hieuluat

Quyết định 6300/QĐ-BCT Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Công ThươngSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:6300/QĐ-BCTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Vũ Huy Hoàng
    Ngày ban hành:15/07/2014Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:15/07/2014Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Chính sách, Thương mại-Quảng cáo

    Tóm tắt văn bản

    Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô sang Campuchia
    Nhằm đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ, làm động lực phát triển kinh tế của các địa phương; sao cho tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 15 - 16%/năm và tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt khoảng 20 - 21%..., ngày 15/07/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6300/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
    Theo đó, trên cơ sở tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; khai thác tối đa các khả năng tiếp cận với thị trường Campuchia, kết hợp với hạn chế xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là chế biến từ nông sản..., Bộ trưởng đã yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; đồng thời sớm hoàn thiện hành lang pháp lý giữa 02 nước, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới giữa 02 nước được trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại.
    Về lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải tăng cường công tác điều phối nhằm đảm bảo tuân thủ phân bố không gian phát triển công nghiệp, thương mại trên toàn tuyến để phát huy được lợi thế của từng địa phương, tránh đầu tư chồng chéo, khép kín gây lãng phí; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, miền núi thông qua hoạt động khuyến công kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường, lớp; cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả và các thay đổi trong chính sách biên mậu. Đặc biệt, phải hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo sản phẩm xuất khẩu và tham gia các hội chợ thương mại biên giới nhằm tìm được những yêu cầu mới, mặt hàng và bạn hàng mới...
    Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  • BỘ CÔNG THƯƠNG
    -------
    Số: 6300/QĐ-BCT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2014
     
    QUYẾT ĐỊNH
    THƯƠNG MẠI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT NAM - CAMPUCHIA ĐẾN NĂM 2020,
    TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
    -------------------------------
    BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
     
