hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 25/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về lập di chúc đất hộ gia đình như thế nào?

Pháp luật dân sự quy định người có tài sản được quyền lập di chúc để định đoạt tài sản đó sau khi mất. Với tài sản là quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình thì việc lập di chúc đó có gì khác biệt không?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Mẹ tôi muốn lập di chúc để lại phần tài sản của mình là thửa đất được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) mang tên hộ bà Nguyễn Minh X (tên của mẹ tôi) từ năm 1993.

Xin hỏi Luật sư, khi đất được cấp cho hộ gia đình như vậy thì mẹ tôi có quyền lập di chúc không? Mẹ tôi có thể công chứng/chứng thực di chúc này không?

Khi mẹ tôi qua đời, anh chị em tôi muốn nhận phần tài sản theo di chúc mà mẹ tôi đã lập thì chúng tôi phải như thế nào?
Chào bạn, hiện nay việc lập di chúc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất hộ gia đình được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự. Căn cứ quy định hiện hành và những thông tin về quyền sử dụng đất mà bạn đã cung cấp, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Quyền lập di chúc đất cấp cho hộ gia đình thế nào?

Việc Nhà nước cấp sổ đỏ/Giấy chứng nhận cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất là việc hộ gia đình thỏa mãn các điều kiện được quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 như sau:

- Hộ gia đình chung quyền sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân (vợ chồng), huyết thống (cha mẹ con..), nuôi dưỡng (con nuôi, cha mẹ nuôi hợp pháp) theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung;

- Hộ gia đình này có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Thông thường, căn cứ để xác định những thành viên nào của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất là hồ sơ pháp lý của việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình tại thời điểm được Nhà nước giao đất/cho thuê đất/công nhận quyền sử dụng đất/nhận chuyển quyền sử dụng đất. Một số tài liệu thường được sử dụng để làm căn cứ bao gồm: Sổ hộ khẩu; Quyết định giao đất; Quyết định công nhận quyền sử dụng đất; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Đơn đề nghị, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...

Căn cứ quy định nêu trên và với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tạm thời nhận định rằng mẹ bạn là một trong những thành viên có chung quyền sử dụng đất với các thành viên khác trong hộ gia đình bạn tại thời điểm được Nhà nước giao đất/cho thuê đất/công nhận quyền sử dụng đất/nhận chuyển quyền sử dụng đất. Vì thế cho nên, đây là một trong những tài sản hợp pháp của mẹ bạn.

Thêm vào đó, căn cứ khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự, người thành niên trong trạng thái tinh thần minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt, không chịu sự đe dọa, lừa dối, cưỡng ép từ bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào khác có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình.

Từ các quy định pháp luật nêu trên, suy ra, mẹ bạn có quyền lập di chúc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của mình trong khối tài sản chung là quyền sử dụng thửa đất được cấp cho hộ gia đình bạn năm 1993.

Mẹ bạn có thể lập di chúc bằng các hình thức như: Di chúc miệng hoặc di chúc bằng văn bản. Để di chúc mẹ bạn lập hợp pháp thì di chúc này phải đảm bảo các điều kiện như nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc phải tuân thủ các điều kiện luật định...(quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015).

Xem thêm: Cách lập di chúc hợp pháp 

Cần lưu ý: 

- Việc lập di chúc miệng chỉ được thực hiện khi người lập di chúc (là mẹ bạn) đang bị cái chết đe dọa và không có cách nào thực hiện lập di chúc bằng văn bản.

Xem thêm: Cách lập di chúc miệng thế nào?

- Việc lập di chúc bằng văn bản có thể thực hiện bằng các hình thức như: Lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng/không có người làm chứng, lập di chúc bằng văn bản có công chứng/chứng thực.

Xem thêm: Lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng thế nào?

Xem thêm: Lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thế nào?

Riêng việc lập di chúc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất có công chứng/chứng thực được thực hiện theo trình tự được quy định tại Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2015/NĐ-CP và được thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Kết luận: Mẹ bạn là một trong những người chung quyền sử dụng thửa đất được cấp sổ đỏ năm 1993, nên mẹ bạn có quyền lập di chúc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của mình.

lap di chuc dat ho gia dinh


Thủ tục chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân thế nào?

Người nhận thừa kế theo di chúc muốn nhận di sản thừa kế thì cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo trình tự luật định. Căn cứ văn bản khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật, người nhận thừa kế theo di chúc được tiến hành thủ tục sang tên/biến động quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Lập văn bản khai nhận di sản thừa kế

Người nhận tài sản thừa kế theo di chúc đề nghị lập văn bản khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất hoặc văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở trong phạm vi tỉnh nơi có đất.

Hồ sơ người nhận tài sản thừa kế cần chuẩn bị gồm:

- Giấy chứng tử của người lập di chúc;

- Sổ đỏ đã được cấp;

- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở của người nhận tài sản của người nhận di sản;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ với người lập di chúc như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn,...;

- Giấy tờ hợp pháp khác theo đề nghị của công chứng viên;

Cần lưu ý:

Do chúng tôi chưa nhận được thông tin đầy đủ nên không loại trừ trường hợp người được nhận tài sản thừa kế từ mẹ bạn là những người được nhận tài sản không phụ thuộc nội dung di chúc được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người lập di chúc hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc.

Đây là những người được hưởng phần di sản thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật khi di sản được chia theo pháp luật nếu người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất thừa kế đó.

Lúc này, những người nhận di sản thừa kế cũng cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở, giấy tờ chứng minh quan hệ của mình với người lập di chúc để thực hiện việc nhận di sản thừa kế cùng với những người nhận di sản thừa kế theo di chúc.

Bước 2: Văn phòng công chứng/phòng công chứng/Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các công việc sau đây

- Niêm yết văn bản thông báo về việc thụ lý yêu cầu công chứng/chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lập di chúc thường trú cuối cùng trước khi chết và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Thời hạn niêm yết là 15 ngày;

- Sau thời gian niêm yết mà không có khiếu nại, khiếu kiện thì công chứng viên/người có thẩm quyền chứng thực tiến hành công chứng/chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế cho người yêu cầu;

Bước 3: Trả kết quả

Người yêu cầu công chứng/chứng thực nhận kết quả là văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật.

Người nhận tài sản thừa kế thực hiện đăng ký biến động/sang tên tại cơ quan có thẩm quyền sau khi đã nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng/chứng thực theo quy định.

Xem thêm: Hồ sơ sang tên khi nhận thừa kế đất đai gồm những gì?

Kết luận: Khi thực hiện nhận tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo di chúc, bạn thực hiện theo các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về lập di chúc đất hộ gia đình, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Giải quyết tranh chấp khi chia tài sản không có di chúc thế nào?

>> Chia tài sản khi một người không đồng ý thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X