hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 21/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tài sản góp vốn điều lệ gồm những gì? Thời hạn góp vốn bao lâu?

Vốn điều lệ là cơ sở xác định tỷ lệ phần vốn góp hoặc sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong một doanh nghiệp. Tỷ lệ vốn góp cũng là cơ sở phân chia quyền, lợi ích, nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông. Hiện nay, quy định về góp vốn điều lệ ra sao?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi về quy định góp vốn điều lệ với các loại hình công ty hiện nay như thế nào? Về tài sản góp vốn, thời hạn góp ra sao?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Chúng tôi xin cung cấp các thông tin liên quan đến câu hỏi của bạn. Đầu tiên, cùng tìm hiểu về vốn điều lệ.


Vốn điều lệ là gì?

Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Cũng theo Điều 34 Luật này thì tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi; có thể là vàng, quyền sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, công nghệ, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Bên cạnh đó, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Về quy định góp vốn, chúng tôi liệt kê thông tin theo các loại hình doanh nghiệp như dưới đây.

quy dinh ve gop von dieu le
Mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định góp vốn điều lệ khác nhau. (Ảnh minh họa)


Quy định về góp vốn điều lệ với công ty TNHH MTV

Tại khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp thì vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) khi đăng ký thành lập doanh nghiệp chính là tổng giá trị tài sản do người làm chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Người chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ - đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời gian 90 ngày (tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)

90 ngày nêu trên không bao gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời gian này, người sở hữu công ty có các quyền, nghĩa vụ tương ứng phần vốn góp đã cam kết.

Trong thời hạn quy định, nếu không góp đủ vốn điều lệ, người sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Đồng thời chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết với nghĩa vụ tài chính phát sinh của công ty trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ .

Chủ sở hữu công ty cũng phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp đúng hạn, hoặc góp không đủ vốn điều lệ theo quy định.


Quy định về góp vốn điều lệ với công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp, thành viên phải góp vốn cho công ty đủ, đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong 90 ngày (tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)

90 ngày nói trên không kể thời gian các khâu vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính chuyển quyền sở hữu tài sản.

Trong thời hạn này, thành viên có quyền, nghĩa vụ tương ứng tỷ lệ phần vốn góp.

Ngoài ra, thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết khi được 50% số thành viên còn lại tán thành.


Quy định về góp vốn điều lệ với công ty cổ phần

Về quy định góp vốn với loại hình công ty này được quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày (tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)

Trừ trường hợp Điều lệ công ty hay hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định thời hạn khác ngắn hơn.

Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn.

Hội đồng quản trị sẽ chịu trách nhiệm về việc giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

quy dinh ve gop von dieu le
Góp vốn điều lệ được thực hiện bởi người đại diện doanh nghiệp theo pháp luật. (Ảnh minh họa)


Quy định về góp vốn điều lệ với doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân là do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với doanh nghiệp tư nhân mà mình thành lập.

Chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, vốn bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác…

Riêng vốn bằng tài sản khác: ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị…

Toàn bộ vốn, tài sản (kể cả vốn vay và tài sản thuê) được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, việc này phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán.

Nếu chủ doanh nghiệp tư nhân giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chỉ được giảm vốn sau khi đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.


Khi góp vốn điều lệ, ai làm người đại diện theo pháp luật?

Tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp quy định người đại diện theo pháp luật như sau:

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có 01 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Điều lệ công ty sẽ quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý, quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Khi tiến hành thành lập công ty, hoặc tham gia góp vốn, điều đầu tiên cần tìm hiểu là các quy định về việc góp vốn trong doanh nghiệp. Cụ thể:

Quy định về vốn điều lệ của các loại hình doanh nghiệp ra sao?

Có thể góp vốn bằng những tài sản nào?

Thời hạn góp vốn trong thời gian bao lâu?

Hi vọng những nội dung trên đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến quy định về vốn điều lệ cho bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Có phải chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp?

Có thể bạn quan tâm

X