hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 22/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sắp tới, sẽ kết hợp tiêm vắc xin Covid và cấp Căn cước công dân?

Thực tế, nhiều người đã được tiêm vắc xin Covid-19, nhưng còn thiếu, không có hoặc sai thông tin ảnh hưởng đến việc xác định thông tin tiêm chủng. Sắp tới sẽ có thay đổi trong quy trình xác nhận thông tin, đồng thời sẽ kết hợp tiêm vắc xin và cấp Căn cước công dân.

Câu hỏi: Em mới biết thông tin, sắp tới đi tiêm vắc xin Covid-19 sẽ được kết hợp cấp Căn cước công dân có đúng không ạ?

Vì sao cần xác minh thông tin tiêm chủng vắc xin Covid?

Ngày 16/10 vừa qua Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất về việc chia sẻ, xác thực thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19 trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh ứng dụng phục vụ chống dịch PC-Covid, người dân vẫn có thể dùng 02 ứng dụng khác gồm: Sổ Sức khoẻ điện tử thay cho sổ y bạ giấy; Ứng dụng VNEID để xác thực thông tin, danh tính người dân phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Để triển khai đồng bộ xác minh đầy đủ, trong Công văn 8938/BYT-DP ban hành ngày 21/10, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố…hướng dẫn quy trình xác minh thông tin, tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Việc thực hiện xác minh được thực hiện theo Quy trình tại Công văn 8938 của Bộ Y tế, tránh trường hợp có người dân mặc dù đã tiêm chủng đầy đủ nhưng thiếu, sai hoặc không có thông tin, điều này ảnh hưởng đến việc xác định thông tin.

Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng gồm của cả Nhà nước và tư nhân khi triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 cần chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Chính quyền địa phương để hoạt động theo quy trình.

thong tin tiem chung vac xin Covid
Việc xác minh thông tin, mũi tiêm vắc xin Covid sẽ được thực hiện theo một quy trình. (Ảnh minh họa)

Quy trình sẽ kết hợp tiêm vắc xin Covid và cấp Căn cước?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở Công văn 8938, quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại địa phương hay tại cơ sở tổ chức tiêm chủng gồm 4 bước:

Bước 1: Điều tra cơ bản trước khi lập kế hoạch tiêm chủng

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn… chỉ đạo Trạm Y tế cấp xã phối hợp cùng Công an cấp xã (kết hợp điều tra cơ bản người trong độ tuổi cấp Căn cước công dân), tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng... lập danh sách người có nhu cầu tiêm mũi 1, chuẩn bị lập mũi 2…

Sau đó, gửi công an cấp xã, xác minh thông tin người dân.

Việc lập danh sách thông qua tiếp nhận thông tin người dân đăng kí trực tiếp hoặc nền tảng quản lý tiêm chủng do tự đăng kí hoặc đăng kí theo tổ chức.

Bước 2: Công an cấp xã tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin người dân trong dữ liệu dân cư để yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh thông tin (nếu có sai sót) sau đó xác nhận và gửi lại Trạm Y tế xã, phường để quản lý.

Đối với trường hợp không phải là công dân Việt Nam thì không cần xác minh thông tin.

Nếu người trong danh sách chưa có thông tin hoặc thông tin không chính xác với dữ liệu dân cư, cơ quan Công an cấp xã phải xác minh bổ sung, đồng thời gửi lại danh sách cho Trạm Y tế  cấp xã.

Thời gian gửi lại danh sách đã được xác minh không quá 02 ngày kể từ ngày Trạm y tế lập danh sách.

Bước 3: Trạm Y tế cấp xã/ Cơ sở tiêm chủng trên cơ sở dữ liệu được xác minh lập kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng.

Ưu tiên lập kế hoạch chung, kết hợp việc cấp Căn cước công dân và tiêm chủng vắc xin nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Người dân đến tiêm phải mang theo Căn cước công dân hoặc thông báo về số định danh cá nhân có mã QR do Công an cấp và giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin trước đó (nếu có).

Điểm tiêm chủng kiểm tra, đối chiếu các thông tin và cập nhật, bổ sung các thông tin tiêm chủng. Sau đó, thực hiện tiêm chủng, nhập thông tin về mũi tiêm mới trên Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Bước 4: Sau khi hoàn thiện việc nhập dữ liệu cho đối tượng đã tiêm chủng, Chủ tịch UBND cấp xã ký chứng thư số với dữ liệu kết quả tiêm trên Nền tảng quản lý tiêm chủng.

Nếu chưa có chứng thư số, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì lập biên bản giữa các bên liên quan xác nhận về tính chính xác của dữ liệu kết quả tiêm.

Như vậy, khi đi tiêm người dân mang theo Căn cước hoặc thông báo mã định danh (nếu có) để đối chiếu thông tin. Tuy nhiên, những ai chưa có Căn cước vẫn sử dụng Chứng minh nhân dân. Và việc tiêm chủng cũng sẽ ưu tiên phối hợp với việc cấp căn Cước công dân cho các đối tượng đến tuổi để tạo sự thuận lợi cho công dân.

Tuy nhiên việc kết hợp này sẽ phụ thuộc vào quyết định, quy trình của từng địa phương.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc kết hợp tiêm chủng vắc xin Covid và cấp Căn cước. Nếu còn có vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi để được chúng tôi hỗ trợ.

>> Tra cứu thông tin tiêm vắc xin Covid-19 trên thẻ CCCD gắn chip thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X