấy chứng nhận tình trạng vô sinh của bệnh viện y tế cấp tỉnh.

    b) Họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét từng trường hợp và lập danh sách đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

     c) Chuyển các giấy tờ trên kèm danh sách đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đến Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học kể cả đối với quân nhân, công an nhân dân đang tại ngũ.

     2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội:

    Kiểm tra, lập danh sách những người đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chuyển danh sách kèm các giấy tờ về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

    a) Giới thiệu giám định tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

    b) Quyết định trợ cấp và lập phiếu trợ cấp.

    VIII.  NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG, HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ ĐỊCH BẮT TÙ ĐÀY

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Bản khai cá nhân (mẫu số 8-TĐ1).

    1.2. Bản sao một trong các giấy tờ: Lý lịch cán bộ; lý lịch Đảng viên; hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội hoặc giấy tờ hợp lệ khác có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù.

    1.3. Quyết định trợ cấp một lần (mẫu số 8-TĐ2) của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người bị địch bắt tù đày làm bản khai kèm một trong những giấy tờ sau:

    Bản sao một trong các giấy tờ: Lý lịch cán bộ; lý lịch Đảng viên; hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội hoặc giấy tờ hợp lệ khác có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ các giấy tờ qui định tại điểm 1.2 khoản 1 mục VIII phần I Thông tư này để xác nhận vào bản khai của từng người, chuyển danh sách người đủ điều kiện kèm các giấy tờ trên về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, lập danh sách kèm hồ sơ chuyển Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội căn cứ hồ sơ quyết định trợ cấp một lần.

    IX. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Bản khai cá nhân (mẫu số 9-KC1).

    1.2. Bản sao Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng hoặc Chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan Thi đua- Khen thưởng cấp huyện.

    1.3. Quyết định trợ cấp một lần của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (mẫu số 9-KC2).

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người hoạt động kháng chiến làm bản khai kèm Bản sao Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng hoặc Chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ các giấy tờ trên để xác nhận vào bản khai của từng người, lập danh sách kèm bản sao các giấy tờ chuyển Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, lập danh sách kèm bản sao các giấy tờ gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, quyết định trợ cấp một lần.

    X.  NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Bản khai cá nhân (mẫu số 10-CC1).

    1.2. Bản sao giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” hoặc Huân chương, Huy chương kháng chiến.

    Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng có tên trong hồ sơ khen thưởng nhưng không có tên trong Bằng “Có công với nước”, Huân chương, Huy chương kháng chiến của gia đình thì kèm theo giấy xác nhận của cơ quan Thi đua-Khen thưởng cấp huyện.

    1.3. Quyết định trợ cấp hàng tháng (mẫu số 10-CC2) hoặc quyết định trợ cấp một lần (mẫu số 10-CC3) của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người có công giúp đỡ cách mạng làm bản khai kèm bản sao giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” hoặc Huân chương, Huy chương kháng chiến. Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng có tên trong hồ sơ khen thưởng nhưng không có tên trong Bằng “Có công với nước”,  Huân chương, Huy chương kháng chiến của gia đình thì kèm theo giấy xác nhận của cơ quan Thi đua- Khen thưởng cấp huyện.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ các giấy tờ quy định tại điểm 1.2 khoản 1 mục X phần I Thông tư này để xác nhận vào bản khai của từng người, lập danh sách kèm bản sao các giấy tờ gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, lập danh sách kèm bản sao các giấy tờ chuyển Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, quyết định trợ cấp.

    XI. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG, HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ ĐỊCH BẮT TÙ ĐÀY VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CHẾT TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1995

    1. Hồ sơ gồm:

    1.1. Bản khai của thân nhân hoặc đại diện người thừa kế theo pháp luật  (mẫu số 11).

    1.2. Bản sao một trong những giấy tờ sau:

    - Kỷ niệm chương người bị địch bắt tù đày.

    - Huân chương, Huy chương Kháng chiến; Huân chương, Huy chương Chiến thắng; giấy chứng nhận khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.

    - Bằng “Tổ quốc ghi công” hoặc giấy báo tử hoặc giấy chứng nhận hy sinh đối với liệt sĩ hy sinh từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước.

