hieuluat

Công văn 2750/LĐTBXH-LĐTL lấy ý kiến phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:2750/LĐTBXH-LĐTLNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Phạm Minh Huân
    Ngày ban hành:09/08/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:09/08/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
  • BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    ------------------
    Số: 2750/LĐTBXH-LĐTL
    V/v: lấy ý kiến phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các loại hình doanh nghiệp
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------------------
    Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2012
     
     
    Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
     
     
    Thực hiện quy định tại Điều 56 của Bộ luật Lao động và Kết luận số 23-KL/TW ngày 29 tháng 5 năm 2012 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:
    1. Rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ, trong đó đánh giá mặt được, mặt chưa được và nguyên nhân kèm theo số liệu tổng hợp về tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp (số thực hiện cao hơn, thấp hơn theo vùng, loại hình doanh nghiệp).
    2. Tham gia ý kiến về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2013 (phương án kèm theo).
    Rất mong đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn lao động cấp tỉnh, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức trao đổi với Ban quản lý khu công nghiệp (nếu có), các Hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trên cơ sở đó tổng hợp và gửi ý kiến tham gia về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 31/8/2012 (đồng thời gửi qua số fax: 043.9386139) để tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định./.
     

     Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Lưu: VP, Vụ LĐTL (3).
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Phạm Minh Huân
     


    PHƯƠNG ÁN
    ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG
    TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP NĂM 2013
    (Kèm theo công văn số 2750/LĐTBXH-LĐTL ngày 9 tháng 8 năm 2012
     của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
     
     
    1. Về mức lương tối thiểu vùng:
    Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động, lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu đã trình Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, xác định mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong doanh nghiệp năm 2013 theo các phương án như sau:
    Phương án 1: Điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo lộ trình đã trình Ban chấp hành Trung ương, mức điều chỉnh tăng bình quân 4 vùng khoảng 36%, cụ thể:
    - Vùng 1: Mức 2.700.000 đồng/tháng.
    - Vùng 2: Mức 2.400.000 đồng/tháng.
    - Vùng 3: Mức 2.130.000 đồng/tháng.
    - Vùng 4: Mức 1.930.000 đồng/tháng.
    Phương án này có ưu điểm thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận số 23-KL/TW ngày 29 tháng 5 năm 2012 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” của Ban chấp hành Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội nghị trung ương 5) là “điều chỉnh mức lượng tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”.
    Tuy nhiên có nhược điểm mức điều chỉnh cao, làm tăng chi phí lớn ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2012 đang gặp rất nhiều khó khăn.
    Phương án 2: Căn cứ tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2012 gặp nhiều khó khăn, điều chỉnh tiền lương tối thiểu bằng khoảng 90% so với phương án I, mức điều chỉnh tăng bình quân 4 vùng khoảng 25%, cụ thể:
    - Vùng 1: Mức 2.500.000 đồng/tháng.
    - Vùng 2: Mức 2.250.000 đồng/tháng.
    - Vùng 3: Mức 1.950.000 đồng/tháng.
    - Vùng 4: Mức 1.800.000 đồng/tháng.
    Phương án này có ưu điểm phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng có tác động ít hơn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, mức điều chỉnh tương ứng với mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung.
    Tuy nhiên phương án này có nhược điểm chưa thực hiện theo đúng lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã trình Hội nghị trung ương 5, các năm sau phải điều chỉnh ở mức cao hơn mới đạt được mục tiêu bảo đảm nhu cầu tối thiểu vào năm 2015.
    2. Về thời điểm điều chỉnh
    Chính phủ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp vào tháng 10/2012 và thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Trong quá trình thảo luận vẫn có ý kiến cho rằng nếu tình hình nhiều doanh nghiệp 6 tháng cuối năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn thì lùi thời gian thực hiện từ 3 đến 6 tháng để chia sẻ với tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp.
    3. Về địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng
    Giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ. Trường hợp các địa phương có đề xuất điều chỉnh vùng thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức trao đổi với các Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (nếu có), các Hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét, quyết định./.
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X