hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 29/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp tác xã là gì? Có tư cách pháp nhân không?

Hợp tác xã là mô hình sản xuất kinh doanh tồn tại từ lâu và được khuyến khích phát triển, được thành lập với mục đích chủ yếu là hợp tác, hỗ trợ và tạo công ăn việc làm cho người lao đồng, nhằm góp phần ổn định xã hội. Vậy hợp tác xã là gì? Có tư cách pháp nhân không?

Mục lục bài viết
  • Hợp tác xã là gì? Có tư cách pháp nhân không?
  • Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp? Có mã số thuế không?
  • Điều kiện để làm thành viên hợp tác xã?
  • Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã
Câu hỏi: Hiện nay tại các vùng nông thôn hợp tác xã được thành lập rất nhiều, và ngày càng phổ biến, gia đình tôi cũng muốn tham gia hợp tác xã tại địa phương nhưng chưa hiểu rõ về mô hình này. Kính nhờ Luật sư giải đáp giúp tôi về khái niệm và các quy định về hợp tác xã.

Hợp tác xã là gì? Có tư cách pháp nhân không?

Khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2023 (được áp dụng từ ngày 01/7/2024), định nghĩa hợp tác xã như sau:

“Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.”

Hợp tác xã là gì?

Hợp tác xã là gì?

Quy định này được kế thừa có sửa đổi so với khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012, theo đó, số lượng thành viên tối thiểu để thành lập hợp tác xã đã giảm xuống còn ít nhất 05 thành viên chính thức (thay vì ít nhất 07 thành viên).

Ngay tại quy định về khái niệm hợp tác xã đã khẳng định hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do các thành viên thành lập với mục đích hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh.

Để một tổ chức được công nhận là pháp nhân thì phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 là:

- Được thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật;

- Có cơ cấu tổ chức theo Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015;

- Có tài sản độc lập với các cá nhân và pháp nhân khác, đồng thời tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

- Nhân danh chính mình tham gia độc lập vào các quan hệ pháp luật.

Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp? Có mã số thuế không?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch và được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định nhằm mục đích kinh doanh.

Doanh nghiệp hiện nay bao gồm các loại hình là: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh.

Mặt khác, tại khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân và được thành lập để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, tạo việc làm cho người lao động nhằm đáp ứng các nhu cầu cho thành viên trong hợp tác xã trên cơ sở bình đẳng, tự chủ và tự chịu trách nhiệm việc việc quản lý hợp tác xã.

Như vậy, hợp tác xã là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân nhưng không phải là doanh nghiệp.

Điều 46 Luật Hợp tác xã 2023 có quy định, mỗi hợp tác xã có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho tổ chức khác.

Mã số hợp tác xã được tạo bởi hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh, cấp cho hợp tác xã khi thành lập dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.

Theo đó, mã số hợp tác xã cũng chính là mã số thuế của hợp tác xã, tức là, hợp tác xã có mã số thuế (được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã).

Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp?

Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp?

Điều kiện để làm thành viên hợp tác xã?

Theo quy định tại Điều 30 Luật Hợp tác xã năm 2023, để làm thành viên của hợp tác xã, cần phải đáp ứng điều kiện sau:

Các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức để làm thành viên hợp tác xã phải đáp ứng:

- Thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn trong hợp tác xã gồm:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự;

  • Cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

  • Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác thành lập, hoạt động tại Việt Nam không có tư cách pháp nhân, các thành viên này phải cử một người làm đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong hợp tác xã; và

  • Pháp nhân tại Việt Nam.

- Thành viên liên kết không góp vốn trong hợp tác xã gồm:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hợp pháp, có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự;

  • Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 15 - dưới 18 tuổi, không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, không có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, đồng thời khi tham gia các giao dịch dân sự phải đảm bảo theo các điều kiện của pháp luật.

  • Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác thành lập, hoạt động tại Việt Nam không có tư cách pháp nhân, các thành viên này phải cử một người làm đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong hợp tác xã; và

  • Pháp nhân tại Việt Nam.

- Có đơn gia nhập, góp vốn hoặc nộp phí thành viên hợp tác xã một cách tự nguyện và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định pháp luật và Điều lệ của hợp tác xã.

- Cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài thì các thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn khi tham gia phải đáp ứng:

  • Điều kiện về tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan khác.

  • Điều kiện về đảm bảo quốc phòng và an ninh theo pháp luật về đầu tư.

- Đối với hợp tác xã có thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn là cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.

Lưu ý: Thành viên trong hợp tác xã đồng thời có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã khác, trừ trường hợp Điều lệ của hợp tác xã quy định khác.

Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã

Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã được quy định tại Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023, gồm có:

- Thành viên hợp tác xã là cá nhân đã chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị kết án phạt tù;

- Thành viên hợp tác xã là tổ chức đã chấm dứt tồn tại, giải thể hoặc phá sản;

- Hợp tác xã chấm dứt tồn tại hoặc bị giải thể/phá sản;

- Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã hoặc bị khai trừ theo Điều lệ của Hợp tác xã.

- Thành viên không sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của hợp tác xã hoặc không góp sức lao động trong một khoảng thời gian liên tục quy định tại Điều lệ của Hợp tác xã;

- Thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu theo quy định tại thời điểm cam kết.

- Và các trường hợp khác được nêu tại Điều lệ.

Trên đây là những thông tin về hợp tác xã là gì. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X