    1.3. Quyết định trợ cấp một lần của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (mẫu số 11-QĐ).

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Thân nhân hoặc đại diện người thừa kế theo pháp luật nộp các giấy tờ quy định tại điểm 1.1, 1.2  khoản 1 mục XI phần I Thông tư này cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Thân nhân có trách nhiệm cung cấp bản chính những giấy tờ trên để Ủy ban nhân dân cấp xã đối chiếu.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, đối chiếu bản chính, xác nhận vào bản khai của từng người, lập danh sách kèm giấy tờ gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận, kiểm tra, lập danh sách những hồ sơ hợp lệ chuyển Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

    - Kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với danh sách của cấp huyện đã nộp để tránh trùng lặp đối với trường hợp được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

    - Đối với liệt sĩ hy sinh từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước thì đối chiếu hồ sơ gốc đang lưu giữ tại Sở, kiểm tra những hồ sơ di chuyển đến, liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi nguyên quán để tránh việc giải quyết trùng lặp.

     - Quyết định trợ cấp một lần.

    XII. HỒ SƠ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TỪ TRẦN

    1. Hồ sơ:

    1.1. Hồ sơ tuất từ trần:

    a) Hồ sơ của người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng: người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; thương binh (kể cả thương binh loại B), bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

    b) Giấy khai tử do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp.

    c) Bản khai của thân nhân người có công với cách mạng từ trần có chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (mẫu số 12-TT1).

    d) Quyết định trợ cấp (mẫu số 12-TT2) của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

    1.2 Hồ sơ hưởng mai táng phí và trợ cấp một lần:

    a) Hồ sơ người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng: thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong kháng chiến; thương binh (kể cả thương binh loại B), bệnh binh suy giảm khả năng lao động dưới 61%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ đang hưởng trợ cấp; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Bằng “Có công với nước”, Huân chương kháng chiến.

    b) Các giấy tờ quy định tại tiết b, c, d điểm 1.1 khoản 1, mục XII, phần I Thông tư này.

    1.3. Hồ sơ hưởng mai táng phí:

    a) Hồ sơ người có công với cách mạng hưởng trợ cấp một lần gồm: người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến, Huân chương, Huy chương chiến thắng; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến.

    b) Các giấy tờ quy định tại tiết b, c, d điểm 1.1 khoản 1, mục XII, phần I Thông tư này.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Thân nhân lập bản khai người có công với cách mạng từ trần kèm giấy khai tử.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào bản khai của từng người; chuyển bản khai kèm giấy khai tử về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội lập danh sách kèm giấy tờ chuyển Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội:

    a) Ghép hồ sơ người có công đang quản lý với bản khai, giấy khai tử để hoàn chỉnh hồ sơ tuất.

    b) Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định trợ cấp.

    XIII. HỒ SƠ HƯỞNG BẢO HIỂM Y TẾ

    1. Hồ sơ gồm:

    - Bản khai cá nhân (mẫu số 13) có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

    - Hồ sơ người có công với cách mạng.

    2. Trách nhiệm lập hồ sơ:

    2.1. Người có công với cách mạng lập bản khai cá nhân.

    2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã:

    a) Kiểm tra và xác nhận vào bản khai của người có công với cách mạng.

    b) Lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương và chuyển về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

    2.3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội:

    a) Kiểm tra đối tượng thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

    - Mỗi người được cấp một thẻ bảo hiểm y tế.

    - Người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì không thuộc diện cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Thông tư này.

    b) Lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế chuyển Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

    2.4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

    a) Kiểm tra hồ sơ người có công với cách mạng đang quản lý.

    b) Lập danh sách người được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

    c) Đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế.

    d) Chuyển Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp theo danh sách.

     

    Phần II. QUẢN LÝ HỒ SƠ  NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

     

    I. QUY ĐỊNH VỀ KÝ HIỆU HỒ SƠ

    Ký hiệu hồ sơ ghi ở góc trên bên phải, viết bằng chữ in hoa. Ký hiệu địa phương ghi trước, gạch chéo rồi ghi tiếp ký hiệu từng loại hồ sơ đối tượng, tiếp đến số quản lý của địa phương và ký hiệu thời kỳ (phụ lục số 1,2 kèm theo).

