hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 30/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công an nhân dân là gì? Nhiệm vụ của Công an nhân dân

Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt chủ yếu trong việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội hiện nay. Công an nhân dân là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này là gì và hệ thống tổ chức ra sao?

 
Mục lục bài viết
  • Công an Nhân dân là gì?
  • Lực lượng Công an nhân dân gồm lực lượng nào?
  • Nhiệm vụ của của Công an Nhân dân
  • Hệ thống tổ chức của Công an Nhân dân 
Câu hỏi: Tôi muốn thi vào ngành công an và muốn tìm hiểu thế nào là lực lượng Công an nhân dân Việt Nam? Hiện nay, Công an nhân dân chia làm mấy lực lượng và có chức năng gì?

Công an Nhân dân là gì?

Công an nhân dân là gì?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Công an nhân dân 2018, Công an nhân dân được quy định như sau:

- Là lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam;

- Đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội;

- Tham gia phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 6 Luật Công an nhân dân 2018 quy định ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân là ngày 19/8 hằng năm - Ngày “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Lực lượng Công an nhân dân gồm lực lượng nào?

Trước đây, theo quy định tại Luật Công an nhân dân 2014, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được chia thành 03 lực lượng bao gồm: Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân và Công an xã. Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân 2018 hiện nay đã không còn quy định này.

- Cảnh sát nhân dân được hiểu là lực lượng có tính chất vũ trang của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thông thường các vụ việc do Cảnh sát nhân dân phụ trách sẽ liên quan đến vấn đề an ninh trong nội bộ quốc gia.

Trong trường hợp cần thiết, Cảnh sát nhân dân sẽ phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ.

Hệ thống tổ chức Công an nhân dân

- An ninh nhân dân được hiểu là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng, chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt nam, bảo vệ các lực lượng vũ trang khác. Theo đó, lực lượng An ninh nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh Tổ quốc Việt Nam.

- Công an xã theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Công an xã 2008 là lực lượng vũ trang thuộc hệ thống của tổ chức Công an nhân dân, hoạt động bán chuyên trách, làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn địa phương cấp xã.

Hiện nay, Luật Công an nhân dân 2018 đã quy định chung về lực lượng Công an nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này chứ không chia thành 03 lực lượng như trước đây nữa.

Nhiệm vụ của của Công an Nhân dân

Nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được quy định tại Điều 16 Luật Công an nhân dân 2018, bao gồm những nội dung cơ bản đơn cử sau:

- Thu thập thông tin, báo cáo, đánh giá về tình hình an ninh quốc gia; đề xuất các phương án, kế hoạch, nhiệm vụ cho cơ có thẩm quyền cấp trên về thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia; đồng thời, kết hợp với các lực lượng vũ trang khác phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế.

Nhiệm vụ của Công an nhân dân

Nhiệm vụ của Công an nhân dân

- Chủ đồng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động, âm mưu xâm phạm an ninh trật tự quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

- Hoạt động tình báo theo quy định của pháp luật.

- Quản lý an ninh mạng, phòng chống tội phạm an ninh mạng theo quy định pháp luật.

- Bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Đảng, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

- Thực hiện quản lý, thi hành án hình sự, quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

- Thực hiện các công tác cứu nạn, cứu hộ người dân; thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm…

-  Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật…

(xem thêm tại Điều 16 Luật Công an nhân dân 2018)

Bên cạnh đó, Điều 15 Luật Công an nhân dân 2018 cũng quy định Công an nhân dân có chức năng:

- Tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

- Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

- Đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hệ thống tổ chức của Công an Nhân dân 

Căn cứ quy định nêu trên, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam không còn chia thành 03 nhóm lực lượng, thay vào đó hệ thống tổ chức Công an nhân dân được quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Công an nhân dân 2018 gồm:

- Bộ Công an;

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

- Công an xã, phường, thị trấn.

Trên đây là một số thông tin về lực lượng Công an nhân dân là gì, nhiệm vụ quyền hạn ra sao theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc.

Nếu có thắc mắc liên quan đến các lực lượng vũ trang Việt Nam, nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng vũ trang, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X