hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 21/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội mua bán tài khoản ngân hàng bị phạt thế nào?

Việc mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra khá phổ biến và những hệ lụy của nó ngày một nhiều, gây ra nhiều rủi ro cho chủ tài khoản và ngân hàng khi những tài khoản này được đem đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thế nào là mua bán tài khoản ngân hàng?

Pháp luật hiện hành không có quy định về khái niệm “tài khoản ngân hàng”. Theo cách hiểu thông thường, tài khoản ngân hàng là tài sản của ngân hàng cấp cho khách hàng để họ gửi tiền vào tài khoản đó nhằm thực hiện 2 mục đích chính là thanh toán và tiết kiệm.

Dù không có khái niệm về tài khoản ngân hàng nhưng khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đưa ta khái niệm về tài khoản thanh toán. Theo đó, tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.

Từ những căn cứ trên, có thể hiểu, tài khoản ngân hàng là một dạng tài sản của ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch như chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán,…

Tài khoản ngân hàng thường gồm 02 loại:

- Tài khoản thanh toán: Với tài khoản này, khách hàng sẽ gửi tiền vào, sau đó dùng để thanh toán các hóa đơn dịch vụ, chuyển rút tiền… Tiền gửi trong tài khoản thanh toán nếu chưa sử dụng đều được ngân hàng trả lãi suất, thường là lãi suất của loại tiền gửi không kỳ hạn nên rất thấp và không đáng kể.

- Tài khoản tiết kiệm: Với tài khoản tiết kiệm, khách hàng gửi tiền vào để lấy lãi.

Vì thế, thông thường, việc mua bán tài khoản ngân hàng diễn ra với tài khoản thanh toán bởi tài khoản này có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển – nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp.

Tuy nhiên, hiện nay tài khoản ngân hàng cá nhân không thể sang tên đổi chủ, nghĩa là việc mua bán diễn ra hoàn toàn phi pháp.

Việc mua bán tài khoản ngân hàng thường được diễn ra như sau: A mở tài khoản ở ngân hàng B, sau khi bán tài khoản này cho C, mỗi lần có tài khoản chuyển vào thì A rút ra và giao cho C, sau đó nhận tiền công.

Hoặc, A mở tài khoản ngân hàng và bàn giao cho C, sau đó C sử dụng tài khoản bằng cách đăng nhập Internet banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác.

toi mua ban tai khoan ngan hang

Tội mua bán tài khoản ngân hàng bị phạt thế nào?

Việc mua bán những thông tin về tài khoản ngân hàng tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về mặt hành chính, theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 143/2021, mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán;

- Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng với người cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên.

- Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.

Đồng thời, người vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về mặt hình sự, Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội này có 04 yếu tố cấu thành tội phạm gồm:

- Khách thể: xâm phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

- Chủ thể: người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Mặt khách quan: Thực hiện hành vi trao đổi, thỏa thuận mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm có được các thông tin về tài khoản để thu lợi bất chính. Số lượng tài khoản mua bán thông tin từ 20 tài khoản ngân hàng trở lên hoặc dưới 20 tài khoản ngân hàng nhưng thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên.

- Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Trên đây là giải đáp tội mua bán tài khoản ngân hàng bị phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X