hieuluat
Chia sẻ email

Chứng chỉ năng lực xây dựng: Điều kiện, thủ tục cấp như thế nào?

Chứng chỉ năng lực xây dựng là một loại chứng chỉ bắt buộc đối với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng vậy điều kiện, thủ tục cấp như thế nào?

Mục lục bài viết
  • Chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?
  • Khái niệm chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?
  • Mã số chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?
  • Hiểu thế nào về chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 1, 2, 3?
  • Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 1
Câu hỏi: Tôi muốn tìm hiểu các thông tin liên quan đến chứng chỉ năng lực xây dựng, về điều kiện cấp cũng như các thủ tục cần thực hiện, xin cảm ơn HieuLuat!

Chào bạn, liên quan đến Chứng chỉ năng lực xây dựng, chúng tôi xin đưa các thông tin như sau:

Chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?

Khái niệm chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?

Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 100/2018/NĐ-CP thì chứng chỉ năng lực xây dựng có thể hiểu đó là chứng chỉ pháp lý cơ bản bắt buộc để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có thể thực hiện các hoạt động liên quan đến lĩnh vực xây dựng như đầu thầu, thi công xây dựng, nghiệm thu các công trình xây dựng.

Chứng chỉ năng lực xây dựng là bản đánh giá năng lực sơ lược do Bộ Xây Dựng, Sở Xây dựng với các tổ chức, đơn vị tham gia vào hoạt động xây dựng của cá nhân cấp.

Chứng chỉ nêu điều kiện cũng như quyền hạn của tổ chức, đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Mã số chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?

Căn cứ khoản 1, 7 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng được hiểu như sau:

- Là dãy số có 08 chữ số dùng để quản lý chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức. 

Mỗi tổ chức tham gia hoạt động xây dựng khi đề nghị cấp chứng chỉ năng lực lần đầu thì được cấp một mã số chứng chỉ năng lực. 

Khi tổ chức đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực đã được cấp thì mã số chứng chỉ năng lực không thay đổi.

Chứng chỉ năng lực được quản lý thông qua số chứng chỉ năng lực, gồm 02 nhóm ký hiệu, các nhóm được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-).

+ Nhóm thứ nhất: có tối đa 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ

+ Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ năng lực.

chứng chỉ năng lực xây dựng là gìChứng chỉ năng lực xây dựng là chứng chỉ pháp lý cơ bản bắt buộc.

Hiểu thế nào về chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 1, 2, 3?

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 1

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 1 là bản đánh giá vắn tắt, rút gọn của Bộ Xây Dựng cấp cho các tổ chức, công ty đủ điều kiện được hoạt động xây dựng trên toàn quốc.

Đây là chứng chỉ được cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp có hợp đồng kèm biên bản nghiệm thu của ít nhất 1 hợp đồng xây dựng hạng 1 hoặc 2 hợp đồng xây dựng hạng 2 kèm theo quyết định phê duyệt dự án.

Các cá nhân giữ chức vụ chủ nhiệm, giám sát trưởng đã có kinh nghiệm thực thi ít nhất một dự án với loại chứng chỉ muốn xin. Cá nhân có trình độ đại học chuyên môn chuyên ngành phù hợp, có kinh nghiệm hành nghề trên 7 năm.

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 2

Là bản đánh giá năng lực rút gọn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền cho các doanh nghiệp, công ty, tổ chức tham gia vào hoạt động xây dựng. Chứng chỉ năng năng xay dựng là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp xây dựng có thể hành nghề. Và chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 2 là loại chứng chỉ được cấp bởi Sở Xây dựng. Với loại chứng chỉ này, các doanh nghiệp được hoạt động trong một số khu vực, ở các công trình dự án thuộc nhóm B, công trình cấp II.

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 2 là chứng chỉ cấp cho các công ty có ít nhất 1 hợp đồng xây dựng hạng 2 (hoặc do Sở xây dựng cấp tỉnh phê duyệt) hoặc 2 hợp đồng xây dựng hạng 3 (do UBND cấp huyện phê duyệt) có chứng minh được quy mô cấp công trình rõ ràng. 

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 là chứng chỉ được cấp cho doanh nghiệp, tổ chức có đăng ký kinh doanh có mã ngành phù hợp và các cá nhân giữ chức vụ chủ nhiệm, chủ trì dự án phải chứng chỉ hành nghề + cán bộ kỹ thuật + công nhân kỹ thuật. Chứng chỉ cung cấp cho công ty có ít nhất từ 1 công trình hạng III hoặc 2 công trình từ cấp IV trở lên. (Số lượng hạng mục phụ thuộc vào từng loại chứng chỉ xây dựng).  

Cá nhân có trình độ đại học chuyên môn chuyên ngành phù hợp, có kinh nghiệm hành nghề trên 2 năm, trên 3 năm kinh nghiệm với bằng trung cấp hoặc cao đẳng.

