hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 10/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, xử lý thế nào?

Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai giải quyết như thế nào? Nhận diện rủi ro và làm gì để hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng này? Cùng tìm hiểu nhé.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có dự định mua căn hộ chung cư với mong muốn để tặng cho em gái của mình.

Tuy nhiên, tôi thấy xung quanh tôi có một số người bạn cũng mua nhà như tôi thì phát sinh khá nhiều vấn đề rắc rối với chủ đầu tư.

Có một số tình huống, thậm chí người mua không được làm sổ đỏ sau khi đã bàn giao nhà được vài năm.

Xin hỏi, nếu phát sinh tranh chấp mà người mua nhà như chúng tôi không tự thương lượng được với chủ đầu tư thì được giải quyết như thế nào?

Những rủi ro có thể phát sinh đối với trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là gì và tôi có thể làm gì để hạn chế những rủi ro này?

Chào bạn, tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải giải quyết thế nào, làm gì để giảm rủi ro khi mua tài sản này là vấn đề được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thế nào?

Theo nguyên tắc xử lý tranh chấp hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự chung, các bên có thể lựa chọn một trong ba cách giải quyết sau:

  • Cách 1: Tự thương lượng, hòa giải;

  • Cách 2: Khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền;

  • Cách 3: Giải quyết bằng phương thức trọng tài thương mại (ít sử dụng);

Các công việc cụ thể cần thực hiện/lưu ý trong khi giải quyết bằng các phương thức nêu trên như chúng tôi phân tích, liệt kê tại bảng dưới đây:

Cách giải quyết

Công việc cần thực hiện/lưu ý

Cách 1: Tự thương lượng, hòa giải

  • Việc thương lượng, đàm phán, hòa giải có thể được thực hiện trực tiếp, bằng văn bản hoặc qua Luật sư, người đại diện…;

  • Các bên cũng có thể lựa chọn việc hòa giải tại tòa án, do hòa giải viên thực hiện theo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án 2020;

  • Các bên có thể yêu cầu tòa án công nhận kết quả nếu hòa giải, thương lượng thành công;

  • Nên thực hiện thương lượng, hòa giải để giảm thiểu các khoản chi phí, thời gian, công sức;

Cách 2: Khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền

  • Khởi kiện là phương án được lựa chọn nếu không hòa giải thành hoặc không thực hiện hòa giải;

  • Cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình;

  • Thường, toàn bộ tài liệu, giấy tờ liên quan đến hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là chứng cứ được sử dụng trong vụ án: Ví dụ hợp đồng, biên lai đóng nộp tiền theo đợt, biên bản bàn giao, phụ lục hợp đồng, biên bản làm việc…;

  • Tùy thuộc từng loại tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai mà các tài liệu, chứng cứ cần thu thập có sự phân biệt;

  • Lưu ý đến thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng để tránh bị mất quyền khởi kiện;

  • Tìm hiểu, lựa chọn tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết: Thường sẽ do tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở;

  • Thủ tục giải quyết phải tuân thủ quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, gồm các bước cơ bản được liệt kê dưới đây:

    • Nộp hồ sơ khởi kiện;

    • Tiếp nhận, xem xét và thụ lý hồ sơ khởi kiện;

    • Các công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử;

    • Tiến hành xét xử sơ thẩm;

    • Kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm hoặc thi hành bản án sơ thẩm đã có hiệu lực;

    • Thi hành theo bản án dân sự phúc thẩm;

Cách 3: Giải quyết bằng phương thức trọng tài thương mại

  • Đây là cách thức ít được áp dụng trên thực tế do khách hàng thường không là người hoạt động kinh doanh, thương mại;

  • Để được giải quyết, các bên phải có thỏa thuận bằng văn bản: Thỏa thuận này phải thể hiện bằng văn bản, có thể được lập khi ký hợp đồng hoặc sau khi phát sinh tranh chấp;

  • Trình tự giải quyết phải tuân thủ quy định của Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12;

  • Các bên có thể lựa chọn cách thức giải quyết bằng trọng tại quy chế hoặc trọng tài vụ việc;

  • Khi giải quyết bằng trọng tài thương mại thì không được yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thực hiện được;

  • Bên được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành quyết định trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

Như vậy, tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai có thể được giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân hoặc yêu cầu trọng tài thương mại giải quyết.