    II. QUẢN LÝ HỒ SƠ

    - Theo phân cấp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và uỷ quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, xác nhận, kiểm tra, cho số quản lý, đăng ký quản lý hồ sơ, lưu trữ, bảo quản hồ sơ theo quy định.

    - Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm quản lý hồ sơ người có công với cách mạng đang phục vụ trong quân đội, công an.

    - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lưu trữ quyết định trợ cấp và phiếu trợ cấp của người có công với cách mạng do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển đến.

    III. THỦ TỤC DI CHUYỂN VÀ TIẾP NHẬN HỒ SƠ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

    1. Hồ sơ người có công với cách mạng đang quản lý tại địa phương:

    Hồ sơ của người có công với cách mạng được quản lý ở địa phương tại nơi có hộ khẩu thường trú. Trường hợp thay đổi chỗ ở thì hồ sơ được chuyển về nơi cư trú mới theo quy định như sau:

    1.1. Nơi đi:

    - Giấy đề nghị di chuyển hồ sơ của người có công với cách mạng.

    - Bản sao hộ khẩu nơi cư trú mới.

    - Phiếu di chuyển của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kèm theo toàn bộ hồ sơ (bản gốc) của người có công với cách mạng. Hồ sơ được niêm phong và giao cho người có công (có ký nhận bàn giao hồ sơ). Mọi vướng mắc về chế độ và hồ sơ phải được giải quyết trước khi di chuyển. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký phiếu di chuyển người có công phải nộp hồ sơ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi đến.

    1.2. Nơi đến:

    Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi theo quy định.

    2. Hồ sơ người có công với cách mạng do quân đội, công an chuyển đến:

    - Cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy giới thiệu di chuyển kèm 01 bộ hồ sơ bản gốc (trong đó có 02 quyết định trợ cấp, 02 phiếu trợ cấp) niêm phong giao cho người có công với cách mạng hoặc đơn vị trực tiếp bàn giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người có công với cách mạng có hộ khẩu thường trú (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký giấy giới thiệu di chuyển) để được tiếp nhận, đăng ký quản lý và thực hiện tiếp chế độ ưu đãi theo quy định.

    Riêng đối với thương binh trong quân đội, công an được xác nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1994 khi xuất ngũ mà hồ sơ không đủ theo quy định (do thất lạc) thì hồ sơ gồm:

    + 02 bản trích lục hồ sơ thương tật của thương binh (theo sổ hoặc danh sách hiện đang quản lý) do Thủ trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc phòng (đối với quân nhân) hoặc Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Công an (đối với công an nhân dân) ký tên và đóng dấu (mẫu số 5-TB5) thay cho hồ sơ thương binh.

    + 01 giấy chứng nhận thương binh do quân đội, công an cấp cho cá nhân giữ (xuất trình khi nộp hồ sơ cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi chuyển đến).

    + 01 giấy giới thiệu di chuyển hồ sơ có xác nhận cụ thể mức trợ cấp và thời gian thôi hưởng trợ cấp ở quân đội (mẫu số 5-TB6)

    Bộ Quốc phòng (Cục Chính sách), Bộ Công an (Vụ Tổ chức Cán bộ) lập danh sách những thương binh đang tại ngũ mà hồ sơ bị thất lạc hiện chỉ lưu trong sổ trích ngang gửi đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Cục Thương binh Liệt sĩ và Người có công) để theo dõi, phối hợp thực hiện.

    - Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sau khi tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách kèm 01 quyết định, 01 phiếu trợ cấp của từng người chuyển về Cục Thương binh Liệt sĩ và Người có công thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để lưu theo dõi.

    - Mọi vướng mắc về chế độ và hồ sơ được cơ quan chính sách của quân đội, công an xem xét giải quyết trước khi di chuyển.

     

    Phần III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    1. Các giấy tờ trong hồ sơ xác nhận người có công phải được xác lập theo đúng thủ tục và thẩm quyền quy định tại Thông tư này.

