hieuluat
Chia sẻ email

Đi xe khách bị tai nạn ai bồi thường?

Tai nạn khi tham gia giao thông là điều không ai mong muốn, tuy nhiên vẫn có những tình huống bất ngờ xảy ra dẫn đi va chạm. Nếu đi xe khách bị tai nạn ai bồi thường? Tham khảo ngay bài viết sau để nắm được thông tin chi tiết.

Câu hỏi: Mẹ tôi đi xe khách từ Hà Giang xuống Hà Nội thì không may bị tai nạn. Đi xe khách bị tai nạn ai bồi thường? Tôi phải làm như thế nào cho đúng quy định?

Đi xe khách bị tai nạn ai bồi thường?

Đi xe khách bị tai nạn ai bồi thường?

Tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên vì nhiều lý do khác nhau, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và cả gây ra những mất mát về tài sản của nhiều người. Liên quan đến tai nạn giao thông thì việc bồi thường cũng được nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

Hiện nay, việc bồi thường do tai nạn giao thông vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng, vì vậy mà nhiều người vẫn trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm/giảm trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho bên thứ ba.

Tuy nội dung bồi thường thiệt hại chưa được quy định cụ thể nhưng thông qua những quy định dưới đây bạn đọc vẫn có thể nắm được phương hướng xử lý.

Căn cứ Bộ luật dân sự thì trong trường hợp tai nạn giao thông, các phương tiện giao thông được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ.

Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại (BTTH) do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

* Trường hợp 1: Tai nạn giao thông xảy ra, gây thiệt hại có nguyên nhân là từ hành vi của con người, không phải do tự thân phương tiện gây ra (ví dụ như trường hợp người lái xe vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ mà gây tai nạn)

- Đối với trường hợp này, người lái xe gây tai nạn giao thông sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo Điều 586 Bộ luật dân sự thì người từ đủ 18 tuổi trở lên mà gây thiệt hại thì phải tự bồi thường thiệt hại đó. Với những người chưa đủ 15 tuổi mà gây thiệt hại thì sẽ xem xét được việc cha mẹ của người này sẽ bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp người lái xe là người của pháp nhân/người làm công gây thiệt hại

Theo Điều 597 Bộ luật dân sự thì pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi pháp nhân đã BTTH thì có quyền yêu cầu bên có lỗi trong việc gây ra thiệt hại chịu trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền.

* Trường hợp 2: Tai nạn giao thông xảy ra, gây thiệt hại có nguyên nhân là do phương tiện giao thông đó gây ra, không bị con người tác động (ví dụ như bị nổ lốp, bị đứt phanh,...)

Trường hợp này, người chủ sở hữu xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại bởi tai nạn giao thông. Trường hợp xe đang được người khác chiếm hữu/sử dụng thì người đang chiếm hữu/sử dụng sẽ phải bồi thường, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

* Lưu ý rằng chủ xe, người sử dụng/chiếm hữu xe sẽ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi của họ, trừ trường hợp thiệt hại này xảy ra hoàn toàn do người bị thiệt hại cố ý gây ra hoặc do sự kiến bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Nếu xe bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (xe trộm cắp,...) thì người đang chiếm hữu, sử dụng xe trái pháp luật sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Tuy vậy, nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người sử dụng xe có lỗi trong việc để xe bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì những người này có trách nhiệm phải liên đới bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại sẽ được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được cụ thể thì sẽ chia đều.

Như vậy, khi đi xe khách bị tai nạn thì người bồi thường thiệt hại là chủ xe hoặc lái xe tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Khi xỷ ra nạn xảy giao thông, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét rằng thiệt hại là do con người hay do tự thân phương tiện gây ra, từ đó lấy làm căn cứ xác định trách nhiệm BTTH.

Mức bồi thường khi xảy ra tai nạn

Mức bồi thường khi xảy ra tai nạn

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi vi phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản,.. của người khác mà gây thiệt hại thì có trách nhiệm phải bồi thường.

Việc gây tai nạn giao thông đã xâm phạm đến những vấn đề nên trên nên có căn cứ để xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Mức bồi thường thiệt hại theo quy định hiện hành như sau:

* Thiệt hại về sức khỏe

- Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NĐ-HĐTP thì các khoản thiệt hại phải bồi thường gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe: chi phí khám chữa bệnh, tiền thuê phương tiện để chuyển người bị thiệt hại đến các cơ sở khám chữa bệnh; chi phí bồi dưỡng sức khỏe theo số ngày trong hồ sơ bệnh án; chi phí dùng cho việc hỗ trợ, phục hồi hoặc thay thế một phần chức năng cơ thể,...

+ Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất hoặc bị giảm sút. Thu nhập này sẽ được xác định dựa trên việc người bị thiệt hại có thu nhập ổn định hay không? Nếu có thì sẽ xác định theo mức tiền công/tiền lương của người này trong thời gian bị mất/giảm tiền công, tiền lương.

Nếu không có thu nhập ổn định thì sẽ:

(i) xác định theo mức tiền lương/ tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại,

(ii) nếu không xác định được mức trung bình 03 tháng nêu trên thì dựa vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất/giảm sút,

(iii) nếu không xác định được thu nhập trung bình thì thu nhập thực tế bị mất/ giảm sút được bồi thường sẽ là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú tương ứng cho 01 ngày bị thiệt hại.

+ Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người đi chăm sóc người bị thiệt hại tương ứng trong thời gian điều trị; trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người chăm sóc thường xuyên người bị thiệt hại thì tính thiệt hại sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Trong đó:

++ Chi phí hợp lý cho người chăm sóc: tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà trọ tính theo giá trung bình tại nơi mà người bị thiệt hại đang điều trị (nếu có);

++ Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc được xác định nội dung “Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất hoặc bị giảm sút” đã nêu phía trên.

++ Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người chăm sóc thường xuyên thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc này sẽ bằng 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú tương ứng cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.

+ Những thiệt hại khác được pháp luật hiện hành quy định.

- Mức bồi thường = Những khoản bồi thường thiệt hại nêu trên + Khoản tiền bù đắp tinh thần.

Mức tiền bù đắp tinh thần do các bên tự thỏa thuận, nếu không thống nhất được thì mức bù đắp tổn thất tinh thần tối đa không vượt quá 50 lần mức lương cơ sở.

* Thiệt hại về tính mạng

- Căn cứ Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NĐ-HĐTP thì các khoản thiệt hại phải bồi thường khi xâm phạm tính mạng gồm:

+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (đã nêu ở mục trên): Thời gian được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe cho đến thời điểm người này chết.

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng: Tiền mua quan tài, tiền hỏa táng, chôn cất; tiền mua các vật dụng cần thiết như khăn tang, hương, hoa, nến, tiền thuê xe tang và các khoản khác tùy theo phong tục của địa phương. Lưu ý không bồi thường các khoản là chi phí cúng tế, tiền lễ bái, tiền ăn uống hay tiền xây mộ, bốc mộ.

+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ thực hiện cấp dưỡng/nuôi dưỡng trước khi chết:

++ Mức cấp dưỡng: Dựa vào thu nhập và khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức tối thiểu/tháng = 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú/

++ Thời điểm cấp dưỡng:  Tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe.

++ Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng: Những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật hôn nhân và gia đình quy định.

+ Những thiệt hại khác do pháp luật Việt Nam quy định.

- Mức bồi thường = Mức bồi thường thiệt hại nêu trên + Tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích nằm trong hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại; nếu không có người thuộc hàng thừa kế thứ 1 thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng hoặc người đã trực tiếp chăm sóc/nuôi dưỡng người bị thiệt hại sẽ được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ căn cứ theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa áp dụng cho một người bị xâm phạm tính mạng = 100 lần mức lương cơ sở.

* Thiệt hại về tài sản

Theo Điều 589 Bộ luật dân sự và Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NĐ-HĐTP thì các thiệt hại do tài sản bị xâm phạm phải bồi thường bao gồm:

- Thiệt hại do tài sản bị mất, tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NĐ-HĐTP sau đây:

“a) Trường hợp tài sản là vật thì xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Đối với tài sản là tiền thì thiệt hại được xác định là số tiền bị mất, bị hư hỏng.

Đối với giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà không thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là giá trị của các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà có thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là các chi phí cần thiết để khôi phục các giấy tờ đó.

b) Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này.”

- Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, việc khai thác tài sản bị mất/ bị giảm sút. Đây chính là phần hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản của người này không bị mất, không bị hư hỏng.

Hoa lợi, lợi tức sẽ tính theo giá thực tế đang thu. Trường hợp chưa thu thì sẽ tính theo giá thị trường cùng loại hoặc tính theo mức giá thuê trung bình 01 tháng của tài sản cùng loại/tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng - xác định tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại.

Những tài sản không có cho thuê trên thị trường, hoa lợi, lợi tức tính theo thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm xảy ra thiệt hại.

- Các khoản chi phí hợp lý nhằm ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại

Là những khoản chi phí thực tế, cần thiết làm cho thiệt hại không phát sinh thêm; các khoản chi phí sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm phạm.

- Những thiệt hại khác được luật Việt Nam quy định.

Trên đây là thông tin về vấn đề "Đi xe khách bị tai nạn ai bồi thường?". Nếu còn vấn đề gì còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, mọi người có thể liên hệ tổng đài 1900.6199 để được giải đáp một cách nhanh chóng và nhiệt tình nhất
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X