Thông thường, giải quyết bằng trọng tài thương mại là cách thức ít được sử dụng hơn so với 2 cách thức còn lại.

Cách xử lý tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương laiCách xử lý tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai

Một số loại tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai?

Trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, có một số tranh chấp thường phát sinh nhiều như:

  • Một bên hoặc cả hai bên vi phạm nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng tại thời điểm ký hợp đồng, chủ đầu tư chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật;

  • Tranh chấp khi bên mua không thanh toán đầy đủ, đúng hạn theo tiến độ được thỏa thuận trong hợp đồng;

  • Tranh chấp khi bên chủ đầu tư chưa bàn giao nhà đúng thời hạn;

  • Tranh chấp khi chủ đầu tư không thực hiện giải chấp, nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cho người mua;

  • Tranh chấp trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà đúng thời hạn mà ngân hàng không tiến hành các công việc bảo lãnh theo chứng từ bảo lãnh đã được ký kết;

  • Tranh chấp trong trường hợp chủ đầu tư yêu cầu khách hàng đóng nộp các khoản phí dịch vụ không có trong hợp đồng mua bán hoặc không được thỏa thuận khi xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai;

  • Tranh chấp khi chủ đầu tư yêu cầu khách hàng phải mua các hợp đồng bảo hiểm tài sản mà theo quy định pháp luật không bắt buộc phải mua;

  • Tranh chấp về điều khoản bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, cách tính tiền vi phạm… theo hợp đồng đã ký kết;

  • …;

Như vậy, trên đây là một số trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thường gặp trên thực tế.

Tương ứng với mỗi loại tranh chấp, bên bị vi phạm quyền cần chuẩn bị các tài liệu, chứng từ chứng minh phù hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Lưu ý để hạn chế rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương laiLưu ý để hạn chế rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai

Hạn chế rủi ro khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thế nào?

Rủi ro là yếu tố tiềm ẩn hoặc hiện hữu trong mỗi loại hợp đồng, trong đó có hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Nhằm hạn chế rủi ro cũng như hạn chế phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, bạn có thể tham khảo, thực hiện theo một số lưu ý sau đây:

  • Kiểm tra kỹ tình trạng pháp lý, điều kiện mua bán của căn nhà ở hình thành trong tương lai chuẩn bị mua bán: Ví dụ xem có văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng về việc đủ điều kiện mua bán hay chưa, có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng hay chưa…;

  • Đọc kỹ, rà soát cụ thể các điều khoản có trong hợp đồng; yêu cầu giải thích, bổ sung, sửa chữa những điều khoản chưa hợp lý trong hợp đồng;

  • Có thể tham vấn/tư vấn từ Luật sư, tổ chức hành nghề luật hoặc những người có chuyên môn, kinh nghiệm…;

  • Tìm hiểu kỹ về năng lực của chủ đầu tư thông qua các dự án đã thực hiện hoặc thông qua website của công ty hoặc thông qua các kênh thông tin chính thức khác từ cơ quan Nhà nước, tổ chức có liên quan…;

  • Tìm hiểu về dự án đang mở bán của chủ đầu tư như nguồn vốn, số lượng căn hộ được bán, có hay không việc thế chấp/tình trạng giải chấp,...;

  • Mỗi lần thực hiện đóng nộp tiền theo đợt, cần nhận lại hóa đơn, chứng từ chứng minh cho việc nộp tiền;

  • Thường xuyên hệ, theo dõi tiến trình phát triển của dự án để nắm bắt được đầy đủ thông tin của dự án;

Như vậy, để hạn chế tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai cũng như rủi ro pháp lý, rủi ro kinh tế có thể phát sinh, bạn nên lưu ý đến một số vấn đề như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp về vấn đề tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X