hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 21/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không?

Chia tài sản chung khi ly hôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Vậy khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không? Quy định pháp luật Hôn nhân gia đình về vấn đề này như thế nào? Cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau để nắm được câu trả lời.

 
Mục lục bài viết
  • Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
  • Khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không?
  • Chia tài sản khi ly hôn cho con trên 18 tuổi
  • Chia tài sản khi ly hôn cho con dưới 18 tuổi
Câu hỏi: Câu hỏi: Tôi và vợ đang làm thủ tục ly hôn và chia tài sản tại Tòa án. Xin hỏi khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không? Việc chia tài sản khi ly hôn cho con trên 18 tuổi, con dưới 18 tuổi thực hiện như thế nào?

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

Khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không?

Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được áp dụng như sau:

* Trường hợp 1: Vợ chồng đã thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc chia tài sản chung.

Trong trường hợp này, việc giải quyết tài sản chung sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.

* Trường hợp 2: Vợ chồng không thỏa thuận được và có yêu cầu Tòa án chia tài sản chung.

Trên cơ sở yêu cầu đó, Tòa án sẽ tiến hành việc chia tài sản chung. Theo đó, về nguyên tắc tài sản chung được chia đôi nhưng có xem xét đến các yếu tố dưới đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

- “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng”: Tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

- “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”: Sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

- “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”: Chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

- “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”: Lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ngoài ra, tài sản chung sẽ được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị, một bên nhận tài sản có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì sẽ thanh toán phần chênh lệch cho bên còn lại. Tài sản riêng của ai vẫn thuộc về người ấy khi ly hôn. Tòa án khi chia tài sản sẽ xem xét đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự/không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không?

Thông qua quy định về nguyên tắc chia tài sản chung đã nêu ở mục 1, có thể thấy pháp luật không có quy định về việc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn cho con, Tòa án chỉ tiến hành chia tài sản chung cho hai vợ chồng. Sở dĩ chỉ có vợ chồng được chia tài sản là vì đây là những tài sản do công sức, tiền bạc,.. mà vợ chồng tạo dựng nên trong thời kỳ hôn nhân.

Tuy vậy, con cái vẫn được nhận tài sản khi bố mẹ ly hôn nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau đây.

* Trường hợp 1:  Bố mẹ thỏa thuận, quyết định chia tài sản chung cho con

Pháp luật tôn trọng quyền được thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ án ly hôn. Do đó, nếu bố mẹ thống nhất sẽ chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung cho con thì con sẽ được nhận tài sản. Thỏa thuận này sẽ được Tòa án công nhận và thực thi.

* Trường hợp 2:  Con là đồng sở hữu của tài sản chung

Đây cũng là một trường hợp con cái sẽ được chia sản chung khi bố mẹ ly hôn. Việc phân chia tài sản chung sẽ xem xét đến cả nguồn gốc, xuất xứ của tài sản. Do đó, nếu tài sản đó có công sức đóng góp của con thì con sẽ được chia tài sản để đảm bảo quyền lợi của mình. 

Hoặc với trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình mà tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, con có tên trong sổ hộ khẩu thì con cũng được chia tài sản.

Những tài sản con được thừa kế chung, tặng cho chung cùng bố mẹ thì khi ly hôn, những tài sản này cũng được chia cho con với phần tương ứng.

Chia tài sản khi ly hôn cho con trên 18 tuổi

Chia tài sản khi ly hôn cho con trên 18 tuổiChia tài sản khi ly hôn cho con trên 18 tuổi

Con trên 18 tuổi sẽ được chia tài sản khi ly hôn nếu bố mẹ thỏa thuận chia tài sản chung cho con hoặc con là đồng sở hữu tài sản. Trên cơ sở sự thỏa thuận của bố mẹ hay việc xem xét đến quyền lợi của con trong tài sản đồng sở hữu, con sẽ được nhận phần tài sản tương ứng.

Theo Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; có thể thực hiện và chịu trách nhiệm với các giao dịch trong đời sống. Chính vì vậy, con trên 18 tuổi (con thành niên) khi nhận phần tài sản được chia thì có quyền quyết định, sử dụng, định đoạt khối tài sản ấy.

Chia tài sản khi ly hôn cho con dưới 18 tuổi

Tương tự như trường hợp con trên 18 tuổi, con dưới 18 tuổi được chia tài sản chung khi bố mẹ ly hôn nếu:

- Bố mẹ thống nhất với nhau sẽ chia tài sản cho con, hoặc;

- Con là đồng sở hữu của tài sản chung.

Tuy nhiên Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

“1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Theo đó, con dưới 18 tuổi khi được chia tài sản sẽ không thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch hay sử dụng tài sản. Điều này đặt ra yêu cầu phải có người đại diện theo pháp luật đứng ra quyết định, đồng ý thực hiện các giao dịch. 

Mà theo Điều 136 Bộ luật này, người đại diện của người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) chính là cha, mẹ. Do đó, khi con dưới 18 tuổi được chia tài sản thì cha, mẹ vẫn có sự quản lý con sử dụng, tiến hành giao dịch với tài sản đó.

Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi Khi vợ chồng ly hôn con có được chia tài sản không? mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật lao động, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X