hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ, séc được không?

Đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ, séc được không là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc khi thực hiện giao dịch đặt cọc. Việc xác định rõ tính pháp lý của tài sản đặt cọc có thể giúp các bên hạn chế được rủi ro có thể xảy ra. Cùng tham khảo bài viết sau để có câu trả lời.

Mục lục bài viết
  • Đặt cọc bằng vàng được không?
  • Sử dụng vàng đặt cọc thế nào là đúng quy định?
  • Đặt cọc bằng ngoại tệ được không?
  • Đặt cọc bằng séc bảo đảm dự thầu là như thế nào?
Câu hỏi: Tôi sắp mua một lô đất, hiện tại hai bên đang thỏa thuận đặt cọc cho việc mua bán. Tôi muốn đặt cọc bằng vàng thì có được không? Nhờ Luật sư giải đáp giúp tôi.

Đặt cọc bằng vàng được không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một tài sản cụ thể (được xem là đối tượng đặt cọc) trong một thời gian cụ thể để đảm bảo cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng giữa các bên. Đối tượng của đặt cọc được là một trong các tài sản sau: Tiền, kim khí quý, đá quý, vật có giá trị khác.

Đặt cọc bằng vàng được không?

Đặt cọc bằng vàng được không?

Đồng thời, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 17/2014/TT-NHNN quy định: 

Kim khí quý bao gồm vàng, bạc, bạch kim và các loại kim loại quý khác. 

Do đó, vàng cũng được xem là đối tượng trong giao dịch đặt cọc theo quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên có thể khẳng định được đặt cọc bằng vàng, tuy nhiên việc đặt cọc phải đảm bảo được thực hiện theo quy định pháp luật.

Sử dụng vàng đặt cọc thế nào là đúng quy định?

Hiện nay, chưa có quy định nào cấm sử dụng vàng để đặt cọc, tuy nhiên tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP có quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cụ thể:

Điều 19. Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng

Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

[...]

4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Như vậy, theo quy định trên thì pháp luật cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Do đó, trường hợp hai bên thỏa thuận đặt cọc bằng vàng để đảm bảo thực hiện hợp đồng mà tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc khi hoàn thành việc giao kết hợp đồng thì không vi phạm quy định pháp luật, bởi vì trong trường hợp này không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cho giao dịch đó.

Tuy nhiên, nếu các bên thỏa thuận đặt cọc bằng vàng và được trừ tài sản đặt cọc này vào nghĩa vụ trả nợ và không trả lại vàng đã đặt cọc cho bên đặt cọc thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Đặt cọc bằng ngoại tệ được không?

Tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 và Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định rõ tại Việt Nam, mọi giao dịch, thỏa thuận, thanh toán,... của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối được pháp luật quy định.

Đặt cọc bằng ngoại tệ được không?

Đặt cọc bằng ngoại tệ được không?

Như vậy, có thể thấy mặc dù tiền là đối tượng của đặt cọc nhưng phải là đồng Việt Nam và các bên không được sử dụng ngoại tệ để đặt cọc đảm bảo cho việc thực hiện giao dịch, hợp đồng. Đặt cọc dù theo bất kỳ hình thức nào cũng không thể sử dụng ngoại tệ. 

Tuy nhiên, theo Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, nhà đầu tư nước ngoài được phép đặt cọc bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá thuộc một trong các trường hợp sau:

- Mua cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá.

- Mua cổ phần/phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn của Nhà nước thực hiện thoái hoá vốn.

- Mua cổ phần/phần vốn góp của doanh nghiệp Nhà nước để đầu tư vào doanh nghiệp khác nhằm thực hiện thoái hoá vốn.

Như vậy, việc đặt cọc bằng ngoại tệ chỉ được áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đặt cọc để thực hiện một trong các giao dịch nêu trên. Còn các trường hợp còn lại, những người tham gia giao dịch không được sử dụng ngoại tệ để đặt cọc.

Đặt cọc bằng séc bảo đảm dự thầu là như thế nào?

Đặt cọc bằng séc bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu nộp bảo lãnh dự thầu thông qua đặt cọc bằng séc để tham gia dự thầu. Trên thực tế, việc đặt cọc bằng séc bảo đảm dự thầu không được phổ biến rộng rãi mà thông thường nhà thầu sẽ chọn bảo đảm dự thầu theo hình thức khác.

Nộp bảo lãnh dự thầu theo hình thức đặt cọc bằng séc là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và xu hướng thanh toán hiện nay (đặc biệt đối với các gói thầu có quy mô lớn và giá trị đảm bảo dự thầu cao).

Theo quy định tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao thì séc cũng là một loại giấy tờ có giá - thuộc đối tượng đặt cọc theo quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, thực tế thì đa số các nhà thầu khá lúng túng trong việc ghi séc vì quy định pháp luật hiện nay không quy định rõ vấn đề này. 

Mặt khác, khi nhà thầu bị mất bảo đảm dự thầu thì chủ đầu tư rất khó khăn trong việc thu bảo đảm dự thầu vì trong tài khoản của nhà thầu có thể không đủ số tiền được ghi trên séc.

Trên đây là những thông tin về đặt cọc bằng vàng, ngoại tệ, séc được không. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được giải đáp.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X