hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 03/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công chức tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ không?

Một vấn đề mà nhiều công chức tập sự đang quan tâm là trong thời gian tập sự, công chức tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ không? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc.

Câu hỏi: Tôi hiện là công chức tập sự của Ủy ban nhân dân huyện X, cho tôi hỏi là công chức tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ không? Chế độ, chính sách mà công chức tập sự được hưởng là gì?

Phụ cấp công vụ là gì? 

Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa thế nào là phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, ta có thể hiểu đơn giản rằng phụ cấp công vụ là một khoản tiền phụ cấp mà một người được hưởng trong quá trình làm việc bên cạnh mức lương.

Mức phụ cấp này chỉ được áp dụng cho một số đối tượng cụ thể do pháp luật quy định và được tính dựa trên mức lương mà người đó được hưởng. Hơn nữa, nguồn chi trả mức phụ cấp công vụ được lấy từ ngân sách nhà nước cùng với nguồn tài chính hợp pháp của các cơ quan, đơn vị.

Công chức tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ không?

Công chức tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ không?

Để trả lời câu hỏi công chức tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ hay không thì cần xác định đối tượng được nhận phụ cấp công vụ theo quy định của pháp luật. Vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2012/NĐ-CP thì  đối tượng hưởng phụ cấp công vụ bao gồm:

  • Cán bộ;

  • Công chức theo Luật Cán bộ, công chức nhưng không bao gồm công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;

  • Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính nhà nước, không bao gồm người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn; công nhân, nhân viên công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân;

  • Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

Từ quy định trên, có thể thấy công chức tập sự không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ. Bởi vì công chức tập sự chưa thật sự được bổ nhiệm làm công chức chính thức, việc bổ nhiệm sẽ được thực hiện sau khi họ hoàn thành chế độ tập sự và được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định bổ nhiệm khi có văn bản đề nghị của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức.

Ngoài ra, Điều 22 Nghị định 138/NĐ-CP chỉ quy định công chức tập sự được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật. Đối chiếu với quy định về đối tượng được nhận phụ cấp công vụ ở trên và Luật Cán bộ, công chức thì dễ dàng thấy công chức tập sự không được nhận phụ cấp công vụ và họ chỉ được nhận loại phụ cấp này khi được bổ nhiệm chính thức vào ngạch công chức.

Chế độ, chính sách đối với công chức tập sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì công chức đang trong thời gian tập sự sẽ được hưởng chế độ, chính sách là lương và phụ cấp. Việc xác định lương và phụ cấp được thực hiện theo nội dung dưới đây.

Chế độ, chính sách đối với công chức tập sự

Chế độ, chính sách đối với công chức tập sự

Lương của công chức tập sự

Lương của công chức tập sự được xác định như sau:

  • Trường hợp 1: người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng và phụ cấp.

Đặc biệt, đối với người có trình độ thạc sĩ phù hợp với vị trí tuyển dụng thì được hưởng mức lương là 85% mức lương bậc 2, người có trình độ tiến sĩ phù hợp với vị trí tuyển dụng thì được hưởng mức lương là 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.

  • Trường hợp 2: những người tập sự ở trường hợp 1 sẽ được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển nếu làm việc thuộc một trong các điều kiện sau:

(1) Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

(2) Làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;

(3) Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

Phụ cấp của công chức tập sự

Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về chế độ, chính sách của công chức tập sự có quy định rằng công chức tập sự được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật. Vậy theo quy định của pháp luật thì những loại phụ cấp mà công chức tập sự được hưởng là:

Thứ nhất là phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Theo khoản 1 Điều I Thông tư 07/2005/TT-BNV thì công chức đang trong thời gian tập sự thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm nếu làm việc trực tiếp ở nơi nguy hiểm, độc hại mà yếu tố này cao hơn mức bình thường chưa được tính vào hệ số lương.

Phụ cấp độc hại được chia làm 4 mức tương ứng với 4 hệ số như sau: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4. Với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng như hiện nay thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm mà công chức tập sự nhận được sẽ dao động từ 180.000 đến 720.000 đồng/tháng.

Thứ hai là phụ cấp lưu động. Công chức tập sự được hưởng loại phụ cấp này nếu thuộc trường hợp do tính chất của công việc mà phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở dẫn đến điều kiện sinh hoạt không ổn định. Phụ cấp lưu động gồm 3 mức là 0,2; 0,4 và 0,6 theo Thông tư 06/2005/TT-BNV, do đó số tiền phụ cấp được nhận sẽ dao động từ 360.000 đến 1.080.000 đồng dựa trên mức lương cơ sở mới.

Thứ ba là phụ cấp trách nhiệm công việc. Theo Thông tư 05/2005/TT-BNV thì công chức tập sự được hưởng loại phụ cấp này nếu thuộc trường hợp làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao. Hiện nay, mức phụ cấp trách nhiệm công việc có 4 mức là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 nên số tiền công chức tập sự nhận được sẽ dao động từ 180.000 đến 900.000 đồng/tháng.

Thứ tư là phụ cấp khu vực. Phụ cấp này được quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT áp dụng cho các đối tượng trong đó có công chức tập sự làm việc tại khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh, thiếu điều kiện làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Phụ cấp khu vực gồm 07 mức với các hệ số là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0. Với các hệ số này thì số tiền phụ cấp nhận được sẽ dao động từ 180.000 đồng/tháng đến 1,8 triệu đồng/tháng tùy vào điều kiện cụ thể của từng khu vực.

Thứ năm là các loại phụ cấp khi làm việc tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP thì chính sách hỗ trợ cho đối tượng công tác tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (kể cả công chức tập sự) gồm các loại phụ cấp cụ thể sau:

Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.

Trên đây là thông tin mà chúng tôi muốn cung cấp đến bạn đọc về vấn đề công chức tập sự có được hưởng phụ cấp không và chế độ mà công chức tập sự được hưởng.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X