hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 30/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hiểu thế nào là tội sử dụng trái phép tài sản?

Dấu hiệu nhận biết tội sử dụng trái phép tài sản là gì? Tội phạm này bị xử lý ra sao? ...Những vấn đề pháp lý về tội phạm này được HieuLuat giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, hàng xóm nhà tôi vừa bị bắt với tội danh sử dụng trái phép tài sản. Tôi muốn hỏi tội danh này được nhận biết như thế nào? Và tội danh này bị xử lý ra sao thưa Luật sư?

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp những vướng mắc pháp lý liên quan đến tội sử dụng trái phép tài sản mà bạn đang quan tâm như sau:

Dấu hiệu nhận biết tội sử dụng trái phép tài sản là gì?

Tội sử dụng trái phép tài sản là một trong những tội danh xâm phạm đến quan hệ sở hữu, quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ.

Nhận biết tội sử dụng trái phép tài sản có thể thông qua những dấu hiệu sau đây:

Một là, dấu hiệu hành vi

Đây là dấu hiệu quan trọng để nhận biết loại tội phạm này. Khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015, điểm d, điểm d khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2017 mô tả hành vi này như sau:

Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
...

Theo đó, các hành vi này được biểu hiện là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của người khác một cách trái phép (ví dụ như không được chủ sở hữu cho phép, khai thác trái quy định pháp luật,...).

Người phạm tội sử dụng trái phép tài sản của người khác nếu như hành vi sử dụng trái phép tài sản thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Tài sản bị sử dụng trái phép có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: Quy định này cũng bao gồm cả trường hợp người này đã thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản, bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật hoặc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

    • Dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý kỷ luật là dấu hiệu định tội danh đối với người phạm tội trong trường hợp này.

  • Tài sản bị sử dụng trái phép có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng mà người phạm tội đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích, nay lại thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

    • Dấu hiệu đã bị kết án về tội danh sử dụng trái phép tài sản, nay chưa được xóa án tích là dấu hiệu định tội danh cho người phạm tội tại khoản này.

  • Tài sản bị sử dụng trái phép có trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu như không thuộc Điều 219, Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

    • Đây là trường hợp mà người phạm tội sử dụng trái phép những tài sản được quy định là di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa và không thuộc Điều 219, Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015 là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh sử dụng trái phép tài sản.

Ngoài ra, người phạm tội sử dụng trái phép tài sản phải là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Và người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

Tóm gọn lại, khi định tội danh sử dụng trái phép tài sản, cần quan tâm đến một số dấu hiệu đặc trưng như:

  • Trị giá tài sản bị sử dụng trái phép: Dưới 100 triệu đồng hay trên 100 triệu đồng;

  • Người phạm tội đã bị kết án, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi này hay chưa. Đồng thời, đã hết thời hiệu để coi là không vi phạm hành chính, không bị xử lý kỷ luật và được xóa án tích hay chưa;

  • Tài sản bị sử dụng trái phép có phải là di vật, cổ vật, tài sản có giá trị văn hóa, lịch sử không được quy định tại Điều 219, Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015 hay không.

toi su dung trai phep tai san


Tội sử dụng trái phép tài sản bị xử lý thế nào?

Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 quy định 3 khung hình phạt chính và 1 hình phạt bổ sung áp dụng đối với loại tội phạm này.

Cụ thể mức phạt, các trường hợp xử phạt cho từng hành vi này như sau:

Khung hình phạt

Hành vi áp dụng hình phạt

Căn cứ pháp lý

Khung hình phạt 1:

  • Phạt tiền, số tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng;

  • Hoặc phạt cải tạo không giam giữ, thời hạn tối đa là 02 năm;

  • Hoặc phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm;

Gồm 3 hành vi sau:

  • Sử dụng trái phép tài sản có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

  • Sử dụng trái phép tài sản có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng mà người phạm tội đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích, nay lại;

  • Sử dụng trái phép tài sản có trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật, vật có giá trị văn hóa, lịch sử không thuộc quy định tại Điều 219, Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015;

khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2017

Khung hình phạt 2:

  • Phạt tiền, số tiền phạt từ 50 triệu đến 100 triệu;

  • Hoặc phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến 5 năm;

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Trị giá tài sản bị sử dụng trái phép là từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng;

  • Tài sản bị sử dụng trái phép là bảo vật quốc gia;

  • Người phạm tội thực hiện phạm tội 02 lần trở lên;

  • Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

  • Là trường hợp tái phạm nguy hiểm.

khoản 2 Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015

Khung hình phạt 3:

Phạt tù có thời hạn từ 3 năm đến 7 năm

Nếu tài sản bị sử dụng trái phép có trị giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên

khoản 3 Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015

Hình phạt bổ sung

  • Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng;

  • Cấm đảm nhiệm chức vụ;

  • Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm;

khoản 4 Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015

Như vậy, tội sử dụng trái phép tài sản có thể bị xử phạt tù với thời hạn cao nhất là 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Trên đây là giải đáp về tội sử dụng trái phép tài sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X