     
    Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
    Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
    Theo đề nghị của Vụ trưởng Kế hoạch,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
    a) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế về thương mại biên giới, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu dùng, tập trung phát triển nhanh, bền vững các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh các địa phương trên tuyến biên giới.
    b) Phát triển công nghiệp, thương mại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia trên cơ sở phát huy hữu nghị láng giềng, hợp tác cùng phát triển, đảm bảo ổn định lâu dài.
    c) Phát triển công nghiệp, thương mại gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
    2.1. Mục tiêu tổng quát
    Phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ, làm động lực phát triển kinh tế của các địa phương với cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng hợp lý, phát huy cao độ các lợi thế về tài nguyên và thương mại.
    2.2. Mục tiêu cụ thể
    a) Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2020 về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 15% - 16%/năm, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,5% - 15,5%/năm.
    b) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 20% - 21%/năm; trong đó giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 19% - 20%. Tốc độ tăng trưởng bình quân xuất nhập khẩu biên mậu đạt khoảng 19,5% - 20,5%/năm.
    3.1 Ngành công nghiệp
    a) Tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu như: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Đồng thời tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nhằm tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội và phục vụ du lịch.
    b) Tăng cường mối liên kết giữa các địa phương trên tuyến, các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để phát triển một số dự án quy mô lớn, kết hợp với kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô nguyên liệu, nâng cao giá trị tăng thêm và gắn sản xuất công nghiệp với sản xuất nguyên liệu.
    c) Phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
    3.2. Ngành thương mại
    a) Định hướng phát triển hoạt động thương mại biên giới
    - Khai thác tối đa các khả năng tiếp cận với thị trường Campuchia, kết hợp với hạn chế xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là chế biến từ nông sản.
    - Xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ hỗ trợ nhằm thuận lợi hóa các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, trong đó tập trung vào các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu.
    b) Định hướng phát triển thị trường hàng tiêu dùng
    - Đối với khu vực các xã giáp biên giới, phát triển thị trường gắn với trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai nước thông qua các cặp chợ biên giới. Tại các khu dân cư phát triển thị trường hàng tiêu dùng thông qua các chợ hạng III phục vụ cho mua bán hàng hóa, nông sản.
    - Đối với xã khu vực nông thôn không giáp biên giới, lưu thông hàng hóa qua các chợ và các cửa hàng bán lẻ và từng bước hình thành mạng lưới phân phối trong khu vực. Tăng cường liên kết một số cửa hàng bán lẻ độc lập và thu hút các hộ kinh doanh cá thể vào kênh phân phối, cung ứng, hướng tới xây dựng các kho hàng, các trung tâm phân phối.
    - Đối với khu vực đô thị, từng bước hoàn thiện mạng lưới phân phối trên cơ sở cân đối, hợp lý giữa các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp và các chợ bán buôn, bán lẻ; xây dựng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị để hình thành thành không gian thương mại chính của các đô thị và là hạt nhân để hình thành một trục thương mại kết nối các khu vực lân cận; tiếp tục phát triển các hình thức bán lẻ mới, đồng thời từng bước liên kết các cửa hàng, quầy hàng, tiệm tạp hóa vào kênh phân phối nhằm đảm bảo cung ứng hàng rẻ, chất lượng tốt và thuận tiện.
    4.1. Các ngành công nghiệp
    4.1.1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    Tập trung khai thác và đầu tư mở rộng, nâng cấp công nghệ khai thác một số khoáng sản có trữ lượng lớn như cao lanh, đá vôi xi măng, đá xây dựng. Đồng thời tiếp tục triển khai các dự án chế biến sâu một số loại khoáng sản như cao lanh, đá vôi xi măng.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    - Tiếp tục đầu tư cho công tác thăm dò nâng cấp và mở rộng trữ lượng nhằm đảm bảo tài nguyên đủ tin cậy cho hoạt động của các dự án khai thác các loại khoáng sản.
    - Từng bước đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hàm lượng chế biến sâu, giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm chế biến và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến các loại khoáng sản.
    4.1.2. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    Đầu tư mới và nâng công suất một số dự án chế biến gạo, gỗ, cao su, hồ tiêu, hạt điều và cà phê. Đồng thời phát triển mạnh chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    - Tập trung vào chế biến tinh các sản phẩm nông, lâm nghiệp, đồng thời tăng cường xây dựng hình ảnh, thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho. các sản phẩm.
    - Tiếp tục lộ trình chuyển giao công nghệ nhằm tăng giá trị tăng thêm và tạo ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp và hợp thị hiếu tiêu dùng.
    4.1.3.Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    - Đầu tư mới các cơ sở sản xuất vật liệu nung lò tuy nen và từng bước chuyển đổi các lò thủ công sang lò tuy nen, kết hợp với đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu không nung nhằm dần thay thế cho vật liệu nung.
    - Sắp xếp lại các cơ sở nghiền cuội, nghiền cát sỏi, đồng thời đầu tư mới và nâng công suất một số cơ sở sản xuất đá xây dựng, gạch ceramic, sản xuất bê tông nhẹ, bê tông đúc sẵn.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    - Tiếp tục khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm phát triển hài hoà, bền vững và đáp ứng đủ cho nhu cầu về vật liệu xây dựng trong khu vực.
    - Phát triển nhanh vật liệu không nung để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lò thủ công. Đồng thời chú trọng sản xuất ngói không nung với màu sắc đa dạng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
    4.1.4. Công nghiệp cơ khí
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    Đầu tư một số dự án sản xuất phương tiện vận tải đường thủy; sản xuất máy móc phục vụ sản xuất và chế biến nông, lâm sản. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và phát triển các cơ sở dịch vụ sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ nhu cầu tại chỗ.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    - Từng bước đổi mới công nghệ và đầu tư mở rộng dự án sản xuất phương tiện vận tải đường thủy tại thành phố Châu Đốc, thị xã Hồng Ngự, thị xã Tân Châu và huyện Giang Thành.
    - Phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các dụng cụ cầm tay và các dịch vụ sửa chữa thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải, thiết bị mỏ, máy công trình bám theo các trục đường giao thông lớn và các công trình trọng điểm quốc gia.
    4.1.5. Công nghiệp dệt may, da giầy
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    - Đầu tư một số dự án quy mô vừa trong lĩnh vực may và một số dự án sản xuất giầy kết hợp với phát triển và khôi phục một số làng nghề phục vụ tiêu dùng và tạo ra các sản phẩm du lịch mới.
    - Phát triển các cơ sở may quy mô nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong khu vực.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    Xem xét kêu gọi đầu tư một số dự án may và tập trung duy trì sản xuất; từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
    4.1.6. Công nghiệp hóa chất
