hieuluat

Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-VKSTC-BNV-BTC hướng dẫn thi hành Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối caoSố công báo:19&20 - 01/2006
    Số hiệu:01/2006/TTLT-VKSTC-BNV-BTCNgày đăng công báo:05/02/2006
    Loại văn bản:Thông tư liên tịchNgười ký:Nguyễn Trọng Điều, Trần Thu, Trần Văn Tá
    Ngày ban hành:19/01/2006Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:20/02/2006Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
  • THÔNG TƯ

    LIÊN TỊCH CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 01/2006/TTLT-VKSTC-BNV-BTC
    NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2006 HƯỚNG DẪN THI HÀNH
    QUYẾT ĐỊNH SỐ 138/2005/QĐ-TTg NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 2005
    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI KIỂM SÁT VIÊN, ĐIỀU TRA VIÊN, KIỂM TRA VIÊN
    NGÀNH KIỂM SÁT

     

    Căn cứ Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát;

    Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

    Căn cứ Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên ngành Kiểm sát;

    Để thực hiện thống nhất chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên ngành Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

     

    I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

     

    1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

    Đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề trong ngành Kiểm sát nhân dân bao gồm Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các cấp đang hưởng lương theo quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát. Cụ thể:

    a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

    b) Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh), Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cấp huyện);

    c) Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp;

    d) Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên.

    2. Nguyên tắc áp dụng

    a) Đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm quy định tại khoản 1 mục I Thông tư này là những người được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào chức danh theo quy định của pháp luật.

    b) Cán bộ công chức được bổ nhiệm vào chức danh nào thì hưởng mức phụ cấp trách nhiệm quy định đối với chức danh đó.

    c) Trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh trước ngày 01/10/2004 thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01/10/2004. Trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh từ ngày 01/10/2004 trở đi thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày được bổ nhiệm.

    3. Đối tượng quy định tại khoản 1 mục I Thông tư này không được hưởng phụ cấp trách nhiệm trong thời gian sau

    a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính Phủ;

    b) Thời gian đi học ở trong nước không làm nghiệp vụ kiểm sát từ 3 tháng liên tục trở lên;

    c) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên;

    d) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành của Nhà nước;

    e) Thời gian bị đình chỉ công tác.

     

    II. MỨC PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM VÀ CÁCH TÍNH

     

    1. Mức phụ cấp trách nhiệm

    a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Điều tra viên các cấp được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm như sau:

    Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Điều tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

    Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Điều tra viên trung cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

    Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Điều tra viên sơ cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 30% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

    b) Kiểm tra viên các cấp được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm như sau:

    Kiểm tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 15% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

    Kiểm tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

    Kiểm tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

    2. Cách tính

    Mức tính phụ cấp trách nhiệm

     

    =

    Hệ số lương chức vụ hoặc hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ hiện hưởng cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng (nếu có)

     

    x

    Mức lương tối thiểu chung

     

    x

    Tỷ lệ % phụ cấp trách nhiệm được hưởng

     

    Ví dụ 1: Ông H, Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, hiện hưởng hệ số lương 3,99, bậc 6, nhóm chức danh loại A1 thuộc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát.

    Mức tiền phụ cấp trách nhiệm của ông H tính theo chức danh Kiểm tra viên bậc 6 là:

    3,99 x 350.000 đồng/tháng x 25% = 349.125 (đồng/tháng)

    3. Áp dụng phụ cấp trách nhiệm khi thay đổi công việc

    a) Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các cấp khi thay đổi công việc hoặc không tiếp tục đảm nhiệm các chức danh này, thì thôi hưởng phụ cấp trách nhiệm đối với các chức danh đó kể từ ngày quyết định thay đổi công việc có hiệu lực thi hành.

    b) Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các cấp khi được bổ nhiệm lên nhóm chức danh cao hơn mà tổng mức tiền lương cộng với tiền phụ cấp trách nhiệm của chức danh mới được bổ nhiệm thấp hơn trước khi bổ nhiệm thì được bảo lưu chênh lệch giữa tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm đang hưởng ở chức danh cũ so với tổng mức tiền lương cộng với tiền phụ cấp trách nhiệm được hưởng ở chức danh mới cho đến khi được nâng bậc lương liền kề.

    Ví dụ 2: Ông B, Điều tra viên sơ cấp, hiện hưởng hệ số lương 4,32, bậc 7, nhóm chức danh loại A1 thuộc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01/01/2004. Đến ngày 01/01/2006 ông B được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp, xếp hệ số lương 4,40, bậc 1; thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở chức danh Điều tra viên trung cấp được tính kể từ ngày 01/01/2004.

    Trước ngày được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp, tổng tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm của ông B tính theo chức danh Điều tra viên sơ cấp bậc 7 là:

    (4,32 x 350.000) + (4,32 x 350.000 x 30%) = 1.965.600 (đồng/tháng)

    Từ ngày 01/01/2006, tổng tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm của ông B tính theo chức danh Điều tra viên trung cấp bậc 1 là:

    (4,40 x 350.000) + (4,40 x 350.000 x 25%) = 1.925.000 (đồng/tháng)

    Do tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm của ông B tính theo chức danh mới bổ nhiệm là 1.925.000 đồng/tháng, thấp hơn tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm trước khi được bổ nhiệm 1.965.600 đồng/tháng là 40.600 đồng, nên ông B được bảo lưu chênh lệch giữa tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm đã hưởng ở chức danh cũ so với tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm được hưởng ở chức danh mới là:1.965.600 đồng - 1.925.000 đồng = 40.600 đồng.