Điều 86 Nghị định 15/2021 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I;

- Sở Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III; tổ chức xã hội - nghề nghiệp được công nhận theo quy định cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III cho tổ chức là hội viên, thành viên của mình.

Quy định về cấp chứng chỉ năng lực xây dựng như thế nào?

Trường hợp cấp chứng chỉ năng lực xây dựng

Quy định tại khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về chứng chỉ năng lực được cấp cho tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau:

- Cấp chứng chỉ năng lực lần đầu; điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực;

- Điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực;

- Cấp lại khi chứng chỉ năng lực cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin;

- Gia hạn chứng chỉ năng lực.

một số trường hợp sẽ  bị thu hồi chứng chỉ năng lực xây dựngMột số trường hợp sẽ bị thu hồi chứng chỉ năng lực xây dựng.

Trường hợp thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì Chứng chỉ năng lực bị thu hồi:

1 - Tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực chấm dứt hoạt động xây dựng, giải thể hoặc phá sản;

2 - Không còn đáp ứng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định;

3 - Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ năng lực;

4 - Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng chứng chỉ năng lực;

5 - Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ năng lực;

6 - Chứng chỉ năng lực được cấp không đúng thẩm quyền;

7 - Chứng chỉ năng lực bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực;

8- Chứng chỉ năng lực được cấp khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định.

Thời hạn gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Theo khoản 3 Điều 84 Nghị định 15/2021/NĐ-CP:

- Tổ chức đã bị thu hồi chứng chỉ năng lực thuộc trường hợp (3), (4), (5) nêu trên thì được đề nghị cấp chứng chỉ năng lực sau 12 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi chứng chỉ năng lực.

- Tổ chức thực hiện việc gia hạn chứng chỉ năng lực trong thời hạn 03 tháng tính tới thời điểm chứng chỉ năng lực hết hiệu lực. Sau thời hạn này, tổ chức có nhu cầu tiếp tục hoạt động xây dựng thì thực hiện đề nghị cấp chứng chỉ năng lực thực hiện như đối với trường hợp cấp chứng chỉ lần đầu.

Điều kiện cấp chứng chỉ năng lực xây dựng với tổ chức

về điều kiện cấp chứng chỉ năng lực xây dựng với tổ chức Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực:

1 - Khảo sát xây dựng;

2 - Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

3 - Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

4 - Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;

5 - Thi công xây dựng công trình;

6 - Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;

7 - Kiểm định xây dựng;

8 - Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực từ (1) đến (6) phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng , trừ các trường hợp không yêu cầu.

Trường hợp nào không yêu cầu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

Khoản 3 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP có quy định về tổ chức không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực theo quy định khi tham gia các công việc sau:

Thứ nhất là khi thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (trừ thực hiện tư vấn quản lý dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 15/2021/NĐ-CP)

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo quy định tại Điều 22 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án theo quy định tại Điều 23 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Thứ hai là khi thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

Thứ ba là khi thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

Thứ tư là khi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;

Thứ năm là khi tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng; Đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình vừa nêu;

Thứ sáu là khi thực hiện các hoạt động xây dựng của tổ chức nước ngoài theo giấy phép hoạt động xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật Xây dựng 2014.

trường hợp không yêu cầu chứng chỉ năng lực xây dựngCũng có một số trường hợp không yêu cầu chứng chỉ năng lực xây dựng.

Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực xây dựng với tổ chức

Bước 1- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng lần đầu

Theo khoản 1 Điều 87 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực (Mẫu số 04 Phụ lục IV Nghị định 15/2021)

- Quyết định thành lập tổ chức trong trường hợp có quyết định thành lập;

- Quyết định công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc liên kết thực hiện công việc thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng với phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công nhận (đối với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khảo sát địa chất công trình);

- Chứng chỉ hành nghề kèm theo bản kê khai và tự xác định hạng chứng chỉ (Mẫu số 05 Phụ lục IV Nghị định 15/2021)

Hoặc kê khai mã số chứng chỉ hành nghề trong trường hợp đã được cấp chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định của Luật Xây dựng 2014 của các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; các văn bằng được đào tạo của cá nhân tham gia thực hiện công việc;

- Chứng chỉ năng lực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực;

- Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu công việc đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức khảo sát xây dựng, lập thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng hạng I, hạng II);

- Hợp đồng; Biên bản nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức thi công xây dựng hạng I, hạng II);

Các tài liệu phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý, trừ đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực.

Bước 2 – Nộp hồ sơ

Theo khoản 1 Điều 90 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực;

Bước 3 – Cấp chứng chỉ năng lực xây dựng

Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực có trách nhiệm cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đối với trường hợp:

- Cấp chứng chỉ năng lực lần đầu,

- Điều chỉnh hạng, điều chỉnh, bổ sung chứng chỉ năng lực; 

Nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực phải thông báo một lần bằng văn bản tới tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

Hiệu lực của Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là bao lâu?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ. 

Nếu cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.

Trên đây là thông tin giải đáp liên quan đến chứng chỉ năng lực xây dựng​. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X