hieuluat
Chia sẻ email

Tái bảo hiểm là gì? Một số quy định về tái bảo hiểm

Tái bảo hiểm được biết đến là một hoạt động giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm điều tiết được hoạt động cũng như giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Vậy tái bảo hiểm là gì? Một số quy định về tái bảo hiểm hiện nay.

 

Tái bảo hiểm là gì? Các hình thức tái bảo hiểm

Tái bảo hiểm là gì?

Pháp luật hiện hành tuy chưa có quy định cụ thể về khái niệm “tái bảo hiểm” nhưng trên thực tế hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm được hiểu là việc một doanh nghiệp bảo hiểm chuyển nhượng trách nhiệm và quyền lợi bảo hiểm của mình đối với khách hàng được bảo hiểm cho một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khác.

Về bản chất, theo các quy định tại  Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì tái bảo hiểm là một hoạt động chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm khác khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đứng ra bảo hiểm cho khách hàng gặp phải rủi ro trong hoạt động kinh doanh và không đủ khả năng chi trả bảo hiểm.

Việc tái bảo hiểm có thể được hiểu đơn giản hơn nữa là doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm giữa bên được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp rủi ro.

Việc tái bảo hiểm cho doanh nghiệp khác sẽ thực hiện theo chỉ định của bên được bảo hiểm nhưng không được phép vượt quá 90% mức trách nhiệm bảo hiểm.

Tuỳ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như nhu cầu của khách hàng được bảo hiểm thì hoạt động tái bảo hiểm bao gồm 03 loại sau:

  • Tái bảo hiểm tạm thời: Đối với hình thức tái bảo hiểm này thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bảo hiểm cho khách hàng chuyển nhượng từng dịch vụ bảo hiểm hoặc từng đơn bảo hiểm riêng lẻ cho doanh nghiệp tái bảo hiểm.

    Theo đó, doanh nghiệp tái bảo hiểm có thể xem xét, cân nhắc để nhận tái bảo hiểm hay không hoặc từ chối hoặc chỉ nhận tái bảo hiểm đối với một tỷ lệ nhất định mà họ thấy hợp lý và bảo đảm;

  • Tái bảo hiểm cố định: Trái ngược hoàn toàn với tái bảo hiểm tạm thời thì đối với hoạt động tái bảo hiểm cố định này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chuyển tất cả trách nhiệm của mình theo hợp đồng bảo hiểm gốc đã ký với khách hàng sang cho doanh nghiệp tái bảo hiểm.

    Trong trường hợp này, doanh nghiệp tái bảo hiểm không có quyền xem xét để nhận một phần trách nhiệm mà buộc phải nhận bảo hiểm tất cả đối với những rủi ro được chuyển nhượng;

  • Tái bảo hiểm lựa chọn- bắt buộc: Có thể nói đây là hình thức tái bảo hiểm kết hợp giữa hai hình thức tái bảo hiểm trên.

    Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể chuyển nhượng một phần dịch vụ bảo hiểm nhưng bắt buộc doanh nghiệp tái bảo hiểm phải chấp nhận thực hiện tất cả trách nhiệm mà phái doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận chuyển nhượng.

Nhượng tái bảo hiểm là gì?

“Tái bảo hiểm” và “nhượng tái bảo hiểm” là hai hoạt động dễ gây nhầm lẫn cho những người quan tâm đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì “Nhượng tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm.”

Nếu như tái bảo hiểm là hoạt động chia sẻ rủi ro của doanh nghiệp tái bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm thì hoạt động nhượng tái bảo hiểm là hoạt động chia sẻ rủi ro đối với cả doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm.

Vai trò của tái bảo hiểm được quy định thế nào?

Vai trò của tái bảo hiểm

Vai trò của tái bảo hiểm

Xét về bản chất, tái bảo hiểm là hoạt động chia sẻ rủi ro trong trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc với doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Theo đó, có thể nhìn nhận một số vai trò cụ thể của tái bảo hiểm như:

  • Phân tán và hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm gốc: Trong hoạt động kinh doanh nói chung hay hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói riêng thì rủi ro là vấn đề khó tránh khỏi.

Do đó, việc chia sẻ rủi ro để doanh nghiệp tái bảo hiểm hỗ trợ trách nhiệm với khách hàng là một vai trò quan trọng của tái bảo hiểm;

  • Giúp điều tiết và ổn định nguồn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm gốc:

    Trước những rủi ro có thể phải đối mặt thì việc tái bảo hiểm giúp cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc ổn định là về mặt tài chính do có sự hỗ trợ của doanh nghiệp tái bảo hiểm;

  • Tái bảo hiểm giúp khách hàng an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ bảo hiểm:

    Khi khách hàng mua bảo hiểm gặp sự cố, rủi ro trong phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhưng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc lại không có khả năng thanh toán kịp thời thì bên được bảo hiểm vẫn được nhận bồi thường đầy đủ từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp tái bảo hiểm…

Như vậy, có thể thấy, hoạt động tái bảo hiểm không chỉ là một hoạt động hỗ trợ giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà còn là hoạt động nhằm mục đích đảm bảo và tôn trọng lợi ích khách hàng khi tham gia vào hợp đồng bảo hiểm.

Tái bảo hiểm mang đến sự yên tâm và củng cố niềm tin cho khách hàng khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm.

Đặc điểm của hợp đồng tái bảo hiểm

Đặc điểm của hợp đồng tái bảo hiểm

Đặc điểm của hợp đồng tái bảo hiểm

Hợp đồng tái bảo hiểm được ký kết giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc với doanh nghiệp tái bảo hiểm với mục đích chia sẻ rủi ro và hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc. Theo đó, hợp đồng tái bảo hiểm có những đặc điểm nổi bật như:

  • Hợp đồng tái bảo hiểm chỉ được ký kết khi đã có hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc với người tham gia bảo hiểm;

  • Đối tượng của hợp đồng tái bảo hiểm là trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc với bên tham gia bảo hiểm khi gặp sự cố, rủi ro;

  • Hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng mang tính độc lập. Về bản chất, khi khách hàng mua bảo hiểm gặp rủi ro thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc vẫn phải thực hiện trách nhiệm của mình theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với khách hàng.

    Nhưng nếu việc bảo hiểm có xảy ra rủi ro hay thiệt hại thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc sẽ được doanh nghiệp tái bảo hiểm bồi hoàn một khoản trong phạm vi hợp đồng tái bảo hiểm;

  • Hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng có nghĩa vụ qua lại;

  • Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc là doanh nghiệp có trách nhiệm duy nhất đối với người tham gia bảo hiểm.

Trên đây là những quy định về tái bảo hiểm hiện nay mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên , vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X