hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 21/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chi đám hiếu, hỷ là gì? Hạch toán như thế nào?

Chi đám hiếu, hỷ là hoạt động không thể thiếu của doanh nghiệp. Vậy chi đám hiếu, hỷ là gì? Hạch toán như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Chi đám hiếu hỷ là gì?
  • Chi đám hiếu, hỷ có được trừ khi tính thuế TNDN không?
  • Hạch toán chi đám hiếu, hỷ như thế nào?
  • 1. Các chứng từ doanh nghiệp cần có để đưa chi phí phúc lợi cho nhân viên vào chi phí hợp lý gồm có:
  • 2. Trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi:
Câu hỏi: Chào Luật sư! Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi quy định mới nhất về chi đám hiếu, hỷ. Việc chi đám hiếu, hỷ theo quy định hiện nay có được trừ khi tính thuế TNDN hay không?

Chi đám hiếu hỷ là gì?

Thông thường, người lao động khi làm việc cho doanh nghiệp sẽ được hưởng những khoản chi phúc lợi nhất định. Trong đó, chi đám hiếu, hỷ là một trong những phúc lợi cơ bản được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC.

Theo đó, có thể hiểu chi đám hiếu, hỷ là khoản chi cho bản thân và gia đình của người lao động bao gồm chi mừng đám cưới của người lao động và chi viếng đám tang cho gia đình của người lao động. 

Chi đám hiếu hỷ là gì?
Chi đám hiếu hỷ là gì?

Chi đám hiếu, hỷ có được trừ khi tính thuế TNDN không?

Hiện nay, theo Khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì khoản chi đám hiếu, hỷ sẽ được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau đây:

Thứ nhất, tổng số chi đám hiếu, hỷ không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định:

- 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp = quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng.

- Nếu như doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế = quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

Trong đó:

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Thứ hai, các khoản chi này cần phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định như:

- Quy chế tài chính của công ty, Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, trong đó có quy định cụ thể về các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động.

- Phiếu chi có chữ ký của người lao động.

- Giấy đăng ký kết hôn, phiếu báo tử.

Lưu ý: Trong trường hợp, doanh nghiệp chi đám hiếu, hỷ cho nhân viên vượt quá 01 tháng lương bình quân thì phần vượt thêm đó sẽ không được tính là chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chi đám hiếu, hỷ được trừ khi tính thuế TNDNChi đám hiếu, hỷ được trừ khi tính thuế TNDN

Hạch toán chi đám hiếu, hỷ như thế nào?

Hướng dẫn hạch toán chi đám hiếu hỷHướng dẫn hạch toán chi đám hiếu, hỷ

1. Các chứng từ doanh nghiệp cần có để đưa chi phí phúc lợi cho nhân viên vào chi phí hợp lý gồm có:

  • Có hợp đồng mua bán (nếu có);

  • Có hóa đơn mua quà tặng;

  • Có chứng từ thanh toán (phiếu chi hoặc ủy nhiệm chi);

  • Có hoá đơn đầu ra (doanh nghiệp xuất);

  • Danh sách nhân viên được nhận quà và được ký xác nhận;

  • Quyết định của công ty về quà tặng cho nhân viên;

  • Quy chế tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế lương thưởng, thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động của nhân viên… tại doanh nghiệp.

2. Trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi:

a) Trong năm khi tạm trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).

b) Cuối năm, xác định quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích thêm, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).

c) Tính tiền thưởng phải trả cho công nhân viên và người lao động khác trong doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531).

Có TK 334 – Phải trả người lao động.

d) Dùng quỹ phúc lợi để chi trợ cấp khó khăn, chi cho công nhân viên và người lao động nghỉ mát, chi cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, ghi:

Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)

Có các TK 111, 112.

3. Trường hợp doanh nghiệp không có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi

Những khoản chi phí này doanh nghiệp có thể hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng:

  • Nợ 641/642

  • Nợ 133

  • Có 331/111/112

Lưu ý: Những khoản chi trên 20 triệu bắt buộc phải chuyển khoản theo quy định

Trên đây là nội dung tư vấn về chi đám hiếu hỷ là gì. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.
 

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X