hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 29/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được mua nhà ở xã hội trả góp không?

Được mua nhà ở xã hội trả góp không? Lãi suất thế chấp vay ngân hàng mua nhà là bao nhiêu? Mua nhà ở xã hội phải trả trước bao nhiêu? Cùng tìm hiểu nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Được mua nhà ở xã hội trả góp không?
  • Mua nhà ở xã hội được vay ngân hàng không? 
  • Mua nhà ở xã hội trả trước bao nhiêu? 
  • Lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 2023 là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, chúng tôi dự định mua căn nhà ở xã hội tại thành phố A.

Tuy nhiên, chúng tôi không có đủ tiền để thanh toán cho chủ đầu tư theo tiến độ đã thỏa thuận.

Chủ đầu tư có hướng dẫn tôi vay trả góp tại ngân hàng.

Xin hỏi Luật sưu một số vấn đề sau đây:

Việc trả góp mua nhà ở xã hội và thế chấp bằng chính căn nhà đó thì có được không?

Vay trả góp có thể được thực hiện ở những ngân hàng nào?

Lãi suất vay là bao nhiêu?

Chúng tôi phải trả trước cho chủ đầu tư bao nhiêu tiền?

Chào bạn, mua nhà ở xã hội trả góp hay mua nhà ở xã hội thế chấp tại ngân hàng trong trường hợp của bạn được hiểu là vay ngân hàng, thế chấp bằng nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.

Việc mua nhà ở xã hội trong trường hợp này có sự khác biệt so với những trường hợp thông thường khác.

Chi tiết những thắc mắc của bạn được chúng tôi giải đáp như sau:

Được mua nhà ở xã hội trả góp không?

Việc được mua nhà ở xã hội trả góp hay không phụ thuộc vào các điều kiện vay, người nhận thế chấp.

Chi tiết được chúng tôi trình bày như dưới đây:

Mua nhà ở xã hội được vay ngân hàng không? 

Mua nhà ở xã hội trả góp tại ngân hàng là lựa chọn được nhiều người áp dụng nếu như chưa có đủ điều kiện về tài chính để thực hiện.

Đây là một trong những quyền của chủ sở hữu nhà ở theo Điều 10 Luật Nhà ở 2014.

Để được thế chấp/trả góp tại ngân hàng thì nhà ở, chủ sở hữu nhà ở phải thỏa mãn những điều kiện cơ bản tại Điều 118, Điều 119 Luật Nhà ở 2014 gồm:

  • Nhà ở xã hội có sẵn thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì không cần điều kiện về giấy chứng nhận;

  • Tại thời điểm thế chấp, nhà ở không thuộc diện có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

  • Người thế chấp phải là chủ sở hữu của căn nhà (là bên mua trực tiếp từ chủ đầu tư hoặc phải là người có tên trên giấy chứng nhận), có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định;

Ngoài ra, điều kiện đủ để chủ sở hữu nhà ở xã hội được thế chấp nhà ở xã hội tại ngân hàng là phải được ngân hàng đồng ý.

Nói cách khác, nhà ở xã hội, chủ sở hữu nhà ở xã hội phải thuộc đối tượng được cho vay tại ngân hàng nơi cấp vốn.

Điều kiện mua nhà ở xã hội trả gópĐiều kiện mua nhà ở xã hội trả góp

Thủ tục vay vốn tại ngân hàng để mua nhà ở xã hội được thực hiện theo những bước sau đây:

Bước 1: Ký hợp đồng vay, hợp đồng thế chấp

  • Hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản là nhà ở xã hội hình thành trong tương lai có thể lập riêng thành 2 hợp đồng hoặc lập chung thành 1 hợp đồng;

  • Riêng hợp đồng thế chấp nhà ở xã hội phải được công chứng/chứng thực;

Nội dung của hợp đồng thế chấp nhà ở xã hội có sẵn/nhà ở xã hội hình thành trong tương lai tuân thủ theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật về nhà ở;

Bước 2: Thực hiện đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền

Theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp (hợp đồng bảo đảm), bên có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền.

