hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 14/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hưởng thừa kế đất từ cha mẹ: Điều kiện, thủ tục ra sao?

Hưởng thừa kế đất đai theo di chúc và theo pháp luật khi đảm bảo những điều kiện gì? Hiểu thế nào là quyền thừa kế đất? Cùng HieuLuat tìm hiểu những vấn đề pháp lý xoay quanh việc hưởng thừa kế đất từ cha mẹ trong bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Quyền thừa kế đất là gì? Quy định ở đâu?
  • Hưởng thừa kế đất đai từ cha mẹ theo cách nào?
  • Điều kiện nhận thừa kế đất từ cha mẹ theo di chúc là gì?
  • Thủ tục hưởng thừa kế đất đai theo pháp luật ra sao?
Câu hỏi: Chào Luật sư, cha mẹ tôi có 2 thửa đất đều đã có sổ đỏ (một thửa đất ở, trên đất đã có nhà ở và đất trồng cây lâu năm hiện đang trồng cây ăn quả, cây hồ tiêu).

Cha mẹ tôi muốn thừa kế lại phần tài sản này cho hai anh em chúng tôi.

Có một số vấn đề pháp lý mà gia đình chúng tôi cần sự hỗ trợ của Luật sư như sau:

Một là, cha mẹ tôi có những cách nào để để lại tài sản thừa kế cho anh em chúng tôi?

Hai là, thủ tục để nhận thừa kế đất cha mẹ để lại hiện nay được thực hiện ra sao?

Chào bạn, HieuLuat xin giải đáp những vướng mắc của bạn về vấn đề thủ tục, điều kiện hưởng thừa kế đất đai từ cha mẹ như sau:

Quyền thừa kế đất là gì? Quy định ở đâu?

Trước hết, quy định về thừa kế là một trong những quy định rất đặc biệt của pháp luật dân sự của Việt Nam. Thừa kế một mặt thể hiện việc tôn trọng ý chí, nguyện vọng của người có tài sản trước khi mất. Mặt khác, thừa kế cũng thể hiện sự liên kết, là sự kết nối giữa các thế hệ trong cùng gia đình.

Quyền thừa kế là gì, quyền hưởng thừa kế đất đai từ cha mẹ được hiểu như thế nào, được quy định ở đâu, là hai trong số nhiều vấn đề pháp lý cơ bản liên quan trực tiếp tới việc để lại thừa kế và nhận thừa kế.

Cụ thể, quyền thừa kế theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Theo quy định trên, quyền thừa kế được thể hiện thông qua 2 nội dung:

  • Cá nhân được quyền định đoạt tài sản của mình trước khi chết thông qua việc lập di chúc hoặc để lại thừa kế theo pháp luật;

  • Tương ứng với việc định đoạt tài sản thừa kế, pháp luật cho phép cá nhân được quyền nhận tài sản thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc. Riêng trường hợp người nhận tài sản thừa kế không là cá nhân thì chỉ được hưởng thừa kế theo di chúc;

Từ đây, suy ra, hưởng thừa kế đất đai của cá nhân chính là quyền của cá nhân được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Việc nhận/hưởng di sản thừa kế là đất đai được thực hiện khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện luật định về nhận thừa kế.

Kết luận: Hưởng thừa kế đất đai chính là quyền được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, cơ quan… khi thỏa mãn những điều kiện, yêu cầu nhất định của pháp luật.

Trong đó, cá nhân có thể được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, còn người hưởng thừa kế không phải là cá nhân thì chỉ được hưởng thừa kế đất thông qua di chúc.

huong thua ke dat


Hưởng thừa kế đất đai từ cha mẹ theo cách nào?

Từ những căn cứ, phân tích nêu trên, có thể nhận thấy, việc nhận thừa kế đất đai từ cha mẹ có thể được thực hiện thông qua di chúc hoặc theo pháp luật. Cụ thể như chúng tôi trình bày dưới đây.

Điều kiện nhận thừa kế đất từ cha mẹ theo di chúc là gì?

