hieuluat

Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:251&256-03/2014
    Số hiệu:04/2014/TT-BLĐTBXHNgày đăng công báo:04/03/2014
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Bùi Hồng Lĩnh
    Ngày ban hành:12/02/2014Hết hiệu lực:01/04/2023
    Áp dụng:15/04/2014Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
  • BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    --------
    -------------------
    Số: 04/2014/TT-BLĐTBXH
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------
    ------------------
    Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2014
     
     
    THÔNG TƯ
    HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN
     
     
    Căn cứ Điều 149 Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
    Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động,
    Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
     
     
    Chương 1.
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
    Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; Danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại.
    Điều 2. Đối tượng áp dụng
    1. Người sử dụng lao động trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã; cá nhân có sử dụng lao động, bao gồm:
    a) Các cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp; lực lượng vũ trang (bao gồm cả lực lượng làm công tác cơ yếu);
    b) Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;
    c) Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;
    d) Hợp tác xã;
    đ) Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có trụ sở đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    e) Các tổ chức, cá nhân khác có sử dụng lao động.
    2. Công chức, viên chức, người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại kể cả cán bộ quản lý thường xuyên đi thanh tra, kiểm tra, giám sát hiện trường, cán bộ nghiên cứu, giáo viên giảng dạy, sinh viên thực tập, học sinh học nghề hoặc người thử việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động nêu tại khoản 1 Điều này.
    Điều 3. Phương tiện bảo vệ cá nhân
    1. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.
    2. Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm:
    a) Phương tiện bảo vệ đầu;
    b) Phương tiện bảo vệ mắt, mặt;
    c) Phương tiện bảo vệ thính giác;
    d) Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp;
    đ) Phương tiện bảo vệ tay, chân;
    e) Phương tiện bảo vệ thân thể;
    g) Phương tiện chống ngã cao;
    h) Phương tiện chống điện giật, điện từ trường;
    i) Phương tiện chống chết đuối;
    k) Các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.
    3. Phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động phải phù hợp với việc ngăn ngừa có hiệu quả các tác hại của các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong môi trường lao động, dễ dàng trong sử dụng, bảo quản và không gây tác hại khác.
    4. Các phương tiện bảo vệ cá nhân phải đảm bảo chất lượng, quy cách theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định khác của nhà nước.
     
    Chương 2.
    NGUYÊN TẮC CẤP PHÁT, SỬ DỤNG, BẢO QUẢN PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN
     
    Điều 4. Điều kiện được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân
    Người lao động trong khi làm việc chỉ cần tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại dưới đây thì được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân:
    1. Tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu;
    2. Tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại;
    3. Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu:
    a) Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại;
    b) Phân, nước, rác, cống rãnh hôi thối;
    c) Các yếu tố sinh học độc hại khác;
    4. Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên sông nước, trong rừng hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.
    Điều 5. Nguyên tắc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân
    1. Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động để loại trừ hoặc hạn chế tối đa các tác hại của yếu tố nguy hiểm, độc hại đến mức có thể được, cải thiện điều kiện lao động trước khi thực hiện biện pháp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
    2. Người sử dụng lao động thực hiện việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo danh mục tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong trường hợp các nghề, công việc chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà xét thấy có yếu tố nguy hiểm, độc hại không bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động thì người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với công việc đó, đồng thời phải báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hoặc Bộ, ngành chủ quản theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này để đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục.
    3. Người sử dụng lao động căn cứ vào mức độ yêu cầu của từng nghề hoặc công việc cụ thể tại cơ sở của mình, tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở hoặc người đại diện tập thể người lao động để quyết định thời hạn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cho phù hợp với tính chất công việc và chất lượng của phương tiện bảo vệ cá nhân.
    4. Người sử dụng lao động phải lập sổ cấp phát, theo dõi việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và phải có chữ ký của người lao động nhận phương tiện bảo vệ cá nhân theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
    5. Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bổ sung mới hoặc thay đổi loại phương tiện bảo vệ cá nhân quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này cho phù hợp với điều kiện thực tế. Người sử dụng lao động tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở hoặc người đại diện tập thể người lao động trước khi quyết định.
    6. Người đến thăm quan, học tập thì tùy theo yêu cầu cụ thể, người sử dụng lao động cấp phát các phương tiện bảo vệ cá nhân cần thiết để sử dụng trong thời gian thăm quan, học tập.
    7. Nghiêm cấm người sử dụng lao động cấp phát tiền thay cho việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc giao tiền cho người lao động tự đi mua.
    Điều 6. Nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân
    1. Người sử dụng lao động phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp và phải kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng.
    2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao thì người sử dụng lao động (hoặc người được ủy quyền cấp phát) phải kiểm tra để bảo đảm chất lượng, quy cách trước khi cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi; không sử dụng các phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc quá hạn sử dụng.
    3. Người được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phải sử dụng phương tiện đó theo đúng quy định trong khi làm việc. Nếu người lao động vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy lao động của cơ sở mình hoặc theo quy định của pháp luật.
    4. Người lao động không phải trả tiền về việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị lại cho người lao động phương tiện bảo vệ cá nhân khi bị mất, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Trường hợp bị mất, hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì người lao động phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động cơ sở. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi chuyển làm công việc khác thì người lao động phải trả lại những phương tiện bảo vệ cá nhân nếu người sử dụng lao động yêu cầu nhưng phải ký bàn giao.
    Điều 7. Nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân
    1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
    2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân để sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra.
     