Bước 3: Giải ngân vốn theo hợp đồng vay

Sau khi đã được đăng ký thế chấp nhà ở xã hội theo thỏa thuận, ngân hàng tiến hành giải ngân vốn vay cho người mua nhà ở xã hội theo hợp đồng vay vốn.

Như vậy, việc mua nhà ở xã hội trả góp, mua nhà ở xã hội vay ngân hàng xã hội là quyền của người mua nhà/chủ sở hữu nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để được vay thì chủ sở hữu/bên mua nhà ở xã hội phải đảm bảo các điều kiện luật định và phải được ngân hàng nơi cho vay đồng ý.

 

Mua nhà ở xã hội trả trước bao nhiêu? 

Như chúng tôi đã trình bày, người mua nhà ở xã hội có thể thực hiện mua nhà ở xã hội trả góp tại ngân hàng.

Câu hỏi được đặt ra đối với nhiều người là vậy thì họ phải trả trước cho chủ đầu tư bao nhiêu để được thực hiện thủ tục thế chấp, vay vốn tại ngân hàng.

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, Luật Nhà ở 2014 về mua bán nhà ở xã hội thì tiến độ thanh toán (khoản 5 Điều 63) thì thời điểm ký thế chấp không phụ thuộc vào thời điểm thanh toán tiền mua nhà.

Bởi lẽ, một trong những điều kiện cơ bản để được ký thế chấp mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai là các bên đã ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.

Mà tiến độ thanh toán của người mua với chủ đầu tư có thể là tối đa 70% giá trị của nhà ở trước khi bàn giao nhà ở/hoặc tối đa 95% nếu như đã bàn giao và chưa có sổ đỏ.

Nói cách khác, việc thanh toán bao nhiêu cho chủ đầu tư để được thế chấp phụ thuộc vào tiến độ thanh toán theo hợp đồng mua bán nhà ở đã được ký kết, thời điểm người mua quyết định thế chấp nhà ở, ngân hàng chấp thuận cho vay, nhận thế chấp bằng nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.

Thực tế, để được ngân hàng hỗ trợ giải ngân sớm thì người mua có thể liên hệ, thực hiện vay vốn, thế chấp bằng nhà ở xã hội hình thành trong tương lai ngay khi ký hợp đồng mua bán.

Như vậy, số tiền phải trả trước cho chủ đầu tư để được mua nhà ở xã hội trả góp tại ngân hàng phụ thuộc tiến độ thanh toán tiền mua nhà đã được thỏa thuận với chủ đầu từ, thời điểm người mua, ngân hàng đồng ý vay, cho vay có tài sản thế chấp.

 Lãi suất vay mua nhà ở xã hội trả gópLãi suất vay mua nhà ở xã hội trả góp

Lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 2023 là bao nhiêu?

Mức lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội trả góp hiện nay có sự khác biệt giữa ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại có phần vốn góp/cổ phần của Nhà nước và các ngân hàng còn lại.

Theo đó, mức lãi suất cụ thể được áp dụng như sau:

  • Đối với ngân hàng chính sách xã hội: 4,8%/năm (Quyết định 486/QĐ-TTg 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại ngân hàng Chính sách xã hội);

  • Đối với ngân hàng thương mại có phần vốn Nhà nước áp dụng mức cho vay theo Công văn 2308/NHHH-TD ngày 1/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước:

    • Theo đó, mức lãi suất ưu đãi được áp dụng trong cho vay trung, dài hạn thấp hơn 1,5% - 2% so với trường hợp thông thường, được ấn định là 8,2%/năm cho đến hết ngày 30/6/2023;

    • Sau thời hạn này, cứ 6 tháng 1 lần, ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình hỗ trợ;

    • Thời hạn ưu đãi được tính đến hết ngày 31/12/20230;

    • Các ngân hàng thương mại có phần vốn Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank;

  • Đối với các ngân hàng còn lại: Thực hiện, quyết định tùy thuộc khả năng, nguồn vốn của mình;

Như vậy, mức lãi suất ưu đãi cho đối tượng được mua nhà ở xã hội trả góp tại các ngân hàng có thể là 4,8%/năm, 8,2%/năm hoặc con số khác, tùy thuộc ngân hàng cho vay.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề mua nhà ở xã hội trả góp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X