hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 21/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như thế nào?

Hiện nay, nhu cầu thành lập nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo tư thục ngày càng cao. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như thế nào? Nhóm trẻ tư thục có tư cách pháp nhân không? Cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau để nắm được quy định hiện hành.

Mục lục bài viết
  • Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là gì?
  • Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
  • Điều kiện cần đáp ứng để thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
  • Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như thế nào?
  • Nhóm trẻ tư thục có tối đa bao nhiêu trẻ?
Câu hỏi: Câu hỏi: Hiện nay tôi đang muốn thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập mà không biết phải thực hiện như thế nào cho đúng quy định? Nhóm trẻ tư thục có tối đa bao nhiêu trẻ? Có tư cách pháp nhân và có phải đóng thuế hay không? Rất mong nhận được giải đáp.

Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là gì?

Căn cứ Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT thì nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là hình thức tổ chức trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Theo đó, nhóm trẻ bao gồm các bé trong độ tuổi từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi. 

 Lớp mẫu giáo độc lập gồm các bé từ 03 tuổi - 06 tuổi.

Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

Điều kiện cần đáp ứng để thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

Trước tiên, chủ cơ sở có thể là cá nhân hoặc tổ chức (cá nhân đại diện cho tổ chức xin phép thành lập). Theo Điều 11 Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT thì chủ cơ sở là công dân Việt Nam dưới 65 tuổi, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, và phải tốt nghiệp cấp 3 trở lên.

Bên cạnh đó, theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP thì việc thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải đảm bảo các điều kiện sau:

* Thứ nhất, giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và sức khỏe.

* Thứ hai, phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em phải đảm bảo an toàn:

- Diện tích tối thiểu 1,5 m2 cho 01 trẻ;

- Có chỗ để trẻ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn;

- Có bếp riêng và an toàn đối với nơi có tổ chức an cho trẻ;

- Đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Có đủ nước uống hàng ngày cho trẻ và đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt.

* Thứ ba, trang thiết bị

- Đối với một nhóm trẻ độc lập:

  • Thiết bị tối thiểu cho trẻ gồm: Chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn để ngủ, dụng cụ đựng nước uống, đồ dùng, đồ chơi và giá để, giá để khăn và ca, cốc, có đủ bô đi vệ sinh và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi - tập có chủ đích;

  • Tài liệu cho người nuôi dạy trẻ em, gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ; sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

- Đối với một lớp mẫu giáo độc lập:

  • Thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; đồ dùng, đồ chơi và giá để; bình đựng nước uống, nước sinh hoạt; tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích.

  • Lớp bán trú: Có chiếu hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt;

  • Tài liệu cho giáo viên mẫu giáo gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ em; sổ ghi chép tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ em trong ngày; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

* Lưu ý, trường hợp đặc biệt.

Những địa phương mà mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp thì việc tổ chức nhóm trẻ phải đảm bảo điều kiện:

- Tối đa 07 trẻ em trong nhóm trẻ;

- Người chăm sóc trẻ em: Có đủ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;

- Cơ sở vật chất:

+ Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em: Diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát;

+ Có đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em;

+ Nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em hằng ngày đảm bảo đủ;

+ Có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em;

+ Có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như thế nào?

Khi đã đáp ứng các điều kiện nêu trên, thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tiến hành theo quy định tại Điều 11 Nghị định 46/2017/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm có:

- Tờ trình đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (01 bản chính)

- Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục có thể thuê trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà nước, cơ sở giáo dục công lập không sử dụng để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật;

- Các văn bằng hoặc chứng chỉ của giáo viên, người chăm sóc trẻ em (01 bản sao).

Người làm hồ sơ lưu ý chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ theo quy định nêu trên. Bản sao có thể là bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu nội dung.

Bước 2: Gửi hồ sơ đã chuẩn bị đến cơ quan có thẩm quyền

- Hình thức gửi hồ sơ: Gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Tùy thuộc vào điều kiện mà lựa chọn hình thức phù hợp.

- Nơi nhận: UBND xã nơi thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết

- UBND xã tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định hồ sơ trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho người nộp. Người nộp hồ sơ tiến hành sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với quy định pháp luật.

+ Nếu hồ sơ đảm bảo yêu cầu: Gửi văn bản đến Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi xin thành lập đề nghị kiểm tra thực tế các điều kiện.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra thực tế các điều kiện thành lập đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Thời hạn thực hiện: 10 ngày làm việc và gửi kết quả kiểm tra về cho UBND xã.

Bước 4: Nhận kết quả

Trong 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được văn bản trả lời của Phòng Giáo dục, Chủ tịch UBND xã có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập.

Trường hợp chưa quyết định thì thông báo cho người nộp hồ sơ và Phòng Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Như vậy, tổng thời gian giải quyết để được cấp phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.

Nhóm trẻ tư thục có tối đa bao nhiêu trẻ?

Nhóm trẻ tư thục có bao nhiêu trẻ?

Theo Điều 14 Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT thì một nhóm trẻ có tối đa:

- Nhóm trẻ từ 03 - 12 tháng tuổi: 12 trẻ em;

- Nhóm trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi: 20 trẻ em;

- Nhóm trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi: 25 trẻ em.

Và mỗi nhóm trẻ có không quá 01 trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Nếu số lượng trẻ không đủ 50% số trẻ tối đa nêu trên thì có thể tổ chức thành nhóm trẻ ghép có không quá 20 trẻ em.

Việc quy định số lượng trẻ em tối đa trong mỗi nhóm trẻ sẽ giúp cho giáo viên/người chăm sóc thực hiện việc giảng dạy, chăm sóc, quản lý các em dễ dàng, đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhóm trẻ tư thục có tư cách pháp nhân không?

Điều 2 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT quy định như sau:

“1. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

2. Nhà trường, nhà trẻ tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng”.

Theo quy định nêu trên thì nhóm trẻ tư thục có tư cách pháp nhân. Chính vì vậy, hoạt động của cơ sở này phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành.

Nhóm trẻ tư thục có đóng thuế không?

Nhóm trẻ tư thục có đóng thuế không?

* Thuế môn bài (lệ phí môn bài)

Theo Điều 3 Thông tư 302/2016/TT-BTC, nếu chủ cơ sở nhóm trẻ tư thực là cá nhân có doanh thu hàng năm là từ 100 triệu đồng trở xuống thì được miễn lệ phí môn bài.

* Thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BCT thì nhóm trẻ tư thục hoạt động có thu các khoản tiền ăn, đưa đón học sinh hay các khoản thu hộ khác thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng.

* Thuế thu nhập cá nhân

Trường hợp chủ cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là cá nhân thì căn cứ Điều 1, Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân này sẽ:

- Nộp thuế thu nhập cá nhân: nếu doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.

- Không phải nộp thuế thu nhập cá nhân: nếu doanh thu đạt dưới 100 triệu đồng.

* Thuế thu nhập doanh nghiệp

Trường hợp chủ cơ sở là tổ chức, thì việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo như sau:

- Đơn vị thực hiện chế độ kế toán và tiến hành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai.

- Đơn vị không thực hiện chế độ kế toán, hoặc hạch toán không đảm bảo quy định pháp luật dẫn đến việc không thể căn cứ vào hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán để xác định thuế thì cơ quan thuế sẽ ấn định tiền thuế.

Theo đó thì nhóm trẻ tư thục phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Trên đây là những thông tin về thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu về số lượng trẻ và quy định nộp thuế mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X