hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 26/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đất hương hỏa là gì? Có được chuyển nhượng không?

Đất hương hỏa là loại đất được ông bà tổ tiên để lại cho con cháu để thờ cúng. Vậy pháp luật hiện nay quy định về đất hương hỏa như thế nào, có được chuyển nhượng không?

 
Mục lục bài viết
  • Đất hương hỏa là gì? Căn cứ xác định đất hương hỏa là gì?
  • Đất hương hỏa có được cấp Sổ đỏ không?
  • Đất hương hỏa có được chuyển nhượng, mua bán không?
Câu hỏi: Ông bà tôi mất có để lại di chúc dành một phần diện tích đất để làm đất hương hỏa, giao cho bố tôi quản lý để thờ cúng ông bà, phần còn lại chia đều cho bố tôi và các cô chú. Tuy nhiên, bố tôi sắp chuyển ra nước ngoài sống, mong muốn bán phần đất này. Vậy phần đất này bố tôi có quyền bán không?

Đất hương hỏa là gì? Căn cứ xác định đất hương hỏa là gì?

Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm đất hương hỏa. Tuy nhiên, dựa trên thực tế và cách hiểu thông dụng, đất hương hỏa là đất được dùng cho mục đích thờ cúng. Về cơ bản, đất hương hỏa là đất do dòng họ, tổ tiên, ông bà hoặc cha mẹ để lại cho con cháu cùng hưởng dụng, được dùng để thờ cúng dòng họ, tổ tiên.

Đất hương hỏa là gì?

Đất hương hỏa là gì?

Có thể hiểu đất hương hỏa là “di sản dùng vào việc thờ cúng” được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, người lập di chúc có quyền để lại một phần di sản thừa kế để dùng vào việc thờ cúng, đồng thời có thể chỉ định người quản lý phần di sản để lại đó, trừ trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người chết. Đất hương hỏa không được phân chia di sản thừa kế như các loại đất, tài sản khác.

Đất hương hỏa có thể là đất ở, đất nông nghiệp, phi công nghiệp chuyển đổi mục đích và được cơ quan có thẩm quyền công nhận sử dụng vào mục đích hương hoả.

Để xác định là đất hương hỏa cần dựa trên các căn cứ sau:

- Thông qua hình thức định đoạt một cách hợp pháp của chủ sử dụng đất qua việc: Lập di chúc, chứng thư hương hoả,... trong đó có nêu rõ nội dung: Để lại phần nhà đất để làm nơi thờ cúng dòng họ, tổ tiên, lưu truyền từ đời này sang đời khác, không được phép mua bán, chuyển nhượng.

- Theo Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật chỉ công nhận ý chí của người để lại di sản trong trường hợp người này để lại di chúc nêu rõ việc để lại một phần quyền sử dụng đất của mình để sử dụng cho mục đích hương hoả.

Đất hương hỏa có được cấp Sổ đỏ không?

Đất hương hỏa được tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại được xem là tài sản sở hữu chung của dòng họ các đồng thừa kế.

Đất hương hỏa có được cấp Sổ đỏ không?

Đất hương hỏa có được cấp Sổ đỏ không?

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Dân sự 2015, sở hữu chung của cộng đồng hay sở hữu chung của dòng họ đối với đất hương hỏa là tài sản được hình thành theo tập quán, tặng cho chung, thừa kế chung phù hợp với quy định pháp luật nhằm mục đích chung là thờ cúng tổ tiên, dòng họ.

Đất hương hỏa được các thành viên cùng quản lý, sử dụng vì mục đích chung và không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, cũng như không được trái với ý nguyện của người để lại tài sản. Đồng thời đây là tài sản chung hợp nhất không phân chia của cộng đồng. 

Đối chiếu với quy định về quyền của chủ sử dụng đất thì những người này hoàn toàn có quyền xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất này để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

Người đại diện cho cộng đồng phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định. 

Ngoài các giấy tờ, trình tự thủ tục xin cấp giấy chứng nhận thông thường, cần phải xác định tên của cộng đồng sử dụng chung đất hương hỏa để ghi tên trên Giấy chứng nhận (cộng đồng dân cư xác định và được UBND cấp xã xác nhận) và địa chỉ sinh hoạt chung của những đồng sử dụng đất (căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).

Đất hương hỏa có được chuyển nhượng, mua bán không?

Căn cứ Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người để lại di sản có lập di chúc với mục đích để lại một phần di sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình dùng vào việc thờ cúng, hương hỏa thì phần di sản này không được đưa vào để chia thừa kế. Đồng thời giao cho người được chỉ định trong di chúc của người để lại di sản quản lý để thực hiện thờ cúng. 

Trường hợp người được chỉ định quản lý không thể thực hiện được theo các yêu cầu trong di chúc thì những người thừa kế có quyền thống nhất giao cho một người khác quản lý phần đất hương hoả đó để thờ cúng. Nếu di chúc không chỉ định người quản lý đất hương hỏa thì những người thừa kế sẽ cử ra người quản lý.

Như vậy, nếu trong di chúc của người để lại di sản nêu rõ dành một phần thửa đất được sử dụng vào mục đích thờ cúng thì những người trong hàng thừa kế không được chia thừa kế phần đất này, đồng thời cũng không được chuyển nhượng, mua bán thửa đất đó, kể cả trong trường hợp tất cả những người trong hàng thừa kế đề đồng ý chuyển nhượng, mua bán thì cũng không được thực hiện.

Tuy nhiên, trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người đó thì phần di sản này sẽ không được dùng vào việc thờ cúng.

Trên đây là những thông tin về đất hương hỏa là gì, có được chuyển nhượng không. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ:  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X