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    Triển khai một số dự án sản xuất cao su thành phẩm, phân vi sinh, chất tẩy rửa, nhiên liệu sinh học. Đồng thời phát triển một số dự án sản xuất liên quan đến chiết xuất dược liệu dựa trên nguồn nguyên liệu của các huyện giáp biên giới khu vực Tây Nguyên.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư vào một số sản phẩm chế biến cao su thành phẩm, hóa dược và nhựa công nghiệp.
    4.1.7. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    - Phát triển đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện, hoàn thành xây dựng các trạm biến áp, đường dây trung áp, đường dây hạ áp tại các huyện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch phát triển điện lực của từng địa phương nhằm cung cấp điện đảm bảo chất lượng, liên tục, an toàn, hiệu quả; ưu tiên cấp điện cho các phụ tải công nghiệp, đảm bảo an ninh quốc phòng.
    - Đối với các dự án thủy điện, triển khai thực hiện theo danh mục tại văn bản số 3567/BCT-TCNL ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Bộ Công Thương về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên cả nước.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    - Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ các hệ thống nguồn điện, lưới điện, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, địa phương; đồng bộ hóa hệ thống truyền tải và phân phối tương ứng với các nguồn điện và theo yêu cầu phụ tải.
    - Nghiên cứu đầu tư thăm dò, phát triển điện gió, điện mặt trời.
    4.1.8. Tiểu thủ công nghiệp - làng nghề
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    Tăng cường đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung vào các nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu của địa phương trong chế biến các sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản và một số ngành nghề như mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    Ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng mặt hàng đặc sản từ các làng nghề, làng nghề truyền thống trong khu vực, kết hợp với hỗ trợ phát triển nghề và đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
    4.2. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại
    4.2.1. Hệ thống chợ
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    - Xây dựng mới và nâng cấp mở rộng mạng lưới chợ biên giới, chợ cửa khẩu theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020 (Quyết định số 6077/QĐ-BCT ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
    - Xây dựng mới và nâng cấp chợ đầu mối, hạng II, hạng III tại các thị trấn huyện, tại các xã phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư trên địa bàn, đồng thời là nơi trao đổi, mua bán hàng nông sản thực phẩm.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    Hoàn thành việc xây mới và nâng cấp hệ thống chợ, phấn đấu hệ thống chợ trung tâm huyện biên giới trở thành hạt nhân không gian thương mại tập trung, kết hợp bán buôn bán lẻ tổng hợp và đầu mối thu gom phát luồng hàng hóa trong và ngoài huyện.
    4.2.2. Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    - Phát triển khu thương mại dịch vụ tại một số khu kinh tế cửa khẩu thuộc danh mục được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư từ nguồn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2013 - 2020 tại Tây Ninh và An Giang.
    - Phát triển hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị quy mô nhỏ (hạng III) tại các thị trấn, trung tâm huyện và các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, phục vụ tiêu dùng của cư dân tại chỗ và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; phát triển một số trung tâm thương mại, siêu thị quy mô vừa (hạng II) tại các cửa khẩu quốc tế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của khách vãng lai, thương nhân và nhà đầu tư.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    Tiếp tục phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt chú trọng phát triển các dự án trong các khu kinh tế cửa khẩu.
    4.2.3. Trung tâm trung chuyển và kho vận
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    Tập trung đầu tư có trọng điểm các trung tâm trung chuyển và kho vận phục vụ xuất, nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa tại các khu kinh tế cửa khẩu.
    b) Tầm nhìn đến năm 2030
    Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận theo mô hình trung tâm logistics nhằm phát huy lợi thế về thương mại xuất nhập khẩu khu vực biên giới.
    5.1. Giải pháp ngắn hạn
    a) Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
    b) Tăng cường hợp tác trong hoạt động thương mại với Campuchia, đặc biệt cần sớm hoàn thiện hành lang pháp giữa hai nước, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới giữa hai nước được trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu vực chợ biên giới kết hợp với đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại đặc biệt là hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận.
    c) Khẩn trương phối hợp với nước bạn xây dựng các cặp chợ đường biên phục vụ trao đổi hàng hóa và nhu cầu thiết yếu của người dân trong khu vực giáp biên.
    5.2. Giải pháp dài hạn
    a) Tăng cường công tác điều phối nhằm đảm bảo tuân thủ phân bố không gian phát triển công nghiệp, thương mại trên toàn tuyến để phát huy được lợi thế của từng địa phương, tránh đầu tư chồng chéo, khép kín gây lãng phí.
    b) Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những lĩnh vực công nghiệp chủ lực và công nghiệp ưu tiên.
    c) Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, miền núi thông qua hoạt động khuyến công kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường, lớp nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của phát triển công nghiệp - thương mại.
    d) Tiếp tục nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp và tạo môi trường bình đẳng nhằm thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại tại các khu, cụm công nghiệp và các khu kinh tế cửa khẩu.
    đ) Liên kết giữa các địa phương thành lập đội chống hàng lậu và cho phép đội chống hàng lậu có thể kiểm tra, kiểm soát trên địa phận giáp ranh nhằm hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới.
    e) Thực hiện triệt để cải cách hành chính trong hoạt động thương mại biên giới, đơn giản hóa các thủ tục quản lý xuất nhập khẩu, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết; tổ chức hoạt động của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, quy định thủ tục hành chính thống nhất tại cửa khẩu.
    g) Cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả, các thay đổi trong chính sách biên mậu, Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị và quảng cáo sản phẩm xuất khẩu và tham gia các hội chợ thương mại biên giới nhằm tìm được những yêu cầu mới những mặt hàng mới và bạn hàng mới.
    a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.
    b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch.
    c) Ủy ban nhân dân các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia
    - Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư. Khẩn trương triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
    - Xem xét, rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
    - Phối hợp xây dựng chương trình chung về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hòa giữa các địa phương trên tuyến.
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
    Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - UBND các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia; An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Đắc Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh;
    - Lãnh đạo Bộ;
    - Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ;
    - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp;
    - Viện Nghiên cứu Thương mại;
    - Website Bộ Công Thương;
    - Lưu: VT, KH (2b).
    BỘ TRƯỞNG




