hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 20/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bị lừa đảo qua mạng: Có lấy lại được tiền không? Tố cáo đến số nào?

Lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tiền có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Số tiền bị chiếm đoạt có thể chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng có thể lên đến hàng tỷ đồng. Mức phạt, thủ đoạn được nhận diện thế nào?

Mục lục bài viết
  • Lừa đảo qua mạng có những thủ đoạn gì? Bị xử phạt thế nào?
  • Nhận diện tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội thế nào?
  • Lừa đảo qua mạng bị phạt bao nhiêu tiền?
  • Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đi tù bao nhiêu năm?

Lừa đảo qua mạng có những thủ đoạn gì? Bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, dạo gần đây tôi thấy có nhiều người bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng như giả danh các cán bộ công an, viện kiểm sát, các cơ quan ngân hàng… đề nghị khách hàng truy cập theo các đường link để nhận thưởng, thực hiện thu thập thông tin trái phép của người khác.

Vậy, giữa những thông tin tràn lan trên mạng xã hội như vậy, làm sao có thể nhận diện được các hành vi lừa đảo, nhận diện được các đối tượng lừa đảo này?

Mong Luật sư chỉ rõ để tôi có thể phòng tránh.

Nhận diện tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội thế nào?

Trong thời đại công nghệ ngày một phát triển như hiện nay, tội phạm lừa đảo qua mạng nói chung, lừa đảo qua mạng xã hội nói riêng đang trở nên phức tạp và khó lường.

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người khác, khe hở của pháp luật mà các đối tượng này có điều kiện thực hiện các hành vi phạm tội của mình.

Một số thủ đoạn thông thường mà nhóm tội phạm này thường sử dụng bao gồm:

Một là, giả mạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thu thập trái phép thông tin cá nhân hoặc thực hiện lừa đảo

  • Các đối tượng này giả mạo các website của các ngân hàng, công ty tài chính… để gửi tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân (chiếm đoạt số tiền có trong tài khoản của ngân hàng, tài khoản tín dụng);

  • Giả mạo các website, các tổ chức có uy tín để thu thập các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ email, …., từ đó bán cho các đơn vị, cá nhân, tổ chức khác để kiếm lời;

Hai là, chiếm đoạt các tài khoản của cá nhân

  • Sử dụng các mạng xã hội, các ứng dụng quảng cáo chèn trong các website trực tuyến, đối tượng lừa đảo tiến hành gửi tin nhắn, gửi đường link để yêu cầu bạn bè, người thân của bị hại/nạn nhân phải chuyển tiền nếu không muốn bị bôi nhọ danh dự, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội,...;

  • Tinh vi hơn, thông qua việc sử dụng trang mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo thực hiện các hành vi để chiếm đoạt các tài khoản của nạn nhân, từ đó, chúng sẽ đe dọa, tống tiền, yêu cầu chuyển tiền hoặc thực hiện các công việc khác nếu không sẽ tung các thông tin bí mật của nạn nhân trên mạng xã hội cho người khác;

Ba là, lừa đảo tuyển dụng, làm cộng tác viên, mua hàng online… để lấy lợi nhuận

  • Hành vi sử dụng mạng xã hội, số điện thoại nước ngoài, số điện thoại đã được xử lý kỹ thuật… đối tượng lừa đảo giả danh nhà tuyển dụng tuyển dụng nhân viên làm việc và yêu cầu nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ (nạp tiền vào tài khoản) để được phỏng vấn, tiếp cận công việc;

  • Tội phạm cũng sử dụng hình thức tuyển cộng tác viên online, tuyển chọn người lồng tiếng cho các đài tiếng nói, đài truyền hình,.. để yêu cầu nạn nhân mua hàng, thực hiện các công việc nạp tiền qua tài khoản theo chỉ định;

  • Sau khi nạp tiền, nạn nhân sẽ được hoàn lại tiền nhanh chóng (thường 2 - 5 lần đầu tiên), những lần nạp tiền tiếp theo, nạn nhân sẽ không nhận được tiền như những lần trước nữa;

  • Dụ dỗ, lừa đảo nạn nhân thực hiện công việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội bằng việc tuyển cộng tác viên làm quảng cáo. Đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để sử dụng làm các quảng cáo trên các tài khoản đã được cài đặt sẵn;

  • Lừa đảo bằng việc cài đặt các phần mềm độc hại, phần mềm nhằm đánh cắp thông tin có trong điện thoại, máy tính của nạn nhân thông qua các trang web, đường link quảng cáo, tin nhắn… mà nạn nhân thường xuyên truy cập;

  • Giả danh nhân viên nhà mạng nâng cấp sim từ 4G lên 5G, giả danh nhân viên ngân hàng để phát hành thẻ visa miễn phí…;

  • Lập nên những sàn giao dịch thương mại điện tử chứng khoán/tiền gửi/tiền ảo… ví dụ như Forex, thu hút người dùng bằng thủ đoạn lợi nhuận cao, đầu tư không lỗ,.. để nạn nhân chuyển tiền ngày càng nhiều vào sàn mà thực chất là thủ đoạn để đối tượng chiếm đoạt tiền của nạn nhân;

Thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nayThủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay

Lưu ý rằng: Hành vi, thủ đoạn được đối tượng lừa đảo sử dụng rất đa dạng, tinh vi nhưng mục đích cuối cùng của các đối tượng là phải để cho nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản được định sẵn/hoặc gửi các thông tin như giấy tờ tùy thân, số thẻ ngân hàng, mã OTP hoặc phải đăng nhập theo đường link sẵn có để điền theo hướng dẫn.

