hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 29/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác bị xử lý ra sao?

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho loài người như bệnh cúm gà H5N1, bệnh HIV/AIDS, Covid-19,… Việc người khác có hành vi cố tình làm lây lan những loại bệnh này cho người khác có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Bài viết sau sẽ phân tích các quy định pháp luật về loại tội phạm này.

Khi nào làm lây lan dịch bệnh phải chịu trách nhiệm hình sự?

Câu hỏi: Theo quy định pháp luật hình sự, trường hợp nào làm lây lan dịch bệnh cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sau:

- Về mặt khách quan: Dấu hiệu hành vi cơ bản của tội này bao gồm những hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.”

Chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên phải gây ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Trường hợp hậu quả làm lây lan dịch bệnh không xảy ra thì chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm ở giai đoạn chưa đạt. Ngoài ra, nếu tội phạm thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.(Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015)

- Về mặt khách thể: Các hành vi nêu trên xâm phạm đến quy định về phòng chống dịch bệnh ở người. Ngoài ra, các hành vi trên còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

- Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

- Về mặt chủ thể: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2,Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Do đó, nếu một người thực hiện hành vi phạm tội đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm trên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Làm lây lan dịch bệnh theo Điều 240 Bộ luật Hình sự xử lý ra sao?​ (Ảnh minh họa)


Mức phạt tù với tội làm lây lan dịch bệnh như thế nào?

Câu hỏi: Theo quy định pháp luật hình sự, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, tùy vào các trường hợp khác nhau thì khung hình phạt được áp dụng cho các đối tượng vi phạm cũng khác nhau, cụ thể:

- Đối với trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người mà gây hậu quả làm 02 người chết hoặc dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ bị xử phạt từ 10 năm đến 12 năm tù.

Về tình tiết định khung hình phạt “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ” được hướng dẫn theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 và điểm c, khoản 2 Điều 38 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiệm 2007.

Thủ tướng Chính phủ công bố dịch trong trường hợp có đề nghị của Bộ trưởng Bộ y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (như bệnh đậu mùa, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp...) khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.

- Đối với trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người mà gây hậu quả làm chết người hoặc dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế thì sẽ bị xử phạt từ 05 năm đến 10 năm tù.

Về tình tiết định khung hình phạt “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh” được hướng dẫn theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 3 và điểm a, khoản 2, Điều 38 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (như: HIV/AIDS, bệnh bạch hầu, bệnh sốt rét, bệnh lao phổi…) và nhóm C (như: bệnh mắt hột, bệnh sán lá phổi, bệnh sán lá ruột, bệnh phong, bệnh viêm họng…).

Về tình tiết định khung hình phạt “dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế” được hướng dẫn theo quy định tại điểm a, điểm c, khoản 1, Điều 3 và điểm b, khoản 2, Điều 38 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm nhóm B khi có từ hai tỉnh trở lên đã công bố dịch.

- Đối với trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người mà không thuộc 2 trường hợp nêu trên thì chỉ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, tòa án còn có thể áp dụng hình phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là các thông tin liên quan đến Điều 240 Bộ luật Hình sự. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Chống người làm nhiệm vụ phòng dịch, bị xử lý thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X