hieuluat
Chia sẻ email

Có được phép ghi âm cuộc gọi không? Quy định về quyền ghi âm thế nào?

Việc ghi âm cuộc gọi trở nên phổ biến và được vận dụng để làm minh chứng cho một vấn đề nào đó. Vậy có được phép ghi âm cuộc gọi không? 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có vấn đề như sau: Gần đây, tôi có cho người bạn vay tiền nhưng không ký hợp đồng vay cũng như không có văn bản xác nhận nợ. Do gần đây người đó không có ý định trả nợ nên tôi đang lo mình không đòi được tiền do không có bằng chứng. Tôi chỉ có một đoạn ghi âm cuộc gọi giữa tôi và người đó về việc họ có vay tiền của mình. Cho tôi hỏi việc ghi âm như vậy có hợp pháp không? Có thể dùng làm chứng cứ đòi nợ hay không? Xin cảm ơn.

Có được phép ghi âm cuộc gọi không?

Hiện nay, pháp luật không nghiêm cấm bạn ghi âm cuộc gọi của chính mình. Tuy nhiên, hành vi này cần tuân thủ một số quy định nhất định để đảm bảo quyền riêng tư và bí mật thông tin của cá nhân.

Có được phép ghi âm cuộc gọi không?

Có được phép ghi âm cuộc gọi không?

Việc ghi âm có thể được thực hiện để làm bằng chứng cho các tranh chấp hoặc quá trình tố tụng. Tuy nhiên, sử dụng bản ghi âm cho mục đích đe dọa, làm tổn hại danh dự, tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật kinh doanh của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm này sẽ được áp dụng dựa trên quy định pháp luật hiện hành, mức độ thiệt hại thực tế và tính chất, hậu quả của hành vi. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét để đưa ra biện pháp xử lý và hình phạt thỏa đáng.

Quy định về quyền ghi âm

Ghi âm được xem là quyền của cá nhân để sử dụng và khai thác chức năng thu, phát âm thanh của thiết bị. Tuy nhiên, quyền này phải được thực hiện sao cho không ảnh hưởng, gây tổn hại hoặc xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người khác.

Theo Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông được quy định như sau:

- Sử dụng các hoạt động viễn thông nhằm phá hoại an ninh quốc gia, trật tự, và an toàn xã hội; làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân; lan truyền tinh thần chiến tranh và gây sự kích động, đố kỵ giữa các dân tộc, sắc tộc và tôn giáo; tuyên truyền và khích động các hành vi bạo lực, dâm ô, tội ác và tệ nạn xã hội; cũng như phá vỡ nền văn hoá và truyền thống của dân tộc.

- Tiết lộ các thông tin bí mật nhà nước, quân sự, an ninh, kinh tế, ngoại giao, và các thông tin khác được quy định bởi pháp luật.

- Thực hiện việc trộm cắp, nghe lén, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; lấy trộm, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin cá nhân của tổ chức hoặc cá nhân khác.

- Phổ biến thông tin giả mạo, vu khống, hoặc xâm phạm uy tín của tổ chức hoặc danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

- Tuyên truyền, quảng cáo, hoặc thực hiện mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.

- Cản trở hoặc gây rối đối với việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cũng như việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ viễn thông hợp pháp.

Bên cạnh đó, Điều 21 Hiến pháp 2013 cũng quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân như sau:

- Công dân có quyền bất khả xâm phạm về các nội dung sau: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; mọi người đều có quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình.

Các thông tin của cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình sẽ đảm bảo an toàn bởi pháp luật.

- Mọi người có quyền giữ bí mật đối với thư tín, điện tín, điện thoại, các hình thức trao đổi thông tin khác. Không ai được quyền tiến hành bóc mở, kiểm soát và thu giữ trái pháp luật các thông tin về thư tín, điện thoại, các hình thức trao đổi riêng tư của người khác.

Ghi âm cuộc nói chuyện có phạm luật không? Xử phạt thế nào?

Ghi âm cuộc nói chuyện có phạm luật không?

Ghi âm cuộc nói chuyện có phạm luật không?

Theo điểm q khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc ghi âm cuộc nói chuyện trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.

Như vậy, hành vi ghi âm cuộc gọi trái pháp luật có thể bị phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng (đối với tổ chức) và lên đến 10 triệu đồng (đối với cá nhân) (theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ghi âm lén có được coi là chứng cứ?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bản ghi âm được coi là dữ liệu điện tử, và được ghi nhận là một nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc ghi âm lén có được coi là chứng cứ hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi tiếp nhận các thể loại như băng ghi âm lén, ghi âm không có sự cho phép,… liên quan đến vụ án hình sự do những đối tượng như người bào chữa, người bị hại, người làm chứng... cung cấp, cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm lập biên bản giao, nhận và kiểm tra, đánh giá xem ghi âm lén đó có được xem là chứng cứ hay không.

Đồng thời, căn cứ theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, giá trị để xem xét tính hiệu lực của chứng cứ của bản ghi âm sẽ căn cứ vào các yếu tố sau: cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi bản ghi âm; tính sở hữu của bản ghi âm; tính toàn vẹn của bản ghi âm; người khởi tạo và các yếu tố khác theo quy định.

Trên đây là thông tin gửi đến bạn đọc về vấn đề có được ghi âm cuộc gọi không và các nội dung liên quan đến ghi âm cuộc gọi.

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X