    Đến ngày 01/01/2007 ông B được nâng lên bậc 2 hệ số lương 4,74 của chức danh Điều tra viên trung cấp. Tổng tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm là (4,74 x 350.000) + (4,74 x 350.000 x 25%) = 2.073.750 (đồng/tháng). Mức tiền này cao hơn tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm đã được hưởng trước đó, nên ông B thôi hưởng bảo lưu phần chênh lệch 40.600 đồng.

    Ví dụ 3: Ông K, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, hiện hưởng hệ số lương 6,78 bậc 8 Kiểm sát viên cấp tỉnh, nhóm chức danh loại A2 thuộc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát và hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,95; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 15/6/2004. Đến ngày 01/11/2005 ông K được điều động, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời giữ chức vụ Phó vụ trưởng, xếp hệ số lương 6,92, bậc 3 và hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,85; thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tính từ ngày 15/6/2004.

    Trước ngày được điều động, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tổng tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm của ông K (tháng 10/2005) tính theo chức danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (bậc 8 Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh) là:

    (6,78 x 350.000) + [(6,78 + 0,95) x 350.000 x 25%] = 3.049.375 (đồng/tháng).

    Từ ngày 01/11/2005, tổng tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm của ông K tính theo chức danh Phó vụ trưởng (bậc 3 Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao) là:

    (6,92 x 350.000) + [(6,92 + 0,85) x 350.000 x 20%] = 2.965.900 (đồng/tháng).

    Do tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm của ông K tính theo chức danh mới bổ nhiệm là 2.965.900 đồng, thấp hơn tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm trước khi được bổ nhiệm 3.049.375 đồng là 83.475 đồng, nên ông K được hưởng bảo lưu chênh lệch giữa tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm đã hưởng ở chức danh cũ so với tổng mức tiền lương cộng với tiền phụ cấp trách nhiệm được hưởng ở chức danh mới là: 3.049.375 đồng - 2.965.900 đồng = 83.475 đồng.

    Đến ngày 15/6/2007 ông K được nâng lên bậc 4 hệ số lương 7,28 của chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tổng tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm là (7,28 x 350.000) + [(7,28 + 0,85) x 350.000 x 20%] = 3.117.100 (đồng/tháng). Mức tiền này cao hơn tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm đã được hưởng trước đó nên ông K thôi hưởng bảo lưu phần chênh lệch 83.475 đồng.

     

    III. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CÁCH CHI TRẢ

     

    1. Nguồn kinh phí

    Nguồn kinh phí đảm bảo chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên các cấp ngành Kiểm sát được thực hiện theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

    2. Cách chi trả

    a) Phụ cấp trách nhiệm đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên thuộc biên chế trả lương của Viện kiểm sát nhân dân cấp nào thì do Viện kiểm sát nhân dân cấp đó chi trả.

    b) Phụ cấp trách nhiệm được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và quyết toán theo quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính hiện hành.

    c) Phụ cấp trách nhiệm quy định tại Thông tư này không được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

    3. Quản lý, quyết toán kinh phí

    Việc quản lý, cấp phát, hạch toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các cấp ngành Kiểm sát nhân dân theo chế độ quản lý tài chính hiện hành và được hạch toán vào mục 102, tiểu mục 08 theo chương, loại, khoản, hạng tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước.

     

    IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Chế độ phụ cấp trách nhiệm quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01/10/2004.

    2. Bãi bỏ quy định về chế độ bồi dưỡng đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên ngành Kiểm sát nhân dân quy định tại Thông tư Liên tịch số 05/2001/TTLT/BTP-BTCCBCP-BTC-BCA ngày 28/3/2001 của Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với một số chức danh tư pháp.

    Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

     

    KT. Bộ trưởng

    Bộ tài chính

    Thứ trưởng

    (Đã ký)

    TrÇn V¨n T¸

    KT. Bộ trưởng

    Bộ Nội vụ

    Thứ trưởng

    (Đã ký)

    NguyÔn Träng §iÒu

    KT. Viện trưởng

    Viện kiểm sát nhân dân tối cao

    Phó viện trưởng

    (Đã ký)

    Trần Thu

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-VKSTC-BNV-BTC hướng dẫn thi hành Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
    Số hiệu:01/2006/TTLT-VKSTC-BNV-BTC
    Loại văn bản:Thông tư liên tịch
    Ngày ban hành:19/01/2006
    Hiệu lực:20/02/2006
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
    Ngày công báo:05/02/2006
    Số công báo:19&20 - 01/2006
    Người ký:Nguyễn Trọng Điều, Trần Thu, Trần Văn Tá
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X