    Vũ Huy Hoàng
     
    DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU
    (Kèm theo Quyết định số 6300/QĐ-BCT ngày 15 tháng 07 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
     

    1
    Khai thác than bùn để chế biến phân bón
    Bến Cầu, Trảng Bàng, Tịnh Biên, Tri Tôn, Giang Thành.
    2
    Khai dự án khai thác vàng sa khoáng
    Ngọc Hồi
    3
    Nâng cấp và hiện đại hóa công nghệ khai thác quặng sắt
    Mỏ st Mô Rai (Sa Thy).
    4
    Thăm dò, hoàn thành trước năm 2015 các mỏ quặng bauxit quy mô lớn
    Đắk Song, Tuy Đức
    5
    Thăm dò, khai thác các quặng felspat, kao lin, quarzit, đá vôi xi măng, laterit xi măng, nguyên liệu khoáng puzolan
    Tịnh Biên, Tân Châu, Sa Thầy, Lộc Ninh

    1
    Đóng mới và sửa chữa phương tiện đường thủy
    Thị xã Hồng Ngự, thị xã Tân Châu, An Phú, thành phố Châu Đốc, Giang Thành
    2
    Sản xuất dụng cụ, thiết bị chế biến nông - lâm sản
    Các khu, cụm công nghiệp thuộc các huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Mộc Hóa, thị xã Hồng Ngự thị xã Tân Châu, An Phú, thị xã Hà Tiên
    3
    Lắp ráp xe nông dụng đa chức năng và các loại xe phục vụ cho thu hoạch cây công nghiệp
    Các huyện giáp biên
    4
    Sản xuất nhôm định hình
    Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Long An
    5
    Cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, kết hợp với sản xuất các thiết bị cầm tay
    Các huyện giáp biên

    1
    Sản xuất gạch, ngói
    Sa Thầy, Cơ Jút, Lộc Ninh, Đức Cơ, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Tân Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng, Đức Huệ, Tân Hồng, Tân Hưng, Giang Thành
    2
    Khai thác đá xây dựng, cát, sỏi
    Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đức Cơ, Đăk Mil, Tuy Đức, Bù Đốp, Tràng Bảng, Đức Huệ, Tân Hồng, Tân Châu, An Phú, Thị xã Hà Tiên, Tịnh Biên, Tri Tôn
    3
    Khai thác đá Điatomit, Granit, Andezit
    Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ea Súp, Đắk Mil, Đăk Song
    4
    Sản xuất vật liệu ván tre, ván ép, gạch tự chèn, gạch terrazzo và đá ốp lát.
    Ngọc Hồi, Đức Cơ, Đăk Mil, Tuy Đức, Bù Đốp, Trảng Bàng, Đức Huệ, Tân Hồng, Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và huyện, thị xã khu vực tuyến biên giới có nguồn nguyên liệu

