hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 18/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đấu thầu là gì? Đấu thầu gồm những hình thức nào?

Đấu thầu được biết đến là một trong những hình thức giao dịch đặc biệt được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu. Vậy cụ thể thì đấu thầu là gì? Đấu thầu hiện nay gồm những hình thức nào?

Mục lục bài viết
  • Đấu thầu là gì? Giá đấu thầu là gì?
  • Đấu thầu là gì?
  • Giá đấu thầu là gì?
  • Nguyên tắc đấu thầu hiện nay ra sao? 
  • Hiện nay đấu thầu gồm những hình thức nào?

Đấu thầu là gì? Giá đấu thầu là gì?

Đấu thầu là gì? Giá đấu thầu là gì?

Đấu thầu là gì? Giá đấu thầu là gì?

Luật Đấu thầu năm 2013 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều và đã hết hiệu lực một phần. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2023 đã được ban hành hoàn chỉnh, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2024. 

Do đó, để quý bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận với nội dung của văn bản pháp luật mới cũng như chỉ còn vài ngày nữa là Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực thi hành nên ở bài viết này Hieuluat.vn sẽ triển khai các nội dung về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.

Đấu thầu là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2023 thì đấu thầu được hiểu là một quá trình để lựa chọn nhà thầu phù hợp để cùng nhau ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ như: tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hoá,... hoặc thực hiện các hợp đồng về đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng và minh bạch để mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như đảm bảo được trách nhiệm trong việc giải trình. 

Như vậy, có thể hiểu đơn giản thì đấu thầu là một trong những hình thức lựa chọn đối tác cung ứng dịch vụ và đầu tư đặc biệt. 

Bên chủ đầu tư hay còn gọi là bên mời thầu thay vì tự tìm kiến, tự lựa chọn ra bên cung ứng dịch vụ cho mình thì thực hiện hoạt động đấu thầu để các nhà thầu có thể nộp hồ sơ dự thầu và từ đó chủ đầu tư có thể dễ dàng lựa chọn các nhà thầu uy tín trong số các nhà thầu tham gia dự thầu.

Giá đấu thầu là gì?

Bên cạnh khái niệm “đấu thầu” thì khái niệm “Giá đấu thầu” cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. 

Bởi vì khi hiểu rõ được nội dung cũng như khái niệm của các thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực đấu thầu thì bên mời thầu cũng như các nhà thầu sẽ hiểu rõ hơn về việc đấu thầu. 

Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 hiện hành thì giá đấu thầu bao gồm: giá dự thầu và giá đề nghị trúng thầu. 

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật này thì Giá dự thầu được quy định là mức giá do nhà thầu chào thầu được ghi rõ trong đơn dự thầu. Giá dự thầu là giá bao gồm tất cả các khoản chi phí để thực hiện các công việc trong gói thầy theo yêu cầu của bên mời thầu. 

Tại khoản 13 Điều luật này quy định Giá đề nghị trúng thầu chính là giá dự thầu nêu trên nhưng đã được sửa đổi, điều chỉnh theo yêu cầu của bên mời thầu nêu trong hồ sơ mời thầu.

Nguyên tắc đấu thầu hiện nay ra sao? 

Nguyên tắc đấu thầu hiện nay ra sao?

Nguyên tắc đấu thầu hiện nay ra sao?

Đấu thầu được biết đến là một hình thức giao dịch đặc biệt và được điều chỉnh riêng bởi Luật Đấu thầu 2023 hiện hành. 

Do đó, để có thể đảm bảo thực hiện hoạt động đấu thầu theo đúng quy định pháp luật cũng như lựa chọn được nhà thầu phù hợp với hồ sơ yêu cầu thì việc đấu thầu phải được bảo đảm thực hiện theo các nguyên tắc sau:

  • Thứ nhất, đấu thầu được thực hiện trên nguyên tắc pháp lý- tuân thủ theo quy định của pháp luật Nhà nước về đấu thầu;

  • Thứ hai, đấu thầu được thực hiện trên nguyên tắc hiệu quả cả về tài chính và thời gian; 

  • Thứ ba, đấu thầu được thực hiện trên nguyên tắc cạnh tranh;

  • Thứ tư, đấu thầu được thực hiện trên nguyên tắc công bằng;

  • Thứ năm, đấu thầu được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch.