Khi tiền trong tài khoản của nạn nhân được trừ cũng là lúc đối tượng lừa đảo có được tiền chiếm đoạt.

Như vậy, lừa đảo qua mạng có thể được biểu hiện dưới rất nhiều hành vi khác nhau.

Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, với ưu thế là nguồn tin không được kiểm soát khắt khe, các đối tượng lừa đảo có thể tìm kiếm, sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn của mình để nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Lừa đảo qua mạng bị phạt bao nhiêu tiền?

Câu hỏi: Anh trai tôi nghiện lô đề nên thời gian gần đây có thực hiện vài phi vụ lừa đảo qua mạng bằng cách đăng bài bán hàng, nhận cọc nhưng không trả hàng cho khách. Anh tôi bị xử lý thế nào?
Chào bạn. Hiện nay, tùy từng trường hợp mà hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Theo quy định hiện hành, mức phạt hành chính cao nhất có thể là 3 triệu đồng.

Phạt hành chính cũng có thể là căn cứ để người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh chiếm đoạt tài sản, do vậy, cần phải nâng cao ý thức, nhận biết để không vi phạm pháp luật.

Cụ thể, khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;

đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Như vậy, đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả bị phạt từ 01-03 triệu đồng.

Hành vi lừa đảo qua mạng còn có thể phải đối mặt với hình phạt tù cao nhất là chung thân nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, yếu tố định khung hình phạt như giải đáp dưới đây của chúng tôi.

Lừa đảo qua mạng có thể bị phạt hành chính
Lừa đảo qua mạng có thể bị phạt hành chính


Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đi tù bao nhiêu năm?

Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

  • Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    • Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

  • Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:
    • Có tổ chức;

    • Có tính chất chuyên nghiệp;

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

    • Tái phạm nguy hiểm;

    • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    • Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 - dưới 50 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

  • Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự;

    • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Như vậy, tội lừa đảo chiếm đoạt tài dản có thể bị phạt tù đến chung thân.

Nạn nhân có thể lấy lại được tiền bị chiếm đoạt nếu bị lừa đảo qua mạng hay không, hoặc nếu muốn tố cáo thì làm thế nào sẽ được chúng tôi giải đáp ở phần dưới đây.


Bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có lấy lại được tiền không? Tố cáo đến số nào?

Bị lừa đảo qua mạng/lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội có lấy lại được tiền không, làm cách nào để lấy lại, tố cáo tới số điện thoại nào là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tiền chiếm đoạt được trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được trả cho nạn nhân/bị hại của vụ án (nguyên tắc xử lý vật chứng).

Tuy nhiên, nhận lại được bao nhiêu tiền bị lừa đảo hay có nhận lại được toàn bộ hay không phải phụ thuộc vào số tiền mà cơ quan tiến hành tố tụng thu về được, số tiền mà đối tượng phạm tội có được để trả cho nạn nhân.

  • Để tố cáo/trình báo/tố giác loại tội phạm này, nạn nhân có thể thực hiện theo một trong những cách sau:

  • Trực tiếp tại cơ quan công an các cấp gần nhất nơi mình sinh sống;

  • Qua điện thoại tới các cơ quan công an tại địa phương được đăng tải trên website của các cơ quan này;

    • Các số điện thoại có thể bị thay đổi, do vậy, cách nhanh nhất là nạn nhân/bị hại nên liên hệ trực tiếp tới cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống để được hỗ trợ kịp thời;

Lừa đảo qua mạng có thể bị phạt tù chung thân
Lừa đảo qua mạng có thể bị phạt tù chung thân

Như vậy, nạn nhân bị lừa đảo qua mạng/lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng internet vẫn có thể lấy lại được tiền bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, số tiền lấy lại được là bao nhiêu, có thể lấy lại được toàn bộ hay không còn phụ thuộc vào từng vụ việc cũng như khả năng hoàn trả tiền của chính đối tượng lừa đảo.

Để nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ, giải quyết, giảm thiểu tối đa rủi ro từ hành vi lừa đảo, nạn nhân nên liên hệ trực tiếp tới cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống.

Trên đây là giải đáp về vấn đề lừa đảo qua mạng, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn kịp thời.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X