    1
    Chế biến mủ cao su
    Ngọc Hồi, Sa Thầy, la Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Ea Súp, Cư Jút, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Tân Châu, Tân Biên
    2
    Sản xuất, chế biến tinh bột sắn, bột gạo, tinh bột ngô, khoai lang Nhật
    Sa Thầy, Ea Súp, Tuy Đức và các huyện giáp biên thuộc Đồng Tháp, Tây Ninh
    3
    Sản xuất giấy đế
    la Grai, Đức Cơ, Ea Súp, Buôn Đôn, Cơ Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức
    4
    Sản xuất thức ăn chăn nuôi
    Sa Thầy, Ea Súp, Cư Jút, Đức Cơ, Bù Đốp, Tân Biên, thị xã Hồng Ngự, An Phú, Tri Tôn, thị xã Hà Tiên
    5
    Chế biến sản phẩm Sâm Ngọc Linh
    Ngọc Hồi, Sa Thầy
    6
    Chế biến hạt tiêu, hạt điều xuất khẩu
    Ngọc Hồi, la Grai, Đức Cơ, Buôn Đôn, Đắk Song, Bù Gia Mập
    7
    Chế biến gạo
    Thị xã Hồng Ngự, Hồng Ngự, thị xã Tân Châu, Tri Tôn, Giang Thành
    8
    Chế biến thủy sản
    Thị xã Hồng Ngự, Hồng Ngự, thành phố Châu Đốc, Tri Tôn, Giang Thành, thị xã Hà Tiên
    9
    Chế biến gỗ, ván nhân tạo sản xuất sản phẩm gỗ từ nguyên liệu cây cao su
    Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư Jút
    10
    Chế biến cà phê, dầu thực vật và sữa đậu nành
    Ngọc Hồi, Sa Thầy, la Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Ea Súp, Cơ Jút, Đắk Mil, Buôn Đôn, Tuy Đức Bù, Gia Mập, Tân Hưng

    1
    Sản xuất cao su kỹ thuật, săm lốp
    Trảng Bàng
    2
    Đầu tư các nhà máy xử lý rác
    Thị xã Hồng Ngự, thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, thị xã Hà Tiên
    3
    Sản xuất phân vi sinh
    Ngọc Hồi, la Grai, Buôn Đôn, Đắc Mil, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Tân Châu, thị xã Hà Tiên
    4
    Sản xuất các sản phẩm nhựa, bao bì PP,...
    Tân Châu, Tịnh Biên hoặc An Phú
    5
    Chế biến cao su thành phẩm
    Sa Thầy, Ngọc Hồi, Cư Jút, Lộc Ninh, Tân Biên
    6
    Sản xuất cồn nhiên liệu (Ethanol)
    Ngọc Hồi, Tân Biên, Tân Châu, Tuy Đức

    1
    Sản xuất quần áo
    Ngọc Hồi, Tân Châu, Bến Cầu, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Hồng Ngự, An Phú, thị xã Hà Tiên
    2
    Sản xuất giầy xuất khẩu, phụ liệu ngành da giầy
    Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Hoa Lư, Dinh Bà, Xuân Tô
    3
    Thêu thổ cẩm, dệt thủ công truyền thống và may trang phục
    Các địa phương có làng nghề

    1
    Đồng bộ hóa hệ thống lưới điện giữa nguồn và phụ tải
    Các huyện giáp biên giới
    2
    Thủy điện nhỏ
    Các dự án thuộc các huyện giáp biên thuộc Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông thực hiện theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 3567/BCT-TCNL ngày 24/4/2013 của Bộ Công Thương