Như vậy, hiện nay đấu thầu được thực hiện theo năm nguyên tắc nêu trên. Trong đó, nguyên tắc cạnh tranh công bằng là nguyên tắc được nâng cao hiệu quả thực hiện trong Luật Đấu thầu năm 2023. 

Theo đó, chủ đầu tư dự án, bên mời thầu phải tạo điều kiện cho các nhà thầu được tham gia đấu thầu, cạnh tranh công bằng trong hoạt động đấu thầu để tìm ra nhà thầu phù hợp, mang lại hiệu quả trong công việc.

Hiện nay đấu thầu gồm những hình thức nào?

Đấu thầu gồm những hình thức nào?

Đấu thầu gồm những hình thức nào?

Theo quy định tại Mục 1 Chương II Luật Đấu thầu năm 2023 đã quy định về các hình thức đấu thầu hiện nay, bao gồm:

  • Hình thức đấu thầu rộng rãi (Điều 21): Đây là một hình thức lựa chọn nhà thầu mà không bị hạn chế số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu;

  • Hình thức đấu thầu hạn chế (Điều 22): Trái ngược với đấu thầu rộng rãi thì đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ được lựa chọn ra một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu được nêu ra trong hồ sơ yêu cầu của gói thầu để tham dự đấu thầu;

  • Hình thức chỉ định thầu (Điều 23): Đây là hình thức bên mời thầu chỉ định cụ thể nhà thầu phù hợp để thực hiện dự án theo yêu cầu. Hình thức chỉ định thầu chỉ áp dụng đối với các trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu như: gói thầu cần phải triển khai cấp thiết, gói thầu liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước,...;

  • Hình thức chào hàng cạnh tranh (Điều 24): Đây là hình thức đấu thầu được áp dụng đối với những gói thầu đơn giản, có trị giá không quá 05 tỷ đồng khi thuộc các trường hợp như: gói thầu dịch vụ tư vấn đơn giản, gói thầu mua sắm hàng hoá có sẵn,...;

  • Hình thức mua sắm trực tiếp (Điều 25): Đây là hình thức đấu thầu được thực hiện đối với những gói thầu mua sắm hàng hoá tương tự thuộc dự án được triển khai của cùng một chủ đầu tư hoặc của chủ đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều luật này;

  • Hình thức tự thực hiện (Điều 26): Đây là hình thức chủ đầu tư dự án tực thực hiện gói thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: đáp ứng đầy đủ về năng lực, có hoạt động kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu; có thể huy động nhân sự, máy móc để thực hiện đúng tiến độ của gói thầu;...;

  • Hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng (Điều 27): Đây là hình thức triển khai thực hiện gói thầu bằng cách để cho cộng đồng dân cư hoặc nhóm thợ có năng lực tại địa phương nơi có gói thầu được thực hiện thực hiện một phần hoặc toàn bộ gói thầu đối với gói thầu có trị giá không quá 05 tỷ đồng;

  • Hình thức đàm phán giá (Điều 28): Đây là hình thức đấu thầu được thực hiện đối với các gói thầu như mua sản phẩm biệt dược gốc sinh phẩm tham chiếu hoặc mua thuốc, thiết bị y tế mà chỉ có 01 đến 02 hãng sản xuất;

  • Hình thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (Điều 29): Đây là hình thức đấu thầu được thực hiện chỉ khi không thể thực hiện được đấu thầu bằng các hình thức nêu trên.

Quy trình đấu thầu diễn ra như thế nào?

Tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về khái niệm đấu thầu như sau: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.”

Theo quy định trên thì có thể hiểu đấu thầu được thực hiện theo một trình tự mang tính chất bắt buộc để có thể chọn được nhà thầu phù hợp. Theo định nghĩa về đấu thầu nêu trên có thể thấy quy trình đấu thầu thông thường sẽ được diễn ra qua 06 bước sau:

  • Bước 1: Tiến hành mời thầu;

  • Bước 2: Các nhà thầu dự thầu;

  • Bước 3: Mở hồ sơ dự thầu;

  • Bước 4: Bên mời thầu thực hiện việc đánh giá, so sánh hồ sơ dự thầu;

  • Bước 5: Lựa chọn nhà thầu phù hợp;

  • Bước 6: Thông báo kết quả trúng thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.

Trên đây là các quy định về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X