hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 12/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tranh chấp đất đai lối đi chung với hàng xóm, giải quyết thế nào?

Tranh chấp đất đai lối đi chung với nhà hàng xóm thì có những cách nào giải quyết? Lối đi chung có được thể hiện trên sổ hồng hay không? Cùng giải đáp ngay nhé.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi và gia đình hàng xóm có chung nhau lối đi chung để ra đường lớn.

Thời gian sử dụng cũng đã cách đây hơn 30 năm. Nhà tôi ở phía sau, cuối cùng của ngõ, hàng xóm ở phía trước tôi.

Thời gian gần đây, họ có hành vi rào, che chắn lối đi này, không cho gia đình tôi đi.

Họ nói rằng đây là diện tích đất do cha ông họ để lại nên họ có quyền không cho gia đình tôi đi qua, sử dụng.

Tuy nhiên, họ lại không có bất kỳ giấy tờ, tài liệu chứng minh điều đã công bố.

Xin hỏi Luật sư, chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền được sử dụng ngõ đi này?

Nếu là ngõ đi chung, thuộc quyền sử dụng chung của các nhà trong ngõ thì chúng tôi có thể để nghị được ghi nhận vào sổ hồng của mình không?

Chào bạn, tranh chấp đất đai lối đi chung với nhà hàng xóm, giải quyết bằng cách nào là câu hỏi được chúng tôi giải đáp như sau:

Tranh chấp đất đai lối đi chung với hàng xóm, giải quyết ra sao?

Trước hết, trình tự giải quyết tranh chấp về lối đi chung, quyền sử dụng lối đi chung phụ thuộc vào yêu cầu giải quyết, nguồn gốc hình thành, quá trình sử dụng, phân loại tranh chấp, quản lý về việc sử dụng lối đi chung tại cơ quan có thẩm quyền.

Thông thường, quy trình giải quyết là:

  • Thương lượng, hòa giải: Là thủ tục bắt buộc do tranh chấp lối đi chung tranh chấp đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013;

    • Cụ thể, tranh chấp lối đi chung được hiểu là tranh chấp về nội dung ai là người có quyền đối với diện tích đất tranh chấp, vậy nên, căn cứ Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, nếu không hòa giải tranh chấp đất đai thì không đủ điều kiện khởi kiện tại Tòa án;

  • Khởi kiện ra tòa án nhân dân hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có thẩm quyền giải quyết;

Do chúng tôi chưa được tiếp cận hồ sơ vụ việc thực tế, vì vậy, chúng tôi xin được giải đáp chung các công việc thực hiện trong từng bước cho trường hợp của bạn như sau:

Bước 1: Thương lượng, hòa giải

  • Việc thương lượng hòa giải có thể do các bên tự tiến hành;

  • Nếu không tự thực hiện thì phải làm đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Biên bản hòa giải thành hoặc hào giải không thành là căn cứ để các bên thực hiện khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết;

  • Khi hòa giải, cần lưu ý đến các tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc, quá trình sử dụng, quản lý lối đi chung, bởi lối đi chung có thể hình thành do:

    • Sự thỏa thuận của các bên (có thể là chủ cũ);

    • Do tồn tại hiện hữu hoặc xác định theo tập quán từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015;

    • Do thực hiện quyền sử dụng hạn chế đối với bất động sản liền kề theo Điều 171 Luật Đất đai 2013, Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015;

    • Do thực hiện theo quyết định, bản án của tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

    • Do đo đạc tự tách để làm đường đi;

    • ….;
  • Tương ứng với mỗi nguồn gốc hình thành và quá trình sử dụng, quản lý từ thời điểm hình thành mà quyền đối với phần diện tích đất được sử dụng làm lối đi chung có sự khác biệt;

  • Nếu thương lượng, hòa giải thành công, các bên có thể đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký biến động (vì lý do hòa giải thành hoặc đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với bất động sản liền kề);

  • Trường hợp hòa giải không thành, các bên tiến hành theo bước 2;

Bước 2: Nộp đơn yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết

Trong đó lưu ý rằng, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có sự phân biệt:

  • Ủy ban nhân dân cấp huyện: Giải quyết tranh chấp đất đai nếu đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong số những giấy tờ về quyền sử dụng đất;

  • Tòa án nhân dân: Giải quyết tranh chấp đất đai nếu đương sự có hoặc không có giấy chứng nhận/giấy tờ về quyền sử dụng đất;

  • Lưu ý rằng, Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:

    • Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai không thành;

    • Giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất;

    • Đơn khởi kiện nếu giải quyết tại tòa án nhân dân;

    • Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nếu giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp huyện;

  • Quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền là căn cứ để xác định người có quyền đối với lối đi chung.

Như vậy, tranh chấp đất đai lối đi chung được giải quyết thông qua hòa giải.

Nếu không hòa giải được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết.

Ngoài ra, nếu không đồng ý với phương án giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đương sự có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Nếu không đồng ý với quyết định, bản án của tòa án nhân dân cấp sơ thẩm, đương sự có quyền kháng cáo, đề nghị kháng nghị, đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định.

Xem tiếp: Đương sự trong vụ án đất đai buộc phải có mặt tại tòa không?

Cách giải quyết tranh chấp đất đai lối đi chungCách giải quyết tranh chấp đất đai lối đi chung

Lối đi chung thể hiện trên sổ đỏ không?

Việc thể hiện lối đi chung trên sổ đỏ được tiến hành theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT và có thể được ghi hoặc không ghi trên sổ đỏ, chi tiết như sau:

Một là, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, đường đi/lối đi chung mà là công trình xây dụng theo tuyến thì không được thể hiện trên Mục III “Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận”:

b) Những trường hợp không thể hiện sơ đồ gồm:

- Đất xây dựng công trình theo tuyến. Ví dụ: "Đường giao thông, đường dẫn điện, đường dẫn nước của tổ chức đầu tư xây dựng theo hình thức BOT".

Hai là, nếu lối đi chung được hình thành do hiến đất làm đường

Khoản 4 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, nếu trường hợp lối đi chung là hình thành từ việc hiến đất thì ghi thông tin tại mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” trên sổ đỏ.

Ba là, ghi nhận lối đi chung là kết quả của việc thực hiện quyền sử dụng hạn chế đối với bất động sản liền kề trên sổ đỏ

Khoản 1 Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định nếu lối đi chung là kết quả của sự thương lượng, hoặc theo bản án, quyết định của toà án về quyền sử dụng hạn chế đối với bất động sản liền kề thì được ghi nhận tại phần Ghi chú của sổ hồng.

Từ các căn cứ, phân tích nêu trên, lối đi chung vẫn được ghi nhận trên sổ hồng/sổ đỏ nếu như đây là lối đi thể hiện quyền sử dụng hạn chế đối với bất động sản liền kề hoặc được hiến/tặng cho.

Như vậy, tranh chấp đất đai lối đi chung có thể được giả quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc giải quyết theo quy định của Toà án, cơ quan có thẩm quyền.

Theo kết quả của việc giải quyết tranh chấp, đương sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ghi nhận thông tin về lối đi chung trên sổ hồng đã được cấp.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề tranh chấp đất đai lối đi chung, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X