    A
    Hệ thống chợ
    1
    Chợ Biên giới
    Thực hiện triển khai theo Quyết định số 6077/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 15 tháng 10 năm 2012
    2
    Chợ đầu mối
    Xây mới: Ngọc Hồi 2 chợ
    Nâng cấp: Cư Jút 1 chợ, Đắk Mil 1 chợ
    3
    Chợ hạng II
    Ngọc Hồi 2 chợ, Sa Thầy 1 chợ, la Grai 1 chợ, Đức Cơ 2 chợ, Chư Prông 1 chợ, Đắk Mil 1 chợ, Đắk Song 1 chợ, Tuy Đức 1 chợ 1
    4
    Chợ hạng III
    - Xây mới: Ngọc Hồi 11 chợ, Sa Thầy 7 chợ, la Grai 6 chợ, Đức Cơ 8 chợ, Chư Prông 15, Ea Súp 5 chợ, Buôn Đôn 2 chợ, Cư Jút 2 chợ, Đắk Mil 4 chợ Đắk Song 4 chợ, Tuy Đức 5 chợ, Bù Gia Mập 4 chợ, Bù Đốp 2 chợ, Lộc Ninh 7 chợ, Tân Châu 3 chợ, Tân Biên 1 chợ. Châu Thành 12 chợ, Bến cầu 5 chợ, Thạnh Hóa 4 chợ, Vĩnh Hưng 1 chợ, Trảng Bàng 4 chợ, thị xã Tân Châu 7 chợ, Tịnh Biên 2 chợ, Trí Tôn 5 chợ, Giang Thành 4 chợ, thị xã Hà Tiên 5 chợ
    - Nâng cấp: Chư Prông 3 chợ, Ea Súp 5 chợ, Buôn Đôn 2 chợ, Đắk Mil 6 chợ, Bù Đốp 3 chợ, Lộc Ninh 5 chợ, Bù Gia Mập 6 chợ, Tân Châu 11 chợ. Thạnh Hóa 4 chợ, Tân Biên 1 chợ, Bến Cầu 3 chợ, Trảng Bàng 6 chợ, thị xã Hồng Ngự 6 chợ, thị xã Hà Tiên 1 chợ.
    B
    Trung tâm thương mại, siêu thị
    1
    Khu thương mại - dịch vụ
    - Tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh
    - Tại Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang
    2
    Trung tâm thương mại
    - Thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, thị xã Hà Tiên
    - Khu vực cửa khẩu Hoàng Diệu, Vĩnh Xương
    3
    Siêu thị hạng II
    - Khu vực cửa khẩu: Đăk Puer, Bu Prăng, Hoa Lư, Vĩnh Xương, Khánh Bình, Xuân Tô, Xa Mát.
    - Khu vực trung tâm huyện: Ngọc Hồi, Trảng Bàng, Tân Hồng, Hồng Ngự, Thị xã Tân Châu, Thành phố Châu Đốc.
    4
    Siêu thị hạng III
    - Khu vực thị trấn: Đắk Dục, Sa Thầy, la Kha, Chư ty, Chư Prông, Ea Súp, Đắk Mil, Đức An, Bù Gia Mập, Thanh Bình, Phước Thiện, Lộc Ninh, thị xã Kiến Tường, Tịnh Biên, Chi Lăng, Nhà Bàng, Tri Tôn, Ba Chúc
    - Khu vực thị xã: Hồng Ngự, Tân Châu và khu vực trung tâm (Thành phố Châu Đốc), Hà Tiên.
    - Khu vực cửa khẩu: Dinh Bà, Thường Phước, Vĩnh Xương, Khánh Bình, Hà Tiên
    C
    Các trung tâm trung chuyển và kho vận
    Hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận
    Ngọc Hồi 5 kho (khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y), Ea Súp 1 kho (cửa khẩu Đăk Ruê), Tuy Đức 1 kho (cửa khẩu Bu Prăng), Tân Hồng 1 kho (cửa khẩu Dinh Bà), Hồng Ngự 1 kho (cửa khẩu Thường Phước), thị xã Tân Châu 1 kho (cửa khẩu Vĩnh Xương), An Phú 1 kho (cửa khẩu Khánh Bình), Tịnh Biên 1 kho (kho lúa gạo tại An Nông), Tri Tôn 1 kho (thị trấn Tri Tôn hoặc Ba Trúc), Giang Thành 2 kho (cửa khẩu Giang Thành), thị xã Hà Tiên 2 kho (cửa khẩu Hà Tiên).
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 6300/QĐ-BCT Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Công Thương
    Số hiệu:6300/QĐ-BCT
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:15/07/2014
    Hiệu lực:15/07/2014
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Chính sách, Thương mại-Quảng cáo
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Vũ Huy Hoàng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X