hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 08/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào? Cách tính chuẩn thế nào?

Biết cách tính thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào sẽ giúp người lao động có kế hoạch sắp xếp thời gian để quay lại làm việc và chu toàn việc chăm sóc con.

Mục lục bài viết
  • Nghỉ thai sản 180 ngày hay 183 ngày?
  • Thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào? Cách tính chuẩn thế nào?
  • Thời gian nghỉ thai sản trùng lễ, Tết thì có được nghỉ bù không?
  • Hết thời gian nghỉ 6 tháng thai sản thì có được nghỉ thêm không?

Nghỉ thai sản 180 ngày hay 183 ngày?

Câu hỏi: Em được biết theo quy định hiện nay, sinh con được nghỉ chế độ thai sản là 6 tháng. Có phải chế độ thai sản tính theo ngày là 180 ngày không ạ, hay là 183 ạ? ( Vì có những tháng có 31 ngày)?

Theo nội dung Điều 34 Luật BHXH hiện hành thì tổng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì mẹ được nghỉ thêm 01 tháng tính từ con thứ hai trở đi.

Như vậy, thời gian nghỉ thai sản được quy định theo tháng chứ không phải theo ngày.

Thông thường, tính nghỉ thai sản theo tháng được tính từ ngày a của tháng này đến ngày a-1 của 06 tháng sau.

Chẳng hạn, chị A nghỉ thai sản từ 01/1/2023 thì ngày cuối cùng để nghỉ thai sản là 30/6/2023.

Thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào? Cách tính chuẩn thế nào?

Câu hỏi: Tôi nghỉ phép trước sinh con, dự kiến đến 29/5 tôi mới sinh. Tuy nhiên đến ngày 20/5 tôi vỡ ối và sinh con sớm. Như vậy, nếu sinh con trong thời gian nghỉ phép thì thời điểm nghỉ thai sản hưởng bảo hiểm xã hội tính từ sau khi tôi hết thời gian nghỉ phép hay căn cứ vào ngày tôi sinh con thực tế?

Thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào là thắc mắc chung của nhiều người lao động. Theo khoản 1 Điều 34 Luật BHXH, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con được quy về đơn vị tháng, cụ thể:

- Lao động nữ sinh con được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng.

- Nếu là sinh đôi trở lên thì cứ thêm mỗi con tính từ con thứ hai trở đi, người mẹ có thêm 1 tháng nghỉ.

Để tính thời gian nghỉ thai sản chuẩn, ta có thể dựa vào ngày xin nghỉ trước sinh và ngày thực tế sinh con. Cụ thể:

- Trường hợp người lao động sinh con ngày nào thì ngày nghỉ thai sản được tính luôn từ ngày đó.

Ví dụ: Chị L sinh con ngày 1/6/2023 thì ngày bắt đầu hưởng thai sản tính từ 1/6/2023 cho đến hết 30/11/2023.

- Trường hợp xin nghỉ trước sinh không quá 02 tháng: ngày bắt đầu hưởng thai sản được tính từ ngày xin nghỉ.

Ví dụ: Bạn dự sinh vào tháng 29/5/2023 nhưng đã xin nghỉ trước và sinh con sớm hơn dự kiến (20/5). Do vậy, thời gian nghỉ thai sản của bạn phải tính từ tháng 29/5/2023.

Thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào?
Thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào?

Thời gian nghỉ thai sản trùng lễ, Tết thì có được nghỉ bù không?

Câu hỏi: Tôi có 1 thắc mắc rất mong được Hieuluat giải đáp giúp: Nếu thời kỳ nghỉ thai sản trùng với đợt nghỉ lễ của cả nước thì có được nghỉ bù không?

Căn cứ nội dung Điều 34 Luật BHXH 2014 có thể thấy: thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ hoặc Tết trong năm.

Như vậy, thời gian nghỉ thai sản (áp dụng cho cả nam và nữ) mà trùng vào những ngày nghỉ như trên thì người đó sẽ không được giải quyết nghỉ bù.

Hết thời gian nghỉ 6 tháng thai sản thì có được nghỉ thêm không?

Câu hỏi: Vợ tôi sắp hết thời gian nghỉ thai sản nhưng sức khỏe còn yếu nên chưa muốn quay lại làm việc. Liệu trường hợp của vợ tôi muốn nghỉ thêm thì có được không?

Sau khi hết 6 tháng nghỉ thai sản, người lao động về nguyên tắc phải quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, nếu cảm thấy sức khỏe chưa phục hồi hoặc có những lý do cá nhân khác thì lao động nữ có thể xin nghỉ thêm, cụ thể:

Xin nghỉ dưỡng sức sau sinh:

Theo Điều 41 Luật BHXH 2014, lao động nữ ngay sau khi kết thúc thời kỳ thai sản vẫn có thể xin nghỉ tiếp nếu trong 30 ngày đầu quay trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa hoàn toàn phục hồi.

Số ngày nghỉ cụ thể sẽ tùy thuộc vào công ty và Công đoàn, tuy nhiên không được vượt quá:

  • 10 ngày trong trường hợp lao động nữ sinh đôi;
  • 07 ngày trong trường hợp sinh mổ;
  • 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Nếu nghỉ theo phương án này, lao động nữ còn được thanh toán tiền dưỡng sức với mức 30% lương cơ sở/ngày.

Xin nghỉ không lương:

Quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật lao động 2019 cho phép lao động nữ sau sinh được nghỉ không lương khi có nhu cầu sau khi đã thỏa thuận với công ty. Khoảng thời gian được nghỉ sẽ do 02 bên cùng thống nhất.

Trên đây là giải đáp thời gian nghỉ thai sản tính từ ngày nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X