Nhận thừa kế theo di chúc là một trong hai hình thức mà cá nhân có quyền được hưởng theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều kiện để tài sản thừa kế của cha mẹ được phân chia theo di chúc đã lập hoặc các con được nhận di sản thừa kế theo di chúc tài sản của cha mẹ nếu thỏa mãn toàn bộ những yêu cầu sau đây:

  • Di chúc có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, ví dụ như:

    • Tài sản thừa kế còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại tài sản chết);

    • Người nhận thừa kế còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết;

    • Người nhận di sản phải là người được ghi nhận trên di chúc hợp pháp, có hiệu lực của cha mẹ;

  • Không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản hoặc không được quyền nhận di sản thừa kế theo Điều 621, Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015;

  • Tài sản là di sản được phân chia khi đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 168, Điều 188 Luật Đất đai 2013;

  • Không là người từ chối nhận di sản thừa kế theo di chúc;

  • Thực hiện nhận di sản thừa kế theo trình tự, thủ tục luật định;

  • Hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được nhận di sản thừa kế từ cha mẹ;

Kết luận: Cá nhân được hưởng thừa kế đất đai theo di chúc khi đáp ứng toàn bộ những điều kiện như chúng tôi đã nêu ở trên, ví dụ như thuộc đối tượng được nhận, di chúc có hiệu lực pháp luật,...

Thủ tục hưởng thừa kế đất đai theo pháp luật ra sao?

Thủ tục hưởng thừa kế đất đai theo di chúc hoặc theo pháp luật không có sự khác biệt về các bước thực hiện mà có khác nhau về hồ sơ, cách phân chia.

Cũng giống với việc chia thừa kế theo di chúc, việc nhận thừa kế theo pháp luật cũng phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Tài sản được phân chia theo pháp luật là tài sản không được ghi nhận tại di chúc hoặc phần tài sản theo di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người hoặc tài sản ở phần di chúc không có hiệu lực;

  • Người nhận tài sản thực hiện nhận tài sản thừa kế theo pháp luật theo trình tự, cách thức luật định;

  • Người nhận thừa kế không thuộc trường hợp không được hưởng di sản thừa kế theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015;

  • Tài sản thừa kế phải tồn tại tại thời điểm mở thừa kế và đáp ứng đủ các điều kiện để phân chia theo pháp luật theo khoản 1 Điều 168, Điều 188 Luật Đất đai 2013;

  • Người nhận thừa kế nhận di sản thừa kế sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo luật định;

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2014/NĐ-CP, việc nhận di sản thừa kế là đất đai do bố mẹ để lại được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Họp mặt, lập văn bản nhận di sản thừa kế

  • Những người được nhận di sản thừa kế tiến hành họp mặt để thỏa thuận về việc phân chia, phần được hưởng và các vấn đề khác liên quan đến di sản;

  • Văn bản nhận di sản thừa kế đất từ cha mẹ là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Văn bản này phải được lập có công chứng hoặc chứng thực;

  • Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng, còn chứng thực được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Những người nhận thừa kế chuẩn bị trước các hồ sơ tài liệu như giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ con, sổ đỏ đất đai,...

Bước 2: Đăng ký sang tên thừa kế đất

  • Thủ tục đăng ký biến động đất đai/sang tên quyền sử dụng đất là thủ tục bắt buộc sau khi đã có văn bản thỏa thuận phân chia di sản và được thực hiện tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất;

  • Hồ sơ đăng ký biến động, sang tên đất đai thừa kế được thực hiện trong khoảng 30 ngày kể từ ngày văn bản thỏa thuận phân chia di sản được công chứng, chứng thực. Quá thời hạn nêu trên, người có nghĩa vụ đăng ký sang tên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về hành vi chậm đăng ký biến động;

Bước 3: Nhận kết quả sổ đỏ đã sang tên

  • Người nhận di sản thừa kế đất đai nhận kết quả là sổ đỏ đã được xác nhận biến động hoặc được cấp mới theo yêu cầu sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

  • Các khoản nghĩa vụ tài chính thông thường gồm: Lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận…

Như vậy, thủ tục hưởng thừa kế đất đai theo pháp luật được thực hiện theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu ở trên.

Với giải đáp của chúng tôi, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án phù hợp.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về hưởng thừa kế đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X