    Chương 3.
    TỔ CHỨC THỰC HIỆN
     
    Điều 8. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
    1. Căn cứ vào quy định về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được ban hành tại Thông tư này và thời hạn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được quyết định, hàng năm, người sử dụng lao động tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở hoặc người đại diện của người lao động để lập kế hoạch mua sắm (bao gồm cả dự phòng).
    2. Hạch toán kinh phí về mua sắm, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân vào chi phí thường xuyên đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp, vào chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
    3. Định kỳ báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương về tình hình thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cùng với tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
    Điều 9. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
    1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến Thông tư này tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trên địa bàn quản lý.
    2. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Thông tư này cùng với tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn.
    Điều 10. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương
    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bổ sung Danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại và hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
    Điều 11. Hiệu lực thi hành
    1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2014.
    2. Quyết định số 1407/1997/QĐ-BLĐTBXH ngày 14 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chuẩn trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho các nghề, công việc đặc thù của ngành Dự trữ quốc gia; Thông tư số 10/1998/TT-LĐTBXH ngày 28 tháng 5 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; Quyết định số 68/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại và các văn bản khác có nội dung trái với quy định tại Thông tư này hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
    3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu và giải quyết./.
     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Văn phòng BCĐ TƯ về phòng, chống tham nhũng;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương các đoàn thể và các Hội;
    - Kiểm toán nhà nước;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Các Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty hạng đặc biệt;
    - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
    - Ngân hàng Chính sách xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
    - Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
    - Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
    - Lưu: VT, Cục ATLĐ (15 b), PC.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Bùi Hồng Lĩnh
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Bộ luật Lao động của Quốc hội, số 10/2012/QH13
    Ban hành: 18/06/2012 Hiệu lực: 01/05/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 106/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 20/12/2012 Hiệu lực: 01/03/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Thông tư 10/1998/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân
    Ban hành: 28/05/1998 Hiệu lực: 12/06/1998 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    04
    Quyết định 68/2008/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành Danh mục trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại
    Ban hành: 29/12/2008 Hiệu lực: 15/02/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    05
    Bộ luật Lao động của Quốc hội, số 10/2012/QH13
    Ban hành: 18/06/2012 Hiệu lực: 01/05/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    06
    Quyết định 731/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội năm 2014
    Ban hành: 01/06/2015 Hiệu lực: 01/06/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Thông tư 45/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật công tác điều tra khảo sát khí tượng thủy văn
    Ban hành: 23/10/2017 Hiệu lực: 08/12/2017 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Thông tư 29/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật công tác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn
    Ban hành: 26/12/2018 Hiệu lực: 11/02/2019 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Số hiệu:04/2014/TT-BLĐTBXH
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:12/02/2014
    Hiệu lực:15/04/2014
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
    Ngày công báo:04/03/2014
    Số công báo:251&256-03/2014
    Người ký:Bùi Hồng Lĩnh
    Ngày hết hiệu lực:01/04/2023
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X