    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

    - Chỉ đạo việc lập hồ sơ xác nhận người có công trên địa bàn và việc tiếp nhận kiểm tra hồ sơ của các cơ quan đơn vị chuyển đến; lập thủ tục giải quyết chế độ, quản lý, lưu trữ hồ sơ và kiểm tra việc thực hiện chính sách chế độ đối với người có công trên địa bàn.

    - Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành phổ biến quy trình thủ tục hồ sơ theo hướng dẫn tại Thông tư này đến cán bộ và nhân dân biết để giám sát và thực hiện.

    3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

    Thông tư này thay thế Thông tư 22/LĐTBXH-TT ngày 29 tháng 8 năm 1995 và Thông tư số 25/LĐTBXH ngày 28 tháng 9 năm 1995 và những quy định về thủ tục hồ sơ quy định tại Thông tư Liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998.

    4. Hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân của họ đã được xác lập trước ngày Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì không phải lập lại hồ sơ theo quy định tại Thông tư này.

    Riêng đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học đã được xác nhận theo Quyết định số 120/2004/TTg-QĐ ngày 05 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ đang hưởng chế độ thì Sở Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, hướng dẫn, bổ sung hồ sơ theo quy định tại Thông tư này.

    Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc các địa phương phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để hướng dẫn giải quyết./.

     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
    - Toà án Nhân dân tối cao;
    - Văn phòng Trung ương Đảng;
    - Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
    - Các Tổng công ty nhà nước;
    - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước;
    - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
    - Công báo;
    - Bộ LĐTBXH: BT, các TT, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
    - Lưu VT

    BỘ TRƯỞNG




    Nguyễn Thị Hằng

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
    Ban hành: 29/06/2005 Hiệu lực: 01/10/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
    Ban hành: 26/05/2006 Hiệu lực: 20/06/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Thông tư 22/LĐTBXH-TT của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng
    Ban hành: 29/08/1995 Hiệu lực: 29/08/1995 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    04
    Thông tư 25/LĐTBXH-TT của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm về thủ tục thành lập và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng
    Ban hành: 28/09/1995 Hiệu lực: 28/09/1995 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    05
    Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân
    Ban hành: 15/05/2013 Hiệu lực: 01/07/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản thay thế
    06
    Thông tư 02/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
    Ban hành: 16/01/2007 Hiệu lực: 07/02/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    07
    Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung Mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
    Ban hành: 07/04/2009 Hiệu lực: 22/05/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    08
    Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ
    Ban hành: 20/11/2006 Hiệu lực: 20/12/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Thông tư liên tịch 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC của Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố
    Ban hành: 01/03/2007 Hiệu lực: 25/04/2007 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Thông tư liên tịch 30/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở bí mật của lực lượng Hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới
    Ban hành: 05/04/2007 Hiệu lực: 24/05/2007 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 09/12/2010 Hiệu lực: 09/12/2010 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Thông tư Liên tịch 05/2011/TTLT-UBDT-BTC của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
    Ban hành: 16/12/2011 Hiệu lực: 30/01/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    13
    Công văn 600/NCC-LTHS của Cục Người có công về việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
    Ban hành: 21/06/2012 Hiệu lực: 21/06/2012 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    14
    Công văn 1186/NCC-CS2 của Cục Người có công về việc hướng dẫn giải quyết hồ sơ người có công
    Ban hành: 30/10/2012 Hiệu lực: 30/10/2012 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    15
    Quyết định 647/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 05/06/2014 Hiệu lực: 05/06/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    16
    Thông tư 29/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/08/1945
    Ban hành: 04/09/2009 Hiệu lực: 19/10/2009 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
    17
    Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10/06/2015
    Ban hành: 30/09/2015 Hiệu lực: 30/09/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần (02)
    Văn bản sửa đổi, bổ sung (02)
    Văn bản thay thế (01)
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Số hiệu:07/2006/TT-BLĐTBXH
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:26/07/2006
    Hiệu lực:15/09/2006
    Lĩnh vực:Chính sách, Chính sách
    Ngày công báo:31/08/2006
    Số công báo:69&70 - 8/2006
    Người ký:Nguyễn Thị Hằng
    Ngày hết hiệu lực:01/07/2013
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu (8)
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X