hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 02/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì? Có hiệu lực khi nào?

Bên mua bảo hiểm có quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm không? Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì? Có hiệu lực khi nào? Theo dõi ngay bài viết sau để nắm thông tin chính xác nhất.

 
Mục lục bài viết
  • Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì?
  • Có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người khác hay không? Thủ tục thế nào?
  • Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực khi nào?
Câu hỏi: Khi đã ký hợp đồng bảo hiểm thì bên mua có được chuyển nhượng sang cho bên khác không? Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì? Có hiệu lực khi nào?

Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì?

Thuật ngữ “chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm” được đề cập trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, tuy nhiên khi Luật này được thay thế bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì thuật ngữ này không còn được ghi nhận trong luật mới, thay vào đó là thuật ngữ “chuyển giao hợp đồng bảo hiểm”.

Theo quan điểm của người viết, tuy có sự thay đổi thuật ngữ giữa quy định cũ và quy định hiện hành nhưng về bản chất của hai thuật ngữ này đều giống nhau, đều muốn chỉ đến việc bên mua bảo hiểm chuyển hợp đồng bảo hiểm mà mình đã ký sang cho một bên thứ 3 khác, từ đó, tất cả quyền và nghĩa vụ của người mua cũ sẽ được chuyển sang cho người mua mới.

Như vậy, có thể hiểu chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc bên mua bảo hiểm chuyển toàn bộ quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm mà mình đã giao kết cho một bên thứ 3 khác, từ đó bên mua bảo hiểm chấm dứt toàn bộ quyền, nghĩa vụ của mình đối với hợp đồng đã ký này.

Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì?

Có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người khác hay không? Thủ tục thế nào?

Như đã nêu ở mục 1, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được sử dụng bằng thuật ngữ “chuyển giao hợp đồng bảo hiểm”.

Điểm g khoản 1 Điều 21 Luật này quy định rằng bên mua bảo hiểm có quyền chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo nội dung thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo nội dung mà pháp luật đã quy định.

Như vậy, bên mua bảo hiểm có quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người khác nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về nội dung này hoặc theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hợp đồng bảo hiểm khác nhau.

Yêu cầu đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc chuyển nhượng phải có được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm. Đồng thời, bên thứ 3 nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao.

Về thủ tục thực hiện, dựa trên cơ sở nội dung Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì việc chuyển nhượng được thực hiện như sau:

- Bước 1: Thông báo về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ nội dung chuyển nhượng, thông tin của các bên chuyển nhượng, thời điểm chuyển nhượng và các thông tin khác có liên quan theo thỏa thuận của các bên.

- Bước 2: Doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý chuyển nhượng

Doanh nghiệp bảo hiểm nhận được thông báo và phải trả lời bằng văn bản về việc đồng ý chuyển nhượng.

- Bước 3: Tiến hành chuyển nhượng.

Các bên ký hợp đồng chuyển nhượng, trong đó có đầy đủ nội dung chuyển nhượng, thông tin cũng như việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ.

Các bên phải hiểu cũng như nắm rõ được quyền lợi, nghĩa vụ của mình đối với việc chuyển nhượng này, đồng thời có sự tự nguyện thì mới tiến hành thủ tục chuyển nhượng.

Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực khi nào?

Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực khi nào?

Cũng trên cơ sở quy định tại Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm mới nhất thì việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực khi đảm bảo: Bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản và được doanh nghiệp bảo hiểm thể hiện sự đồng ý bằng văn bản về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm đó.

Tuy nhiên, với những trường hợp chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế hoặc theo nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì không cần đảm bảo yêu cầu này.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng một giao dịch nói chung hay giao dịch chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nói riêng cần phải được thực hiện bởi những đối tượng có đầy đủ năng lực chủ thể, trên tinh thần sự tự nguyện, không lừa dối, ép buộc, nội dung không vi phạm đạo đức xã hội hay vi phạm điều cấm của pháp luật, đảm bảo các yêu cầu về hình thức,...

Các thắc mắc về Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là gì? Có hiệu lực khi nào? đã được giải đáp trong bài viết trên đây. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề pháp luật khác, các bạn vui lòng liên hệ tổng đài: 1900.6199 để được giải đáp một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X