hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định mừng thọ người cao tuổi năm 2024: Độ tuổi, mức tiền mừng thọ

Mừng thọ người cao tuổi là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam và cũng được quy định trong pháp luật. Dưới đây là quy định mừng thọ người cao tuổi năm 2024, bạn đọc cùng tham khảo

Mục lục bài viết
  • Quy định mừng thọ người cao tuổi
  • Mức tiền mừng thọ người cao tuổi
Câu hỏi: Quy định mừng thọ người cao tuổi năm 2024: Độ tuổi, mức tiền mừng thọ như thế nào? Ông tôi sắp tới 70 tuổi không biết đã được nhận mừng thọ chưa?

Quy định mừng thọ người cao tuổi

 Quy định mừng thọ người cao tuổi

Mừng thọ là bao nhiêu tuổi?

Mừng thọ được đề cập trong bài viết này là hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chính quyền các địa phương tổ chức chúc mừng thọ đối với người cao tuổi (khi đạt độ tuổi nhất định). 

Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì các cụ ông, cụ bà được mừng thọ khi đạt các độ tuổi sau đây: 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi, 85 tuổi, 90 tuổi, 95 tuổi và 100 tuổi trở lên.

Việc mừng thọ được tổ chức vào một trong các dịp cụ thể dưới đây:

- Ngày người cao tuổi Việt Nam: Ngày 06/6 dương lịch hàng năm;

- Ngày Quốc tế người cao tuổi: Ngày 01/10 dương lịch hàng năm;

- Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền của nước ta);

- Sinh nhật của người cao tuổi đạt độ tuổi được mừng thọ.

Trên thực tế, các địa phương thường lựa chọn dịp Tết Nguyên đán để tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ ông cụ bà bởi lẽ đây là thời gian đoàn tụ cùng gia đình, là thời điểm sum họp nhất đối với mỗi gia đình. Việc tổ chức mừng thọ vào dịp này sẽ vô cùng ý nghĩa bởi các cụ sẽ có đông con cháu cùng chúc mừng và là một việc vô cùng ý nghĩa vào dịp đầu năm mới.

Chi tiết về thời gian, chương trình tổ chức, mỗi địa phương sẽ tự sắp xếp, bố trí và thông báo đến những người được mừng thọ để họ tham dự đầy đủ.

Căn cứ quy định tại  Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL thì việc tổ chức buổi lễ mừng thọ cho người cao tuổi được thực hiện theo trình tự nhất định, đảm bảo quy định về việc trang trí, trang phục và phải tuân thủ một số nguyên tắc.

- Trang trí: Buổi lễ được trang trí một cách trang nghiêm, có treo Quốc kỳ, tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, logo hội người cao tuổi, có dán tên tiêu đề buổi lễ, hoa trang trí và khẩu hiệu buổi lễ (nếu có).

- Trang phục: Người cao tuổi được mừng thọ trong buổi lễ sẽ mặc trang phục truyền thống, riêng những người tham dự buổi lễ cũng phải ăn mặc lịch sự, đẹp, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục.

- Trình tự: Buổi lễ diễn ra 9 bước gồm (1) Thông báo chương trình của buổi lễ, (2) Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, (3) Phát biểu khai mạc, (4) Công bố danh sách những người cao tuổi được tổ chức mừng thọ, (5) Trao giấy mừng thọ và tặng quà, (6) Văn nghệ chúc mừng, (7) Đại diện lãnh đạo địa phương phát biểu chúc mừng, (8) Người được mừng thọ/đại diện những người được mừng thọ phát biểu ý kiến về buổi lễ và (9) Kết thúc buổi lễ mừng thọ.

- Nguyên tắc cần đảm bảo trong việc tổ chức lễ mừng thọ:

Người điều hành buổi lễ mừng thọ phải là đại diện lãnh đạo Hội người cao tuổi ở cấp xã.

Với người được mừng thọ bị ốm, yếu không đến dự lễ trực tiếp thì ban tổ chức phải đến tận nơi để trao giấy mừng thọ và tặng quà cho người này.

Việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi tại gia đình phải đảm bảo: trang trọng, vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với văn hóa của từng địa phương, phù hợp với tôn giáo, hoàn cảnh của gia đình.

Mừng thọ 90 tuổi gọi là gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL thì lễ mừng thọ khi cụ ông, cụ bà đủ 90 tuổi được gọi là "lễ mừng thượng thượng thọ".

Mừng thọ 100 tuổi gọi là gì?

Cũng theo nội dung tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL, lễ mừng thọ khi cụ ông, cụ bà đủ 100 tuổi được gọi là "lễ mừng thượng thượng thọ".

Ngoài ra, theo quy định này thì người đủ 70 tuổi và đủ 75 tuổi khi tổ chức sẽ được gọi là "lễ mừng thọ". Tên gọi "lễ mừng thượng thọ" áp dụng cho buổi lễ chúc mừng thọ đối với người đủ 80 tuổi, đủ 85 tuổi. Nếu nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng được tổ chức mừng thọ trong cùng một buổi lễ thì được gọi chung là "lễ mừng thọ".

Mức tiền mừng thọ người cao tuổi

Mức tiền mừng thọ người cao tuổi

* Về mức tiền mừng thọ:

Căn cứ quy định tại Thông tư 96/2018/TT-BTC thì mức tiền mừng thọ người cao tuổi hiện nay được quy định theo từng độ tuổi khác nhau:

- Người cao tuổi thọ 100 tuổi: Được mừng tiền mặt 700 nghìn đồng. Ngoài ra người này được tặng 05 mét vải lụa và được Chủ tịch nước chúc thọ.

- Người cao tuổi thọ 90 tuổi: Được mừng tiền mặt 500 nghìn đồng. Ngoài ra người này được tặng quà bằng hiện vật có trị giá là 150 nghìn đồng và được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ.

Mức tiền mừng thọ này là mức tối thiểu. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể tiến hành xem xét, quyết định mức chi tiền mừng thọ cao hơn mức nêu trên.

- Người cao tuổi thọ 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi, 85 tuổi, 95 tuổi và trên 100 tuổi: Mức tiền mừng thọ, quà mừng thọ sẽ do Hội đồng nhân tỉnh tỉnh của mỗi địa phương xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh.

* Về kinh phí:

- Mừng thọ người 100 tuổi, 90 tuổi và quà tặng: Kinh phí và tiền quà tặngnằm trong dự toán chi kinh phí thường xuyên hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Mừng thọ người 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi, 85 tuổi, 95 tuổi và trên 100 tuổi: Kinh phí mừng thọ và tiền quà tặng được phân bổ trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn vị được giao nhiệm vụ tặng quà cho người cao tuổi theo phân cấp của từng địa phương khác nhau.

Trên đây là "Quy định mừng thọ người cao tuổi năm 2024: Độ tuổi, mức tiền mừng thọ". Nếu còn vấn đề gì còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, mọi người có thể  liên hệ tổng đài  19006199 để được giải đáp một cách nhanh chóng và nhiệt tình nhất.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X