hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 03/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại chịu mức phạt bao nhiêu?

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc xử lý người phạm tội khi chưa gây thiệt hại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là gì?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi có đọc thấy thông tin phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tôi chưa hiểu rõ thế nào là phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại và như thế nào là phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn? Xin Luật sư giải đáp cho tôi. Chân thành cảm ơn.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Một số đặc điểm cơ bản của hai trường hợp phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn như sau:

- Đây là tình tiết giảm nhẹ được áp dụng đối với cả tội phạm có cấu thành vật chất (tội phạm mà hậu quả của hành vi phạm tội là điều kiện bắt buộc để xác định tội danh) và tội phạm có cấu thành hình thức (tội phạm mà hậu quả không là điều kiện bắt buộc để xác định tội danh);

- Để xác định là phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hay gây thiệt hại không lớn đều phải dựa trên tội phạm cụ thể được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015;

- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn đều nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội.

Hiện nay, Công văn trả lời số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Vụ 3 Viện kiểm sát tối cao gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn về phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là văn bản được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng trong giải quyết vụ án hình sự. Theo đó, việc định nghĩa phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn như sau:

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại.

Theo đó, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại có một số đặc điểm đặc trưng:

+ Là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế;

+ Tội phạm chưa thực hiện được trọn vẹn hành vi phạm tội;

+ Thường khi tội phạm chưa hoàn thành thì sẽ bị truy cứu với trường hợp phạm tội chưa đạt.

Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn là trường hợp đã có thiệt hại xảy ra nhưng thiệt hại đó không lớn hơn so với mức bình thường. Khi xác định hậu quả như thế nào là bình thường cần căn cứ vào các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, thiệt hại cụ thể đã gây ra cho người bị hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất) trong từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, một số đặc điểm đặc trưng để nhận biết phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn như sau:

+ Đã có thiệt hại xảy ra (có thể người phạm tội đã thực hiện xong hoặc chưa xong hành vi phạm tội);

+ Thiệt hại xảy ra không lớn hơn so với mức bình thường;

Ví dụ phân tích:

A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc laptop có giá trị 10 triệu đồng của B. Tuy nhiên, B để laptop ở phòng làm việc ở nhà mình, khi A vừa lấy trộm được chiếc laptop và di chuyển tới phòng khách nhà B thì bị B phát hiện. Sau khi giằng co, B lấy lại được chiếc máy tính. Hành vi của A đã đủ để cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Việc A không lấy được chiếc laptop ra khỏi nơi ở của B là trường hợp phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại.

Trường hợp nếu chiếc laptop mà A trộm được từ B có giá trị nhỏ hơn 02 triệu đồng, A đã bị kết án về tội cướp tài sản nhưng chưa được xóa án tích. A bị khởi tố với tội trộm cắp tài sản ở khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào quy định đã nêu trên, hành vi trộm cắp tài sản này có giá trị 02 triệu này của A có thể đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế xét xử hiện nay vẫn còn có hai nguồn quan điểm khác nhau giữa Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân về trường hợp phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn.

Ví dụ: A trộm tài sản của B với giá trị 10 triệu đồng, A đã lấy được tài sản ra khỏi nhà của B nhưng khi ra tới đầu ngõ thì B kiểm tra máy quay an ninh tự lắp đặt trong nhà và đã phát hiện hành vi trộm cắp của A. B hô hoán hàng xóm để giữ A lại không cho tẩu thoát, đồng thời, lấy lại tài sản.

+ Nếu đối chiếu theo hướng dẫn tại Công văn số 994/VKSTC-V3 thì A không thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ chưa gây thiệt hại được vì A đã mang tài sản ra khỏi nơi cư trú của B.

+ Nếu đối chiếu với Sổ tay thẩm phán (tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với thẩm phán) thì A vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, do Sổ tay thẩm phán ghi nhận: Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).

Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào khác hướng dẫn chi tiết hơn cho tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này. Do vậy, khi xác định đó là phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hay phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, tội danh cụ thể được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Kết luận: Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc xác định như thế nào là phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn được chúng tôi giải đáp ở trên.

pham toi nhung chua gay thiet hai

Mức phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi là nhẹ hơn so với điều luật quy định (Ảnh minh họa)

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải chịu mức phạt bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn bị chịu mức phạt như thế nào?

Ví dụ: A có hành vi cố ý gây thương tích cho B. Mức thương tật sau khi giám định là 3%. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi A sẽ bị chịu mức tù như thế nào? Được biết A đã thành niên, đầy đủ năng lực hành vi dân sự, lần đầu tiên phạm tội, hung khí để A gây thương tích cho B là ống tuýp nhọn, dài.

Xin chân thành cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:

Trước hết, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội (điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015). Do đó, khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp này Tòa án sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

Điều 50. Căn cứ quyết định hình phạt

1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

Theo đó, tùy thuộc từng tội phạm, tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thân nhân người phạm tội, cân nhắc tới tính chất/mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà mức phạt của người phạm tội sẽ khác nhau.

Người phạm tội có thể được xem xét cho hưởng mức phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ; Hoặc một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể (Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015).

Đối với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, mức độ thương tật, thương tích là 3% sau khi được giám định, có hung khí là vật nhọn gây nguy hiểm, chúng tôi phỏng đoán rằng, việc khởi tố vụ án hình sự là theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Lúc này, có thể A có thể đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 cho mình. Lý do là mức phần trăm thương tật thương tích là nhẹ, không gây nhiều tổn hại tới sức khỏe.

Do không được tiếp cận cụ thể hồ sơ vụ việc nên việc áp dụng mức hình phạt cụ thể mà Tòa án áp dụng sẽ được căn cứ theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 như chúng tôi đã nêu ở trên. Trong đó, khung hình phạt được áp dụng tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Từ các căn cứ nêu trên, đối chiếu với tình huống cụ thể của A, Tòa án sẽ quyết định mức phạt phù hợp.

Kết luận: Việc quyết định mức phạt đối với trường hợp có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải tuân thủ theo nguyên tắc như chúng tôi đã giải đáp ở trên. Tùy thuộc từng tội danh, tính chất/mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, các tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng trách nhiệm hình sự, thân nhân người phạm tội để Tòa án có thể quyết định mức phạt phù hợp.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội thế nào?

>> Có phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X